Thu thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có ga không cồn: Định hướng tiêu dùng

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Trong tờ trình sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Bộ Tài chính đề xuất đưa nước ngọt có ga không cồn vào diện áp thuế. Đến nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Bài viết xin giới thiệu ý kiến của bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam.

Nước ngọt có ga có chất bảo quản, hương vị chất tạo mầu nên nếu lạm dụng dễ gây đến một số bệnh. Nguồn: internet
Nước ngọt có ga có chất bảo quản, hương vị chất tạo mầu nên nếu lạm dụng dễ gây đến một số bệnh. Nguồn: internet

Khi ban hành chính sách thuế, Việt Nam phải cam kết không phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu. Đối với đề xuất thu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt có ga không cồn, dự thảo luật đã đưa ra mức thuế thống nhất giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu mà không hề có sự phân biệt đối xử nào nên không vi phạm các cam kết WTO.

Cơ chế đặc biệt

Thuế TTĐB chỉ đánh vào một số hàng hóa dịch vụ không khuyến khích tiêu dùng hoặc định hướng cho việc sản xuất tiêu dùng. Bên cạnh đó, tùy theo điều kiện cụ thể của từng quốc gia, mà có thể đưa ra những chính sách thuế và chính sách thuế đó được thực hiện trong từng thời gian, từng giai đoạn lịch sử nhất định, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, vùng lãnh thổ đó.

Thuế TTĐB đối với kinh doanh golf, một số nước cho rằng đây là hoạt động thể thao cao cấp và thông qua việc chơi golf, các doanh nghiệp có thể đàm phán và ký kết hợp đồng với nhau. Nhưng Việt Nam, trong giai đoạn đầu chưa coi chơi golf là hình thức thể thao thông thường, vì điều kiện thu nhập bình quân của người dân chưa cao. Trước đây, thuế với hoạt động chơi golf chỉ có 10% và bây giờ luật sửa đổi nâng lên 20%. Đối với thuế TTĐB, nếu mức thuế suất quá thấp sẽ không có tác dụng định hướng tiêu dùng.

Theo nghiên cứu của một số tổ chức y tế trên thế giới, trong nước ngọt có ga có chất bảo quản, hương vị chất tạo mầu nên nếu lạm dụng dễ gây đến một số bệnh như : béo phì, mỡ máu, tiểu đường, bệnh gút và tăng nguy cơ bị ung thư. Trên cơ sở bằng chứng có hại cho sức khỏe, Anh và Thụy Điển đã đưa ra luật bắt buộc các hãng sản xuất nước có ga phải in trên vỏ lon hoặc vỏ chai cảnh báo phụ nữ có thai, cho con bú hoặc trẻ em không nên dùng sản phẩm này.

 Đồng thời trên 50 nước trên thế giới đã áp dụng thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga, bao gồm hầu hết các nước Châu Âu và các nước xung quanh nước ta như: Thái Lan, Lào, Campuchia. Sau rất nhiều lần bị phản đối gay gắt của  doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước ngọt, mới đây Mexico cũng đã quy định thu thêm thuế 10% đối với mặt hàng này và áp dụng từ 1/1/2014.

Điều kiện đặc thù

Xét ở điều kiện tại Việt Nam, nước ta là một nước nhiệt đới, hoa quả trái cây rất nhiều. Việt Nam cần tập trung vào chế biến các sản phẩm đó theo thời vụ để làm ra các nước giải khát, nước ép trái cây… đây sẽ là những sản phẩm tốt cho sức khỏe, đồng thời khuyến khích phát triển sản xuất trong nước. Về nguyên tắc, cơ cấu thuế TTĐB nằm trong giá bán, do vậy, người tiêu dùng sẽ là người chịu giá đó, còn đơn vị sản xuất và nhập khẩu chỉ là người đứng ra nộp thay.

Mỗi một đề xuất đưa nhóm hàng hóa vào đối tượng chịu thuế TTĐB, hoặc tăng thuế ở một nhóm hàng hóa dịch vụ nào đó thì khó tránh khỏi sự phản đối của các nhà sản xuất loại hàng hóa đó với lý do ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hay ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.

Tuy nhiên, trên cơ sở cân nhắc về giá, khả năng tiêu thụ và đánh giá tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh cho thấy, việc áp dụng mức thuế suất TTĐB 10% sẽ không có ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh. Thuế suất TTĐB đối với nước ngọt có ga không cồn ở mức 10% là thấp nhất tại biểu thuế TTĐB.