Thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển
Hơn 10 năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này vẫn cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, nếu không sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 cũng như gia tăng giá trị cho ngành công nghiệp Việt Nam.
Công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam hiện nay đã ban hành tương đối đầy đủ. Cụ thể, trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển. Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 598/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025 cũng nêu yêu cầu tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử, cơ khí, dệt may, da giày; lựa chọn mô hình thí điểm hỗ trợ một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực linh kiện điện tử, ô tô...
Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này vẫn còn khoảng cách từ chính sách đi đến thực tiễn nên vẫn cần tiếp tục hoàn thiện. Chẳng hạn, chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI chưa gắn với các ràng buộc về trách nhiệm phát triển hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam. Chính sách tạo ra các liên kết giữa các doanh nghiệp này và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa được hình thành…
Theo số liệu của Bộ Công Thương, số doanh nghiệp đang hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động. Hiện nay, doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực. Tuy nhiên, nhìn chung, ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, khoảng 80% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa lên, đồng thời 64% doanh nghiệp mong muốn tăng tỷ lệ cung ứng nội địa để rút ngắn thời gian giao hàng. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của JETRO trong năm 2017, tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam là 33,2%, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan. Trong đó, tỷ lệ cung ứng từ doanh nghiệp nội địa Việt Nam chỉ đạt trên 13%, trong khi Trung Quốc là 40%, Thái Lan gần 24%...
Hơn 90% linh kiện, phụ tùng ô tô do nước ngoài cung cấp
Trong lĩnh vực ô tô, theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), thị trường công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất ô tô đã hình thành và phát triển, bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu một số doanh nghiệp lắp ráp ô tô ở Việt Nam. Riêng trong năm 2018, một trong những sự kiện rất được chú ý là việc Vinfast triển khai dự án sản xuất ô tô với những bước đi rất nhanh.
Tuy nhiên, nhìn chung, chất lượng sản phẩm phụ tùng linh kiện ô tô cung ứng trên thị trường còn kém. Đa số doanh nghiệp nội về công nghiệp hỗ trợ chỉ cung ứng sản phẩm cho lắp ráp ô tô trong nước. Hơn 90% linh kiện, phụ tùng ô tô lắp ráp hiện nay vẫn do các công ty mẹ hoặc từ công ty xuyên quốc gia ở nước ngoài cung cấp...
Theo các chuyên gia kinh tế, để phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, phải có sự phối hợp của toàn bộ ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, trong đó, phải có doanh nghiệp dẫn đầu, đầu ngành và một mạng lưới, hệ thống các doanh nghiệp bao quanh, cung cấp linh kiện, sản phẩm cho các doanh nghiệp lớn. Bản thân doanh nghiệp này hướng đến xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam nhằm xây dựng phát triển đồng bộ ngành công nghiệp hỗ trợ...