Huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ: Rào cản và giải pháp khắc phục

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2019

Khơi thông và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là chủ chương lớn mà Đảng và Nhà nước rất quan tâm trong bối cảnh hiện nay. Thông qua nhận diện những rào cản trong việc huy động vốn của các doanh nghiệp để đầu tư cho khoa học và công nghệ, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp huy động vốn đầu tư hoạt động khoa học và công nghệ hiệu quả.

Đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mang lại lợi ích về môi trường và phát triển bền vững.
Đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mang lại lợi ích về môi trường và phát triển bền vững.

Một số rào cản trong việc huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ

Đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mang lại lợi ích về môi trường và phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra hiện nay là nguồn vốn để đầu tư cho KH&CN từ ngân sách nhà nước (NSNN) còn hạn chế, trong khi đó, Việt Nam còn chưa đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn đầu tư từ xã hội, nhất là từ cộng đồng doanh nghiệp cho hoạt động KH&CN.

Báo cáo của Bộ KH&CN cho thấy, nguồn lực đầu tư cho hoạt động KH&CN của Việt Nam chủ yếu là từ NSNN. Điều này đã được cụ thể hóa tại Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN. Cụ thể, hàng năm, đầu tư cho hoạt động KH&CN chiếm khoảng 1,4 - 1,85% tổng chi NSNN (tương ứng 0,4 - 0,6 GDP)... Đây là tỷ lệ khá cao so với các nước trên thế giới (Nhật Bản chỉ đầu tư 0,36%, Hoa Kỳ 0,4% và Hàn Quốc 0,45% GDP cho KH&CN).

Mặc dù, đầu tư từ NSNN cho KH&CN chiếm tỷ trọng lớn, song tổng đầu tư xã hội cho KH&CN ở Việt Nam lại rất thấp. Nguyên nhân là do Việt Nam chưa chú trọng nhiều tới việc huy động vốn từ xã hội, nhất là đầu tư của doanh nghiệp cho hoạt động KH&CN. Theo thống kê, đầu tư cho KH&CN của khối doanh nghiệp hiện nay chỉ bằng 1/2 đầu tư từ NSNN. Điển hình như năm 2015, NSNN đầu tư gần 17.390 tỷ đồng cho KH&CN. Trên cơ sở phát hiện những rào cản trong việc huy động vốn của doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN, bài viết đề xuất giải pháp nhằm phát huy hiệu quả những cơ chế chính sách ưu tiên doanh nghiệp đầu tư vốn cho KH&CN.

Trong thời gian vừa qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách có liên quan đến đầu tư của doanh nghiệp cho hoạt động KH&CN. Các chính sách này đã bước đầu có tác động tích cực đến việc khai thác nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động KH&CN. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn tồn tại một số khó khắn, vướng mắc dẫn đến việc phát huy nguồn lực từ doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN còn hạn chế so với tiềm năng của các doanh nghiệp cũng như yêu cầu đòi hỏi từ nền kinh tế. Một số khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang gặp phải gồm:

Thứ nhất, đối với việc trích lập và quản lý Quỹ KH&CN của các doanh nghiệp: Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC có hiệu lực từ ngày 1/9/2016 và áp dụng cho việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ KH&CN tại doanh nghiệp từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016 quy định việc trích lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp như sau: Đối với doanh nghiệp nhà nước trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ. Đối với các doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp nhà nước thì doanh nghiệp tự quyết định mức trích cụ thể, nhưng tối đa không quá 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, nổi lên một số rào cản sau: Việc quy định như trên chỉ mang tính khuyến khích doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển KH&CN (doanh nghiệp “được” trích lập). Điều này dẫn đến thực tế nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc trích lập Quỹ này. Hơn nữa, quy định trên cũng chỉ quy định mức “trần” về trích lập quỹ là 10% thu nhập tính thuế hàng năm, trong khi đó lại không quy định mức “sàn” là bao nhiêu. Do đó, nhiều doanh nghiệp trích lập quỹ với tỷ lệ nhỏ hơn 10% thu nhập tính thuế hàng năm. Đây là nguyên nhân làm hạn chế nguồn vốn huy động cho đầu tư phát triển KH&CN ở doanh nghiệp.

Thứ hai, việc tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư cho KH&CN của các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn: Hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng, nhân tố tác động lớn nhất đến việc đầu tư cho KH&CN là thiếu vốn. Một số quy định hiện hành về cho vay vốn đối với hoạt động đầu tư cho KH&CN đã có ưu đãi về lãi suất, mức vay vốn đáp ứng tới 70% số vốn đầu tư tại Quỹ hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều bất cập, đặc biệt là trong thủ tục cho vay và quy trình thẩm định tính hiệu quả của chương trình, dự án, nên nhiều khi nguồn vốn này cũng không khả thi đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi muốn đổi mới công nghệ, doanh nghiệp rất cần vốn vay của ngân hàng, nhưng thực tế cho thấy, mỗi dự án xin vay vốn đổi mới công nghệ phải mất nhiều thời gian nghiên cứu, thẩm định và phê duyệt. Quy trình và thủ tục rườm rà, đặc biệt là trong việc thẩm định để đánh giá như thế nào là phương án khả thi. Chẳng hạn như doanh nghiệp phải đầu tư để nghiên cứu ra sản phẩm có giá trị tăng cao, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường thì mới được cho là phương án khả thi để có thể tiếp cận được nguồn vốn vay. Tuy nhiên, đây là những chỉ tiêu mà các doanh nghiệp không dễ gì chứng minh được chỉ trong vài ngày hay vài tháng. Một sản phẩm muốn có sức cạnh tranh cao cần phải mất rất nhiều thời gian và cả sự may rủi. Thực tế này khiến các doanh nghiệp ngại tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư cho KH&CN.

Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính quy định việc trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp như sau: Đối với doanh nghiệp nhà nước trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ. Đối với các doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp nhà nước thì tự quyết định mức trích cụ thể nhưng tối đa không quá 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ.

Thứ ba, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, các cơ sở khoa học và doanh nghiệp trong đầu tư phát triển KH&CN: Mô hình hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp là để thực hiện chủ chương xã hội hóa trong phát triển KH&CN. Trong khi đó, mối quan hệ hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp lại được hiểu như là những giao dịch giữa các trường đại học và các tổ chức sản xuất kinh doanh, vì lợi ích của cả hai bên. Đẩy mạnh việc hợp tác này và khai thác giá trị của nó có thể giúp nhà trường tháo gỡ những khó khăn về tài chính, và giúp các doanh nghiệp đạt được hoặc duy trì ưu thế cạnh tranh trong thị trường năng động ngày nay; đồng thời, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia và đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động. Hai mô hình này đã được đề xuất từ lâu, nhưng ít thành công. Mối quan hệ gắn kết giữa các bên vẫn còn lỏng lẻo, chưa thu được kết quả thiết thực. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho khả năng huy động vốn từ doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN còn hạn chế.

Thứ tư, tỷ trọng doanh nghiệp sản xuất ít cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc huy động vốn đầu tư cho KH&CN: Phát triển KH&CN ở các doanh nghiệp, nghĩa là tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất, nơi đòi hỏi phải có sự đầu tư mạnh mẽ nguồn vốn cho nghiên cứu ứng dụng, đầu tư đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm mới ưu việt hơn về công năng sử dụng và cạnh tranh được về giá. Tuy nhiên, tỷ trọng doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam nói chung còn rất thấp, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Thực tế này ảnh hưởng khá lớn đến thu hút nguồn vốn doanh nghiệp dành cho KH&CN.

Đề xuất, khuyến nghị

Trên cơ sở phân tích những nguyên nhân, cũng như những vướng mắc còn tồn tại làm hạn chế nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp cho hoạt động KH&CN, bài viết đề xuất một số khuyến nghị sau:

Một là, Chính phủ cần nghiên cứu, nâng tỷ lệ trích lập Quỹ phát triển KH&CN lên mức tối thiểu là 10% lợi nhuận trước thuế để doanh nghiệp có thể đầu tư nhiều hơn cho việc phát triển KH&CN. Đồng thời, cần quy định việc trích lập Quỹ phát triển KH&CN là bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Với chủ trương doanh nghiệp là trung tâm trong phát triển KH&CN, nên cho phép doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trong việc trích lập, sử dụng quỹ và cơ quan quản lý nhà nước chỉ hậu kiểm về mục đích sử dụng quỹ của doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc đầu tư cho hoạt động KH&CN.

Hai là, hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn về vốn và huy động vốn cho đầu tư sản xuất kinh doanh cũng như đổi mới công nghệ. Trong khi đó, thị trường vốn trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại lại chưa phát triển, chưa có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới các các ngân hàng cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cho vay vốn. Đặc biệt, cần có một cơ quan đứng ra để bảo lãnh “tín chấp” cho doanh nghiệp trong quá trình thẩm định tính khả thi của đề tài, dự án. Ở địa phương, cơ quan này nên là Sở KH&CN hay Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật.

Ba là, để thực hiện chủ trương xã hội hóa trong phát triển KH&CN, Nhà nước không cần có những chính sách hỗ trợ trực tiếp, mà cần căn cứ trên những nhu cầu thiết yếu của xã hội để đặt hàng doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ có giá trị gia tăng cao cho cộng đồng. Đây là giải pháp gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và thực tiễn, nâng cao hiệu quả ứng dụng các kết quả đề tài/dự án nghiên cứu. Thông qua cơ chế này có thể tập hợp đội ngũ nghiên cứu KH&CN để giải quyết các vấn đề bức xúc của đất nước và địa phương. Nếu làm được điều này thì không chỉ người dân và doanh nghiệp được lợi, mà còn phát huy được chất xám của các nhà khoa học, thúc đẩy ứng dụng những sản phẩm nghiên cứu, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bốn là, Nhà nước nên có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phát triển. Đồng thời, tập trung vận động các doanh nghiệp này thay đổi thiết bị, đổi mới công nghệ để sản xuất. Coi nguồn vốn từ các doanh nghiệp ở khu vực này là nguồn vốn chủ đạo để huy động cho đầu tư phát triển KH&CN…

Tài liệu tham khảo:
1. CESTC, Trích lập và sử dụng Quỹ Phát triển khoa học công nghệ cần trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, http://vinhphucdost.gov.vn, cập nhật ngày 26/08/2013;
2. Trích lập và hạch toán kế toán Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, http:// www.aasc.com.vn/NewsDetails.aspx, cập nhât ngày 3/03/2010;
3. Hà Thủy, Doanh nghiệp muốn giàu phải đầu tư vào khoa học công nghệ, Báo điện tử Chất lượng Việt Nam;
4. Điều kiện nào doanh nghiệp được trích lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và sử dụng quỹ đó như thế nào?, http://www.tapchithue.com, cập nhật ngày 25/07/2010;
5. Đinh Thị Nga (2013), Đổi mới cơ chế quản lý chi tiêu ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ”, Tạp chí Khoa học công nghệ Việt Nam;
6. Liên Phương (2013), Phát triển khoa học công nghệ theo hướng xã hội hóa: Nên trao quyền cho doanh nghiệp, http://tamnhin.net;
7. Nguyễn Hồ Phi Hà (2018), Thực trạng đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ từ ngân sách nhà nước, http://tapchitaichinh.vn;
8. Nguyễn Tạ Quyền (2013), Quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp: Một số vấn đề cần quan tâm, Tập san Thông tin Khoa học và Công nghệ, số 01/2013.