Thủ tướng chỉ ra những tồn tại, bất cập của thị trường tài chính Việt Nam
Tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế diễn ra hôm 22/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra những tồn tại, bất cập hiện nay của thị trường tài chính Việt Nam.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, những vụ việc xảy ra liên quan đến thị trường vốn trong thời gian gần đây có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nếu chúng ta không làm quyết liệt, "con sâu làm rầu nồi canh" sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn trung và dài hạn, đến thị trường trái phiếu, cổ phiếu, chủ trương phát triển thị trường vốn, đến niềm tin nhà đầu tư trong và ngoài nước và ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Về những tồn tại, bất cập của thị trường tài chính, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát hóa ở những điểm chính sau:
Thứ nhất, tồn tại lớn nhất là thị trường tiền tệ, chủ yếu là huy động vốn ngắn hạn nhưng cho vay trung và dài hạn; trong khi đó thị trường vốn (thị trường chứng khoán, trong đó có thị trường trái phiếu) chủ yếu cung ứng vốn trung và dài hạn nhưng chưa phát triển hài hòa, bền vững. Vốn trung và dài hạn đang dựa chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Điều này tạo sức ép và rủi ro đối với tổ chức tín dụng mà về nguyên lý là chủ yếu cung ứng vốn ngắn hạn và có thể gây rủi ro đối với nền kinh tế...
Thứ hai, đối với thị trường trái phiếu. Qua những vụ việc vừa qua, đặc biệt là Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 đợt phát hành trái phiếu do che giấu thông tin đã bộc lộ bất cập, đặc biệt về cơ chế chính sách để bị lợi dụng. Đó là sự thiếu minh bạch thông tin, điều kiện phát hành lỏng lẻo, sử dụng vốn sai mục đích, chuyển nhượng vốn lòng vòng, tỷ lệ an toàn tài chính, tiêu chí đánh giá xếp hạng... của doanh nghiệp phát hành và sự giám sát, kiểm tra, quản lý của cơ quan chủ quản và các cơ quan tổ chức liên quan chưa chặt chẽ, hiệu quả, quyết liệt...; vẫn còn những khoảng trống pháp lý để quản lý, giám sát thị trường. Nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ ba, đối với thị trường chứng khoán, Thủ tướng nêu rõ: Trong những năm qua, thị trường chứng khoán có bước phát triển mạnh mẽ, là kênh quan trọng huy động vốn trung và dài hạn nhưng quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và cũng bộc lộ những hạn chế, gây bức xúc cho nhà đầu tư trong giai đoạn gần đây. Điển hình như hiện tượng nghẽn lệnh, ứng dụng công nghệ, quản lý thị trường chưa tốt, tình trạng làm giá thao túng chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư và niềm tin thị trường, chuẩn mực, đạo đức của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ có vấn đề, chuẩn mực kế toán, chế tài xử lý, xử phạt còn bất cập... Bên cạnh đó, thông tin công bố của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư chưa bảo đảm tính chính xác. Có những doanh nghiệp thậm chí làm ăn thua lỗ nhưng giá chứng khoán tăng tính bằng nhiều lần, không theo quy luật nào...
Thứ tư, đối với thị trường tiền tệ. Thị trường tiền tệ được đánh giá ổn định để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Việc điều hành chính sách tiền tệ phối hợp nhịp nhàng với các chính sách vĩ mô khác để góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, đảm bảo ổn định giá trị đồng tiền, tỷ giá, mặt bằng lãi suất phù hợp...
Tuy nhiên, thị trường tiền tệ vẫn còn tình trạng sở hữu chéo, tình trạng nợ xấu tiềm ẩn sau đại dịch COVID-19 có thể sẽ gia tăng, khó khăn trong thực hiện việc tái cơ cấu và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Hiện tượng sử dụng vốn không đúng mục đích vẫn còn tồn tại, đặc biệt là sử dụng vốn vay không đúng mục đích trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán..., thậm chí thành lập nhiều công ty sân sau để vay vốn ngân hàng, chuyển vốn lòng vòng...