Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Yên Bái và những vấn đề đặt ra

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2019

Những năm qua, tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh Yên Bái đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng và quy mô các dự án FDI tăng lên đáng kể, khu vực FDI trở thành khu vực kinh tế năng động tham gia tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển lực lượng sản xuất địa phương. Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện thu hút FDI và các hoạt động của khu vực này tại Yên Bái cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Để đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút vốn đầu tư FDI, thời gian tới, tỉnh Yên Bái cần xây dựng đồng bộ các giải pháp, chú trọng nâng cao công tác xúc tiến đầu tư, ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các ngành trọng điểm của Tỉnh…

Tổng doanh thu của các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh Yên Bái tính đến nay ước đạt khoảng 268,5 triệu USD, tương đương 5.638,45 tỷ đồng.
Tổng doanh thu của các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh Yên Bái tính đến nay ước đạt khoảng 268,5 triệu USD, tương đương 5.638,45 tỷ đồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 22 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (chủ yếu là của các nhà đầu tư (NĐT) đến từ: Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp) đang thực hiện đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh, với tổng mức đầu tư đăng ký 213,36 triệu USD, tương đương 4.587,24 tỷ VND. Trong đó, 13 dự án đầu tư đã được UBND Tỉnh cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 375,19 ha (09 doanh nghiệp (DN) có 100% vốn nước ngoài và 04 DN có một phần vốn đầu tư nước ngoài).

Tổng doanh thu của các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh Yên Bái tính đến nay ước đạt khoảng 268,5 triệu USD, tương đương 5.638,45 tỷ đồng. Thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước (NSNN) đến nay đạt khoảng 375,44 tỷ đồng. Ngoài đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội, các dự án FDI còn góp phần tạo việc làm cho trên 3.653 lao động tại địa phương.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút vốn đầu tư FDI và nâng cao hiệu quả hoạt động này, tỉnh Yên Bái cần xây dựng đồng bộ cơ sở kết cấu hạ tầng, hoàn thiện quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp, kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, đặc biệt là nâng cao công tác xúc tiến đầu tư, ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích các NĐT nước ngoài tham gia vào các ngành trọng điểm của Tỉnh…

Thực trạng thu hút vốn FDI vào tỉnh Yên Bái

Nghiên cứu cho thấy, nhằm quảng bá giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Yên Bái với bạn bè quốc tế và với các NĐT, tỉnh Yên Bái đã xây dựng và ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư; xây dựng và viết các dự án, phát hành các tài liệu, ấn phẩm như sách, catalogue, tờ rơi, băng, đĩa, tạp chí, trang thông tin điện tử Kinh tế Việt Nam... Cùng với đó, Tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện vận động, thu hút, quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn theo đúng thẩm quyền được phân cấp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, tiềm năng, thế mạnh và môi trường đầu tư cũng như tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài của Tỉnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Hàng năm, tỉnh Yên Bái còn xây dựng kế hoạch tham gia Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, tiến hành rà soát, cập nhật bổ sung danh mục các dự án khuyến khích đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các NĐT khi thực hiện dự án tại Tỉnh... Nhờ đó, hoạt động thu hút đầu tư FDI của Tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng và quy mô các dự án FDI tăng lên đáng kể, góp phần làm thay đổi quan điểm và tư duy về định hướng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Thống kê cho thấy, sau 30 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, đến nay tỉnh Yên Bái đã cấp giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 34 dự án có vốn FDI với tổng mức đầu tư đăng ký là 245,43 triệu USD (tương đương với 5.319,74 tỷ đồng), tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như khai thác chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm thuỷ sản và công nghiệp may mặc...

Cụ thể: Giai đoạn từ 1997 - 2000, tỉnh Yên Bái đã thực hiện cấp Giấy phép đầu tư cho 03 dự án có vốn FDI, với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 8,67 triệu USD; Giai đoạn từ 2001- 2010 cấp Giấy phép đầu tư cho 16 dự án có vốn FDI, với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 44,85 triệu USD; Giai đoạn từ năm 2011 - 2017, cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án, với tổng mức đầu tư đăng ký 191,91 triệu USD.

Tuy nhiên, trong thực tế, đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh Yên Bái những năm qua còn ở dưới mức tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh. Đầu tư nước ngoài tại Tỉnh tuy đã có sự đóng góp cho đầu tư phát triển và thu nộp NSNN, song không đáng kể và chiếm tỷ lệ thấp. Dự án đầu tư ít về số lượng, thấp về tổng mức đầu tư đăng ký và thấp cả về tổng mức đầu tư thực hiện.

Thuận lợi và khó khăn trong thu hút vốn đầu tư FDI tại Yên Bái

Những lợi ích khi đẩy mạnh thu hút FDI

Thời gian qua, bên cạnh cơ chế khung của Chính phủ, tỉnh Yên Bái còn chỉ đạo quyết liệt triển khai các giải pháp, phát huy những lợi thế của Tỉnh, nên dòng FDI vào địa phương này ngày một tăng cao. Những lợi ích nổi bật mà Tỉnh đạt được từ nỗ lực đẩy mạnh thu hút FDI gồm:

Thứ nhất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Do có bước nhảy vọt trong thu hút FDI vào địa phương nên nguồn vốn này đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của Tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế các năm gần đây của Tỉnh đều đạt trên 7%; Giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu trên địa bàn và thu NSNN hàng năm đạt và vượt kế hoạch; trong đó, đóng góp của các DN FDI hàng năm chiếm từ 15 - 18% tổng thu ngân sách của Tỉnh. Tổng doanh thu của các DN FDI trên địa bàn tỉnh Yên Bái tính đến nay ước đạt khoảng 168,5 triệu USD, tương đương 2.638,45 tỷ đồng. Thuế và các khoản nộp NSNN đến nay đạt khoảng 175,44 tỷ đồng. Cũng nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của các DN FDI, từ năm 2013 đến nay, Yên Bái được đánh giá là một trong số ít các tỉnh miền núi phía Bắc có giá trị xuất khẩu đạt tới con số hàng tỷ USD.

Thứ hai, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động trên địa bàn Yên Bái và các tỉnh lân cận: Ngoài đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội, các dự án FDI còn góp phần tạo nhiều công ăn việc làm ổn định cho lao động tỉnh Yên Bái và một số tỉnh lân cận. Giải quyết việc làm cho trên 3.653 lao động tại địa phương.

Các dự án FDI của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đã góp phần đưa Yên Bái từ một Tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp chủ yếu trông chờ vào công nghiệp luyện kim, khai khoáng đã dịch chuyển sang công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ. Tính chung 5 năm gần đây, giá trị sản xuất công nghiệp của Tỉnh tăng trên 80%/năm; trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực có vốn FDI chiếm tỷ trọng trên 90%.

Tồn tại, hạn chế trong thu hút vốn FDI

Mặc dù, thu hút FDI vào Yên Bái đã có những bước đột phá quan trọng, song trong quá trình thực hiện đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến thu hút đầu tư phát triển bền vững của Tỉnh, cụ thể:

Thứ nhất, về cơ chế, chính sách: Giá thuê đất có hạ tầng một lần tăng nhanh, đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút FDI vào địa bàn.

Thứ hai, việc triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng khu công nghiệp và khu tái định cư còn phải phụ thuộc vào nguồn tiền ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần của các DN thứ cấp vào khu công nghiệp, nên công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn gặp khó khăn và chưa đáp ứng ngay được yêu cầu của các NĐT nước ngoài, cũng như nhu cầu tái định cư của người dân có đất bị thu hồi…

Định hướng và vấn đề đặt ra trong thu hút vốn FDI vào Yên Bái

Định hướng thu hút FDI vào Yên Bái

Để tiếp tục động viên tối đa nguồn lực từ phía các NĐT nước ngoài lồng ghép với các nguồn lực trong nước tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh Yên Bái đã đặt mục tiêu là đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung vào các dự án có mức đầu tư lớn, công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại.

Đến nay tỉnh Yên Bái đã cấp giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 34 dự án có vốn FDI với tổng mức đầu tư đăng ký là 245,43 triệu USD (tương đương với 5.319,74 tỷ đồng), tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như khai thác chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm thuỷ sản và công nghiệp may mặc... Trong thực tế, đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh Yên Bái những năm qua còn ở dưới mức tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh.

Cụ thể đến năm 2020, tỉnh Yên Bái đẩy mạnh cải cách thể chế, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, thu hút các nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển, trong đó chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thu hút các NĐT chiến lược. Đổi mới cơ chế quản lý điều hành, nâng cao trách nhiệm đạo đức công vụ và năng lực thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công của Tỉnh.

Cùng với đó, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo tiền đề cho thu hút các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh có quy mô lớn; Tập trung đầu tư cho vùng kinh tế động lực theo tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu dịch vụ thương mại và hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với đường cao tốc. Đồng thời, tăng cường thu hút các dự án FDI vào khai thác tiềm năng thế mạnh của Tỉnh; Thu hút các dự án có mức đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng nhiều lao động và có các biện pháp tích cực về xử lý chất thải công nghiệp nhằm giảm thiểu tác động ảnh hưởng đến môi trường sống. Đặc biệt, yêu cầu NĐT nước ngoài cam kết chấp hành nghiêm chỉnh các quy định hiện hành của Nhà nước về đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Một số vấn đề đặt ra

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, Yên Bái cần có các biện pháp tích cực về bảo vệ môi trường sinh thái; sử dụng nhiều lao động địa phương; các dự án về xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng hạ tầng, về phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục thể thao, du lịch và văn hoá dân tộc; Phát triển vùng lúa hàng hóa chất lượng cao; chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản tập trung trên cơ sở gắn các khu vực chế biến sau thu hoạch theo hướng công nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ và tiến tới hướng mạnh vào xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; chế biến lâm, nông sản, phát triển hệ thống đường dây tải điện cung cấp điện lưới quốc gia đến vùng đồng bào dân tộc vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; Phát triển khu kinh tế tổng hợp tại khu vực hữu ngạn sông Hồng thuộc các xã: Giới Phiên, Hợp Minh, Âu Lâu của thành phố Yên Bái và Minh Quân, Y Can của huyện Trấn Yên theo hướng công nghệ sạch... kết hợp giữa sản xuất với mở rộng các hoạt động dịch vụ, như khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối,  khai thác, đón đầu cơ hội đầu tư của các NĐT trong và ngoài nước; Phát triển và phục hồi các khu du lịch đã hình thành từ trước và đầu tư phát triển các khu du lịch mới. Đồng thời, chú ý các loại hình du lịch có thể phát triển mạnh trên địa bàn tiến tới kết nối du lịch cả nước và quốc tế…          

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo kết quả kinh tế xã hội năm 2015, 2016, 2017 của tỉnh Yên Bái;
  2. Sở Công Thương Yên Bái (2018), Đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Yên Bái, hiện trạng và giải pháp;
  3. Nguyễn Hiên (2017), Yên Bái đẩy mạnh công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;
  4. Kỳ Thành (2018), Kích hoạt dòng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái;
  5. Các website: dautunuocngoai.gov.vn, gso.gov.vn, tapchitaichinh.vn, vccinews.vn.