Thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Việt Nam và một số kiến nghị
Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc trong việc góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, thực trạng thời gian qua cho thấy, nguồn vốn này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Bài viết đánh giá thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian qua gắn với nhận diện những tồn tại, thách thức, qua đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút và quản lý dòng vốn này.
Thực trạng thu hút vốn FDI từ Trung Quốc
Từ cuối năm 1991 đến nay, đầu tư vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Việt Nam liên tục tăng về quy mô, thay đổi về hình thức, lĩnh vực, mở rộng địa bàn.
- Về quy mô đầu tư: Giai đoạn 1991-2001, vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam chỉ mang tính chất thăm dò, số dự án và lượng vốn đầu tư vào Việt Nam còn khiêm tốn so với tổng lượng vốn FDI vào Việt Nam trong giai đoạn này. Thống kê cho thấy, tính đến tháng 12/2001, Trung Quốc có 110 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký theo giấy phép là 221 triệu USD. Quy mô đầu tư nhỏ kéo theo tình trạng hầu hết các dự án đầu tư của Trung Quốc có công nghệ thấp, chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng phổ thông. Trong giai đoạn 2001-2010, FDI của Trung Quốc vào Việt Nam tăng cả về số lượng dự án, cũng như quy mô vốn (khoảng 2,5 triệu USD/dự án), xuất hiện khá nhiều dự án từ 1-10 triệu USD. Trong giai đoạn từ 2011 đến nay, vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam có sự thay đổi rõ rệt và bắt đầu thể hiện nhiều vấn đề đáng quan tâm. Kể từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế để thu hút vốn FDI, Trung Quốc hầu như không có tên trong top 10 quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2011 trở lại đây, vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam có sự thay đổi đáng kể, liên tục vươn lên trong vị trí xếp hạng, tăng về quy mô, thay đổi về hình thức, lĩnh vực, mở rộng về địa bàn. Kết thúc năm 2019, tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam từ Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh, gần gấp đôi mức của năm 2018 (với 683 dự án đăng ký mới và tổng vốn 2,3 tỷ USD). Tương tự, vốn từ Hồng Kông cũng tăng mạnh, với 328 dự án mới có tổng vốn 2,8 tỷ USD…
- Về lĩnh vực đầu tư: Nếu như các giai đoạn trước FDI của Trung Quốc chỉ tập trung vào các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và sản xuất hàng tiêu dùng với quy mô nhỏ là chủ yếu, thì thời gian gần đây đã có sự chuyển dịch mạnh, thay đổi đáng kể trong lĩnh vực đầu tư. Dòng vốn FDI của Trung Quốc thường tập trung vào những lĩnh vực như: Dệt may, da giày, xơ sợi, nhiệt điện, khai thác khoáng sản... Tuy nhiên, đây là những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Các nhà đầu tư (NĐT) Trung Quốc phần lớn đầu tư theo hình thức trực tiếp (100% vốn) và các hợp đồng BOT, BT, BTO…
- Về địa bàn đầu tư: Đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã có mặt trên hầu hết các tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó tập trung chủ yếu tại các tỉnh ven biển (22/28 tỉnh ven biển) và các thành phố, khu vực đông dân cư, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa Trung Quốc và Việt Nam. Những điểm đến hấp dẫn của các NĐT Trung Quốc gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh...
Những tồn tại và hạn chế
Thời gian qua, vốn FDI từ Trung Quốc còn không ít tồn tại, hạn chế, cụ thể:
- Phần lớn các dự án vốn FDI Trung Quốc có quy mô nhỏ, chủ yếu được thực hiện bởi các DN nhỏ, ít có sự xuất hiện của các tập đoàn lớn. Quy mô trung bình của các dự án Trung Quốc chỉ bằng 50% mức trung bình của các NĐT khác. Đa phần là các dự án nhỏ tập trung lĩnh vực khai khoáng, dệt may, hóa chất… những lĩnh vực ít mang lại giá trị gia tăng cao, lại dễ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu.
- Tỷ lệ giải ngân vốn thấp, tiến độ giải ngân hay bị chậm trễ, đội vốn. Vốn thực hiện của các DN Trung Quốc chỉ đạt khoảng 30% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong khi tỷ lệ chung của các khu vực FDI đạt xấp xỉ 50%.
- Dòng vốn FDI của Trung Quốc thường tập trung vào những lĩnh vực như dệt may, da giày, xơ sợi, nhiệt điện, khai thác khoáng sản... Đây là những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao; Chất lượng nguồn vốn FDI thu hút được không đạt mục tiêu đặt ra, do còn nhiều dự án FDI hàm lượng công nghệ thấp, sử dụng công nghệ lạc hậu… Những cảnh báo gần đây cho thấy, nếu không cẩn thận, Việt Nam sẽ trở thành “bãi rác công nghệ” của Trung Quốc.
- Nhiều dòng vốn FDI của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam chưa phù hợp với quy hoạch phát triển ngành và vùng kinh tế của nước ta. FDI của Trung Quốc không chú ý đến các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, chỉ chú ý nhiều đến khai thác tài nguyên của Việt Nam. Đây là cơ cấu đầu tư không mong đợi, vì việc khai thác và sơ chế các loại quặng ở Việt Nam để chuyển nguyên liệu về Trung Quốc không mang lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam, tác động xấu đến môi trường và sự phát triển bền vững của Việt Nam.
- Các DN Trung Quốc bị đánh giá ít có khả năng nghiên cứu, phát triển chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ kỹ thuật. Trang thiết bị, máy móc của các DN Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, trình độ công nghệ đạt mức trung bình… Việc DN FDI Trung Quốc nhập khẩu thiết bị và công nghệ của nước này, không chỉ khiến thâm hụt thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc tăng cao, còn gia tăng sự ô nhiễm, lượng phát thải (CO2) do hầu hết các ngành ở Trung Quốc đều thải CO2 cao hơn Việt Nam.
- Tình trạng các DN FDI làm ăn thua lỗ, nợ lương công nhân, nợ tiền bảo hiểm, nợ thuế rồi bỏ trốn như nhiều trường hợp từng xảy ra. Không ít trường hợp người lao động Trung Quốc còn gây ra các vấn đề tệ nạn xã hội, gây mất an ninh trật tự địa phương...
- Dòng vốn FDI từ Trung Quốc có thể khiến Việt Nam trở thành “cứ điểm” hàng hóa của các DN Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam, rồi xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu. Điều này khiến Việt Nam vi phạm các cam kết về xuất xứ hàng hóa, nếu không cẩn thận có thể bị chống bán phá giá hoặc trợ giá. Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư từ Trung Quốc cũng tạo nên áp lực đối với các DN trong nước.
Một số kiến nghị
Thực tế cho thấy, dù thời gian qua, chất lượng dòng vốn FDI còn nhiều vấn đề tồn tại nhưng trong “dòng chảy kinh tế” thế giới và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, việc thu hút dòng vốn FDI từ Trung Quốc rất quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của Việt Nam phát triển. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả thu hút được nguồn vốn FDI từ Trung Quốc gắn với việc đảm bảo được những lợi ích cho cả nhà đầu tư và lợi ích cho Việt Nam, cần chú ý một số vấn đề sau:
Một là, xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Hai là, đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; xây dựng, bổ sung cơ chế khuyến khích đối với các DN hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt cam kết; phân biệt ưu đãi giữa các ngành, nghề đầu tư khác nhau.
Ba là, điều chỉnh chính sách thu hút vốn FDI từ Trung Quốc phù hợp với cam kết hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, cần đảm bảo công nghệ các dự án Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam phải là công nghệ cao, hiện đại, không ảnh hưởng tới môi trường. Về yêu cầu công nghệ, cần lựa chọn đúng dự án dựa trên tiêu chí đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận, sử dụng được thành tựu hiện có của Cách mạng công nghiệp 4.0…
Bốn là, nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, bảo vệ môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới. Không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên. Quy định rõ trách nhiệm của NĐT về bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư, triển khai dự án và hoạt động của DN trong suốt thời gian thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.
Năm là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Chủ động xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, gắn với các tiêu chí hợp tác đầu tư mới; tiếp tục duy trì các thị trường và đối tác truyền thống, đồng thời mở rộng thị trường, đối tác mới. Đa dạng hoá các hoạt động và phương thức xúc tiến đầu tư; chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ với những dự án hợp tác thành công cụ thể.
Sáu là, chấn chỉnh công tác quản lý, triển khai dự án đầu tư, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường, phù hợp quy hoạch, theo đúng các tiêu chí lựa chọn, sàng lọc dự án... Bảo đảm chặt chẽ về quy trình, thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư nước ngoài theo đúng quy định pháp luật.
Bảy là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu trong chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan tới đầu tư nước ngoài, không để tái diễn việc gây ô nhiễm môi trường. Xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dự án không thực hiện đúng cam kết. Phòng ngừa, giải quyết sớm, có hiệu quả các tranh chấp liên quan đến đầu tư nước ngoài. Nâng cao vai trò của các tổ chức quần chúng và báo chí trong việc giám sát, đánh giá tác động môi trường tại địa bàn…
Tám là, nhanh chóng bổ sung các quy định pháp lý, các chế tài để ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng chủ DN bỏ trốn. Phải hoãn, cấm xuất cảnh đối với chủ DN có dấu hiệu bỏ trốn, chủ DN nợ thuế, các phúc lợi xã hội với người lao động.
Chín là, không thu hút FDI bằng mọi giá, đặc biệt là các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường, thâm dụng vốn, dự án có giá trị thấp. Trong thời gian tới, cần xúc tiến đầu tư, tuyên truyền về môi trường kinh doanh thuận lợi của Việt Nam để thu hút các DN lớn của Trung Quốc, giảm bớt các DN nhỏ lẻ, tìm kiếm các dự án có tầm ảnh hưởng, góp phần thu hút đầu tư và phát triển kinh tế bền vững của đất nước; kiên quyết từ chối cấp phép cũng như thu hồi giấy phép đối với những dự án FDI không bảo đảm tiêu chuẩn lao động, tiền lương, không phù hợp với lợi ích cộng đồng, không bảo đảm an toàn lao động, nhất là dự án gây ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên để xuất khẩu chứ không phải để chế biến làm gia tăng giá trị sản phẩm…
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2014), Luật Đầu tư số 67/2014/QH13;
2. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030;
3. Nguyễn Thị Thanh An (2019), Thu hút vốn FDI từ Trung Quốc bằng những dự án công nghệ cao, Tạp chí Tài chính;
4. Linh Chi (2020), FDI 2019: Vốn giải ngân lập đỉnh mới, đầu tư từ Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh, Forbes Việt Nam;
5. Tiêu Phong (2019), Cẩn trọng với dòng FDI đột biến từ Trung Quốc, Báo Thanh niên.