Thu nội địa sẽ chịu nhiều áp lực trong những tháng tới

Trần Huyền

Theo Bộ Tài chính, trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, áp lực giá cả tăng cao, đặc biệt là giá nhiên liệu, kết hợp với việc triển khai các giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến sẽ ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách trong những tháng tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thu nội địa sẽ chịu nhiều áp lực

Hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước tháng 2/2022 chịu ảnh hưởng của Tết Nguyên đán Nhâm Dần, với thời gian nghỉ dài và nằm trọn trong nửa đầu tháng 2. Tuy vậy, phần lớn các hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục xu hướng phục hồi, thích ứng linh hoạt trong điều kiện “bình thường mới”.

Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 2/2022 ước đạt 138,5 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 2 tháng đạt 323,8 nghìn tỷ đồng, bằng 22,9% dự toán, tăng 10,8% so cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, thu nội địa thực hiện tháng 2/2022 ước đạt 114,6 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 73,8% số thu tháng 1/2022; lũy kế 2 tháng đầu năm thu ngân sách nhà nước ước đạt 270,8 nghìn tỷ đồng, bằng 23% dự toán, tăng 7,6% so cùng kỳ năm 2021.

Có 8/12 khoản thu vượt tiến độ dự toán (đạt trên 17%). Tuy nhiên, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh mặc dù đạt khá so dự toán, nhưng thấp hơn so cùng kỳ năm 2021 như: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 20,4% dự toán, giảm 0,2%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 22,7% dự toán, giảm 12,8%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 25,8% dự toán, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2021...

04 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu từ hoạt động xổ số kiến thiết (đạt 16,6%), thu cấp quyền khai thác khoáng sản (đạt 10,8%), thu quỹ đất công ích và hoa lợi cộng sản khác (đạt 14,6%) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 13,8%).

Theo ước tính của Bộ Tài chính, cả nước có 60/63 địa phương thực hiện thu nội địa 2 tháng đầu năm đảm bảo tiến độ dự toán, trong đó 44 địa phương thu đạt trên 20% dự toán; 35/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 28 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Cơ quan Thuế đã tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và thu ngân sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân; đồng thời, tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn để đưa vào quản lý thuế, kiểm soát chặt chẽ tình hình sản xuất - kinh doanh, kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp, quản lý hóa đơn bán hàng, chống thất thu ngân sách; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng, đảm bảo đúng chính sách, quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính nhận định, trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, áp lực giá cả tăng cao, đặc biệt là giá nhiên liệu; kết hợp với việc triển khai các giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ dự kiến sẽ ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách trong những tháng tới.

Xuất nhập khẩu tăng trưởng tác động tích cực tới thu ngân sách

Bên cạnh thu nội địa, thu ngân sách từ dầu thô thực hiện tháng 2/2022 ước đạt 4,9 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 2 tháng đầu năm đạt gần 8,1 nghìn tỷ đồng, bằng 28,6% dự toán, tăng 57,2% so với cùng kỳ năm 2021. Thu từ dầu thô tăng chủ yếu do giá bình quân 2 tháng đạt khoảng 83 USD/thùng, tăng 23 USD/thùng so dự toán, tăng 59,7% so cùng kỳ năm 2021; sản lượng ước 1,3 triệu tấn, bằng 18,6% kế hoạch, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng theo Bộ Tài chính, hoạt động xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2022 tiếp tục cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng tích cực so cùng kỳ năm 2021, với kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm ước đạt khoảng 108,5 tỷ USD, tăng 13,2% so cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có số thu ngân sách như: sắt thép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hoá chất, dầu thô... tăng mạnh đã tác động làm tăng thu ngân sách của khu vực này.

Riêng thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện tháng 2/2022 ước đạt 19 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 2 tháng đạt 45 nghìn tỷ đồng, bằng 22,6% dự toán, tăng 29,4% so cùng kỳ năm 2021.

Thời gian qua, cơ quan hải quan đã chủ động tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tích cực xử lý, thu hồi nợ đọng thuế.