Thu hút vốn đầu tư trong nước cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định các nhân tố tác động đến khả năng thu hút vốn đầu tư trong nước cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang. Thông qua việc đánh giá thực trạng khả năng thu hút vốn đầu tư trong nước cho phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh, tìm ra những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm tăng cường các giải pháp thu hút vốn đầu tư trong nước cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang.
Thực trạng thu hút đầu tư trong nước của tỉnh An Giang và các nhân tố ảnh hưởng
An Giang là một tỉnh trọng điểm trong khu vực kinh tế miền Tây Nam Bộ, có mối liên hệ chặt chẽ với vùng kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long và nằm trong khu vực ảnh hưởng của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam. Để thu hút và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư thì trước hết An Giang phải làm tốt và đẩy mạnh, tận dụng tốt nguồn vốn đầu tư trong nước để tạo tiền đề cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Qua thực tế, thu hút đầu tư trong nước năm 2018 của tỉnh An Giang cho thấy, có 90 dự án được cấp mới, với tổng vốn đăng ký đầu tư 29.373 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2017, số dự án tăng 7,14% (tăng 06 dự án), tổng vốn đăng ký đầu tư tăng 83,70% (tăng 13.384 tỷ đồng). Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, đã có những hạn chế trong thu hút đầu tư trong nước trên địa bàn. Để tìm ra nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, các giải pháp nhằm thu hút vốn đầu tư trong nước cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang, nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu thực trạng khả năng thu hút vốn đầu tư trong nước cho phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh và các nhân tố tác động.
Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu định tính: Nhóm tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu, thống kê, so sánh, phân tích, đi từ cơ sở lý thuyết đến thực tiễn nhằm giải quyết và làm sáng tỏ mục tiêu đặt ra của nghiên cứu. Đồng thời, việc nghiên cứu tình huống, đối chiếu cũng được thực hiện nhằm đánh giá thực trạng công tác thu hút vốn đầu tư trong nước cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang.
- Phương pháp nghiên cứu định lượng: Phương pháp nghiên cứu định lượng được sử dụng bằng cách khảo sát ý kiến chuyên gia, sau đó tổng hợp và khảo sát ý kiến của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh An Giang thông qua bảng câu hỏi nhằm xác định các nhân tố tác động đến thu hút vốn đầu tư trong nước cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang.
Cụ thể, phương pháp chọn mẫu: Lấy mẫu thuận tiện; Kích thước mẫu: 300; Đối tượng chọn mẫu: Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang; Phương pháp thu thập dữ liệu: Khảo sát bằng Bảng câu hỏi; Phương pháp phân tích dữ liệu: Dữ liệu được phân tích trên phần mềm Excel, SPSS.
Kết quả nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong tổng vốn đầu tư huy động trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2014 - 2018, vốn do Trung ương quản lý chiếm tỷ trọng bình quân 35%, có xu hướng giảm dần. Trong khi vốn do địa phương quản lý chiếm tỷ trọng bình quân 65% và đang có xu hướng tăng lên. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư có chuyển biến theo hướng huy động ngày càng nhiều các nguồn vốn trong dân cư. Tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong tổng vốn đầu tư xã hội của Tỉnh vẫn còn cao trong tổng cơ cấu.
Để tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang, nhóm tác giả tiến hành khảo sát các lãnh đạo doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang. Thời gian khảo sát được tiến hành từ tháng 4/2019 đến tháng 7/2019. Cách thức khảo sát là Bảng câu hỏi được gửi trực tiếp đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang. Mục đích của khảo sát là xác định các nhân tố tác động đến khả năng thu hút vốn đầu tư trong nước, từ đó tìm giải pháp thích hợp cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang. Tổng số lượng bảng câu hỏi phát ra là 300 bảng, trong đó có 18 bảng không hợp lệ, sử dụng được 282 bảng.
Kết quả phân tích hồi quy cho thấy, Hệ số Sig.F = 0,00 nhỏ hơn rất nhiều so với mức ý nghĩa α = 5%, nên mô hình hồi quy có ý nghĩa, tức là các biến độc lập có ảnh hưởng đến biến phụ thuộc Y, chứng tỏ có sự tương quan (Mai Văn Nam, 2008). Bên cạnh đó, độ phóng đại phương sai (VIF) của các biến trong mô hình nhỏ. Có thể kết luận các biến đưa vào mô hình không có hiện tượng đa cộng tuyến (Mai Văn Nam, 2008). Kết quả phân tích cho thấy, tất cả 9 biến đưa vào mô hình đều có ý nghĩa thống kê (Sig. <10%). Từ các kết quả trên, phương trình hồi quy ước lượng các nhân tố ảnh hưởng khả năng thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang ban đầu được thiết lập như sau:
Y= 5.243+0.264 chinhsachthue – 0.041 chinhsachuudai - 0.192 chinhsachdaotaonghe + 0.666 chinhsachgiathuedat + 0.698 hatangdiennuoc + 2.931 hatangthongtingiaothong + 0.854 chuyengiaocongnghe + 0.048 xuctienthuongmaidiaphuong – 0.872 baolanhtindung + 0.799 hotrotindung – 0.034 vanhoamoitruong
Tuy nhiên, qua kiểm định, xét thấy các biến: chinhsachuudai; chinhsachdaotaonghe; baolanhtindung; vanhoamoitruong mang dấu âm, không còn ý nghĩa thống kê, tương quan nghịch chiều. Vì vậy, mô hình hồi quy chỉ còn lại 07 biến:
Y = 5.243 + 0.264 chinhsachthue + 0.666chinhsachgiathuedat + 0.698 hatangdiennuoc+ 2.931 hatangthongtingiaothong + 0.854 chuyengiaocongnghe + 0.048 xuctienthuongmaidiaphuong + 0.799 hotrotindung
Dựa vào phương trình hồi quy cho thấy, 7 biến đưa vào mô hình đều có tương quan thuận với khả năng thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang. Trong đó, nhân tố “hạ tầng thông tin giao thông” là yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất đến khả năng thu hút vốn đầu tư trong nước của tỉnh An Giang.
Bên cạnh đó, nhân tố về “hỗ trợ tín dụng” và “chuyển giao công nghệ” là những yếu tố có ảnh hưởng tiếp theo. Điều này chứng minh một thực tế là, các doanh nghiệp rất chú trọng cơ sở hạ tầng tại địa phương nơi họ đầu tư kinh doanh sao cho thuận tiện nhất. Cụ thể, khi doanh nghiệp đánh giá nhân tố “hạ tầng thông tin giao thông” tăng thêm 1 điểm, thì mức độ thu hút vốn đầu tư sẽ tăng thêm 2,931 điểm (tương ứng với hệ số tương quan chưa được chuẩn hóa 2,931). Bên cạnh đó, nhân tố “hỗ trợ tín dụng” được các doanh nghiệp đánh giá tăng thêm 1 điểm thì mức độ thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp tăng thêm 0,799 điểm (tương ứng với hệ số tương quan chưa được chuẩn hóa 0,799)… Tương tự, nhân tố “chuyển giao công nghệ” được các doanh nghiệp đánh giá tăng thêm 1 điểm, thì mức độ thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp tăng thêm 0,854 điểm (tương ứng với hệ số tương quan chưa được chuẩn hóa 0,854).
Kết quả nghiên cứu xác định 07 nhân tố tác động đến khả năng thu hút vốn đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh An Giang theo mức độ thứ tự quan trọng từ cao xuống thấp là: hạ tầng thông tin giao thông; chuyển giao công nghệ; hỗ trợ tín dụng; hạ tầng điện nước; chính sách giá thuê đất; chính sách thuế và xúc tiến thương mại địa phương.
Một số khuyến nghị
Trong những năm qua, An Giang đã cố gắng huy động các nguồn vốn cho đầu tư trong nước phát triển kinh tế - xã hội, tổng nguồn vốn huy động ngày càng tăng, cơ cấu nguồn vốn chuyển dịch theo hướng tích cực, tuy nhiên, việc thu hút vốn đầu tư trong nước cho phát triển kinh tế - xã hội còn thấp so với nhu cầu thực tế của Tỉnh
Từ định hướng công tác thu hút vốn đầu tư trong nước, nhóm tác giả đề xuất 7 nhóm giải pháp tương ứng với kết quả nghiên cứu về nhân tố tác động đến khả năng thu hút vốn đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh An Giang. Các giải pháp này nếu được các ban ngành của tỉnh An Giang quan tâm xem xét và tổ chức thực hiện đồng bộ sẽ tạo bước chuyển tích cực trong công tác thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước cho Tỉnh.
Thứ nhất, về hệ thống hạ tầng thông tin và giao thông
Nhân tố hạ tầng thông tin giao thông là yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất đến khả năng thu hút vốn đầu tư trong nước của tỉnh An Giang. Để cải thiện hệ thống hạ tầng thông tin và giao thông, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần: Xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin liên lạc rộng khắp và nhanh chóng, đảm bảo quá trình phát triển hạ tầng thông tin đến năm 2020 đồng bộ; Đẩy mạnh công tác quy hoạch tỉnh và quản lý theo quy hoạch; Thực hiện đầy đủ và vận dụng các cơ chế, chính sách do Nhà nước ban hành để thu hút vốn theo hướng có lợi cho nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án có vốn đầu tư lớn và những ngành, lĩnh vực mà Tỉnh khuyến khích đầu tư.
Thứ hai, về chuyển giao công nghệ
Cùng với nhân tố hạ tầng thông tin giao thông, nhân tố chuyển giao công nghệ có ảnh hưởng lớn đến khả năng thu hút vốn đầu tư trong nước của tỉnh An Giang. Do vậy, các giải pháp đề xuất hướng tới gồm: Khuyến khích phát huy sáng kiến, sáng chế, cải tiến kỹ thuật, thực hiện nghiêm chỉnh quyền sở hữu công nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà sáng tạo, nhà sản xuất; Khuyến khích thành lập các tổ chức khoa học công nghệ ngoài nhà nước; Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng khoa học công nghệ Tỉnh; Tích cực hỗ trợ, tăng cường hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Tỉnh; Đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách đặt hàng, đấu thầu, giao quyền sở hữu.
Thứ ba, về hỗ trợ nguồn vốn tín dụng
Vốn tín dụng có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang. Do vậy, đối với nguồn vốn tín dụng từ ngân sách, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên; Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giải pháp điều hành tiền tệ.
Từ định hướng công tác thu hút vốn đầu tư trong nước, nhóm tác giả đề xuất 7 nhóm giải pháp tương ứng với kết quả nghiên cứu về nhân tố tác động đến khả năng thu hút vốn đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh An Giang. Các giải pháp này nếu được các ban ngành của tỉnh An Giang xem xét và tổ chức thực hiện đồng bộ sẽ tạo bước chuyển tích cực trong công tác thu hút vốn đầu tư trong nước trên địa bàn.
Đối với các nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, tranh thủ khai thác các nguồn vốn điều chuyển từ trung ương, từ các dự án quốc tế, từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam… các nguồn vốn trung dài hạn với lãi suất hợp lý để đầu tư vào các dự án phát triển tại Tỉnh. Ngoài ra, cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các thành phần kinh tế trên địa bàn Tỉnh đầu tư phát triển sản xuất.
Thứ tư, về hạ tầng điện nước
- Cần hỗ trợ đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp về việc ngăn ngừa sự cố, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, liên tục, phục vụ cho việc phát triển kinh tế; khai thác, phát triển mạnh nguồn năng lượng điện mặt trời tại An Giang, góp phần bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên quốc gia.
- Chủ động kêu gọi đầu tư các dự án BOT có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào các công trình cấp nước, đa dạng hóa hình thức đầu tư theo hướng nghiên cứu khuyến khích hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức gián tiếp thông qua việc cho phép mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ năm, về chính sách giá thuê đất
- Cơ chế giá thuê quyền sử dụng đất phải cụ thể hoá căn cứ trên tình hình thực tiễn của các khu công nghiệp cũng như các khu vực đầu tư cần phải linh hoạt, ưu đãi và minh bạch. Đặc biệt, cần có quy chế về sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan để thực hiện giải phóng mặt bằng nhanh nhất, tránh việc để cho các nhà đầu tư tự xoay trở chạy từ cơ quan này đến cơ quan khác để hoàn thiện các thủ tục.
- Kiên quyết không để tình trạng các quyết định hành chính của các cơ quan trong Tỉnh mâu thuẫn nhau. Đặc biệt, không thể dùng mệnh lệnh hành chính để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc đầu tư của các doanh nghiệp. Mọi vấn đề phát sinh cần được nghiên cứu trong thời gian ngắn nhất với sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan.
Thứ sáu, về chính sách thuế
- Cần quan tâm điều chỉnh chính sách về thuế đối với các nhà đầu tư trong nước. Hiện nay, những quy định về thuế đối với các nhà đầu tư trong nước chưa được chú trọng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tại địa phương.
- Chính sách hỗ trợ tài chính cho việc đào tạo công nhân phục vụ cho các doanh nghiệp cần quy định những thủ tục cần thiết để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ này một cách hiệu quả. Những quy định này cần được thông báo công khai nhằm giảm chi phí về thời gian và tài chính đối với các nhà đầu tư.
Thứ bảy, về xúc tiến thương mại
Tiếp tục đẩy mạnh chương trình quảng bá hình ảnh địa phương và các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của Tỉnh, giới thiệu môi trường đầu tư, các dự án kêu gọi đầu tư bằng hình thức khác nhau để phục vụ cho việc thu hút vốn đầu tư.
Bên cạnh các giải pháp trên, để hỗ trợ công tác thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị cơ sở; tăng cường hợp tác liên tỉnh, phối hợp giữa Tỉnh với các bộ, ngành trung ương từ khâu nghiên cứu, hình thành dự án, phù hợp với quy hoạch phát triển vùng...
Tài liệu tham khảo:
Cục Thống kế tỉnh An Giang (2018), Niên giám thống kê An Giang năm 2018;
Hoàng Trọng - Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, TP. Hồ Chí Minh, NXB Hồng Đức;
Vũ Đình Tuấn (2012), “Thu hút vốn đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng định hướng đến năm 2020”, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội;
Phạm Văn Năng, Trần Hoàng Ngân, Sử Đình Thành (2002), Sử dụng các công cụ tài chính để huy động vốn cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đến năm 2020, NXB Thống kê.