Thu ngân sách tăng gần 2 lần so với giai đoạn trước
Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.
Thu ngân sách tăng gần 2 lần so với giai đoạn trước
Đánh giá tình hình kinh tế- xã hội 5 năm (2011-2015), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nhìn lại5 năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức vàhạn chế, yếu kém nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra, nhất là: Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn ở những năm cuối; bước đầu thực hiện có kết quả các đột phá chiến lược và tái cơ cấu kinh tế; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia và gìn giữ hòa bình, hữu nghị với các nước; bảo đảm ổn định chính trị xã hội; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong 26 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt; 10 chỉ tiêu không đạt.
Theo đánh giá của Chính phủ, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định.Chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% năm 2015; mặt bằng lãi suất giảm khoảng 50% so với cuối năm 2011; dư nợ tín dụng tăng, chất lượng tín dụng từng bước được cải thiện. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; khắc phục được cơ bản tình trạng sử dụng đô la, vàng trong thanh toán; niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Kim ngạch xuất khẩu tăng khá cao, đạt bình quân 17,5%/năm. Cán cân thương mại được cải thiện; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư; dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Về lĩnh vực tài chính - ngân sách, giai đoạn 2011-2015, chúng ta đã đẩy mạnh chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế; thu ngân sách tăng gần 2 lần so với giai đoạn trước. Tăng cường quản lý chi ngân sách, ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội và phát triển con người. Nợ công cơ bản trong giới hạn theo quy định. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp hơn 1,8 lần so với 5 năm trước, đạt bình quân 31,7% GDP; vốn FDI thực hiện tăng 35,6%, vốn ODA giải ngân tăng 61%. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu và đẩy mạnh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Theo nhận định của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước. Tăng trưởng GDP bình quân 5 nămđạt 5,91%. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt 193,4 tỉ USD, bình quân đầu người 2.109 USD.
Bên cạnh các cân đối lớn, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu.Tích cực triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực. Tập trung thực hiện tái cơ cấu về đầu tư công, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
"Đẩy mạnh tái cơ cấu, tập trung cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; đã sắp xếp 558 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 478, đạt 93% kế hoạch. Doanh nghiệp nhà nước tập trung hơn vào những lĩnh vực then chốt, quốc phòng, an ninh, cung ứng hàng hoá và dịch vụ công thiết yếu. Quản lý nhà nước được tăng cường, hệ thống pháp luật về doanh nghiệp nhà nước được hoàn thiện, xác định rõ quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước và công khai, minh bạch hoạt động. Năng lực quản trị, tiềm lực tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước được nâng lên; vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển", Báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Giai đoạn 2016-2020 phấn đấu tăng trưởng cao hơn
Trong giai đoạn phát triển tiếp theo (2016-2020), Chính phủ đã xác định mục tiêu tổng quát đề ra là:"Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hoá, thực hiện dân chủ, tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Giữ gìn hoà bình, ổn định, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".
Các chỉ tiêu chủ yếu được Chính phủ nêu rõ.Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước còn khoảng 4% GDP. Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm. Tỉ lệ đô thị hoá đến năm 2020 đạt 38 - 40%.
Để đạt được các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội, Chính phủ đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp:
Thứ nhất, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Phát triển và vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các loại hình doanh nghiệp. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, phân bổ nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và quản lý giá theo cơ chế thị trường.Nhà nước sử dụng thể chế, các nguồn lực, công cụ điều tiết, cơ chế, chính sách phân phối, phân phối lại để phát triển văn hoá, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân. Tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, điều hành hiệu quả các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách liên quan để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước... Điều hành lãi suất, tỷ giá theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối.
Tăng cường quản lý và từng bước cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng tỉ trọng thu nội địa và bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư, chi trả nợ; phấn đấu giảm dần bội chi. Quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.
Tăng cường huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước cho đầu tư phát triển. Thực hiện lộ trình giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách, người nghèo. Đẩy mạnh xã hội hóa, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, giao quyền tự chủ phù hợp và hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp đối với các đơn vị có đủ điều kiện. Khai thác tốt các cam kết quốc tế, tham gia hiệu quả các chuỗi giá trị, mở rộng và đa dạng hoá thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; kiểm soát nhập khẩu phù hợp, phấn đấu cân bằng thương mại bền vững. Tăng cường xúc tiến thương mại gắn với xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Phát triển mạnh thị trường trong nước, có biện pháp phù hợp để doanh nghiệp trong nước tham gia sâu rộng vào thị trường bán lẻ nội địa; tăng cường quản lý thị trường, giá cả và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Thứ hai, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổimới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.Tiếp tục triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực. Thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững; phát triển kinh tế tri thức. Tập trung thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp khởi nghiệp.
Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động.Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấuvà phân bổ lao động hợp lý, khai thác tốt cơ hội dân số vàng. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo hướng mở, hội nhập, xây dựng xã hội học tập, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách đạo đức, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân.
Thứ tư, phát triển văn hoá và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hoà với phát triển kinh tế.Triển khai thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững sau năm 2015 của Liên hợp quốc. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công; phát triển hệ thống an sinh xã hội hiệu quả.
Thứ năm, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường.Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội; chú trọng thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.
Thứ sáu, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân đi đôi với tuân thủ pháp luật; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn để kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, thông suốt, hiệu quả và hội nhập quốc tế; phát huy mạnh mẽ dân chủ, quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo của người dân.
Thứ bảy, tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.Thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắcđộc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Thứ tám, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại đa phương, nhất là trong ASEAN, Liên hợp quốc...