Thủ tục kiểm tra phương tiện vận chuyển thuốc lá lậu còn gặp khó
Tình hình buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi, phức tạp nhưng hiệu quả công tác phối kết hợp giữa các lực lượng chức năng trên địa bàn về phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại chưa được chủ động, thường xuyên, kịp thời.
Cụ thể, theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Kon Tum việc phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông trong chặn dừng phương tiện có dấu hiệu vi phạm phải theo quy trình, thủ tục hành chính mất nhiều thời gian nên việc kiểm tra các đối tượng có dấu hiệu khả nghi vận chuyển thuốc lá lậu đang lưu thông trên đường gặp khó khăn, đối tượng có thời gian để tẩu tán tang vật vi phạm.
Bên cạnh đó, hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu thường được cất giấu ở những nơi nhạy cảm như nhà ở, phòng ngủ; các đối tượng chỉ mang theo trên người hoặc để tại cửa hàng số lượng nhỏ lẻ để bán, khi hết mới vào nơi cất giấu lấy ra. Do đó, muốn hoạt động kiểm tra đạt hiệu quả cao phải có quyết định khám nhà do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Đây cũng là một trong những khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện vi phạm.
Vì vậy, các Bộ, ngành cần xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, giảm các thủ tục hành chính để công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá nói riêng và đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nói chung được kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, phương tiện hiện đại cho các lực lượng chức năng để thích ứng với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong tình hình mới- Đó là một trong những kiến nghị của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Kon Tum.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum, việc vận chuyển, kinh doanh thuốc lá ngoại nhập lậu diễn ra với số lượng không lớn, không thường xuyên, các đối tượng thường lợi dụng các phương tiện vận tải trên các tuyến quốc lộ đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 24 đoạn qua tỉnh Kon Tum và các tuyến tỉnh lộ để vận chuyển đến các bến, bãi tập kết, lên xuống hàng hóa sau đó phân lẻ, dùng xe gắn máy, xe tải nhẹ vận chuyển, phân phối, tiêu thụ tại địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh; hình thức gửi hàng hóa là thuốc lá ngoại được đóng kín trong các thùng các-tông, lẫn với hàng hóa khác...nên rất khó để phát hiện, bắt giữ.
Tại các cửa hàng bán lẻ, thuốc lá nhập lậu được cất giấu rất kỹ (thường được cất ở phòng ngủ, nhà riêng…), lẫn lộn với các loại thuốc lá sản xuất trong nước khác, chỉ bán với số lượng nhỏ lẻ để tránh phát hiện và khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý.
Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương tham mưu thành lập, chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu với thành phần gồm: Sở Công Thương, Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường.
Đoàn kiểm tra đã tổ chức kiểm tra, chống vận chuyển, tàng trữ, mua bán thuốc lá nhập lậu trên phạm vi toàn tỉnh; Lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu tại các tuyến địa bàn biên giới, khu vực cửa khẩu; Tăng cường quản lý địa bàn nội địa, kiểm tra các điểm bán buôn, bán lẻ thuốc lá nhập lậu để kịp thời xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm; Chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra tại các địa điểm kinh doanh có nghi vấn tàng trữ, bán thuốc lá ngoại, duy trì thường xuyên kiểm tra tình hình vận chuyển, kinh doanh thuốc lá ngoại nhập lậu trên địa bàn tỉnh đặc biệt là trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Kon Tum;
Lực lượng Quản lý thị trường rà soát, lập danh sách các cá nhân, tổ chức kinh doanh thuốc lá trên địa bàn tỉnh, tích cực vận động thực hiện ký cam kết không tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá nhập lậu. Nhờ đó, tình hình vận chuyển, kinh doanh thuốc lá ngoại nhập lậu trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể, trên địa bàn không còn hiện tượng vận chuyển, bày bán công khai các loại thuốc lá điếu nhập lậu như trước đây. Các điểm bán thuốc lá đã ký cam kết không bán thuốc lá ngoại nhập lậu đã không còn bày bán loại mặt hàng này như trước đây.
Nhờ tích cực thực hiện công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng cũng như hậu quả pháp lý của hoạt động vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu, công tác phổ biến, vận động nhân dân không tham gia tiếp tay cho hoạt động buôn bán thuốc lá lậu đã tạo được sự ủng hộ, đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân đối với công tác kiểm tra chống buôn lậu thuốc lá của các cơ quan chức năng. Đến nay, đã có 267 cá nhân, tổ chức thực hiện ký cam kết không tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá nhập lậu, góp phần hạn chế hoạt động vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh thuốc lá lậu trên địa bàn.
Mặc dù tình hình buôn lậu thuốc lá đã có dấu hiệu tạm lắng xuống nhưng tại thị trường trong tỉnh, thuốc lá lậu vẫn được lén lút bán lẻ tại các tiệm cà phê, quầy tạp hóa, các quán vỉa hè, quán ăn uống… Tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn còn diễn biến phức tạp.
Các đối tượng đầu nậu, phân phối thuốc lá lậu đã thay đổi phương thức vận chuyển, kinh doanh, nghĩ ra nhiều thủ đoạn tinh vi hơn để né tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng; Thuốc lá nhập lậu bằng nhiều con đường vẫn tuồn vào thị trường một cách thường xuyên nhưng chưa được phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả, gây thiệt hại lớn cho sức khỏe con người cũng như xã hội. Do vậy, rất cần sự vào cuộc tích cực từ phía cơ quan chức năng và sự tham gia của người dân.