Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Pháp

Việt Hoàng

Ngày 4/11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Pháp và chứng kiến Lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Cộng hòa Pháp và một số nước châu Âu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Pháp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Pháp.

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng trước tình cảm ấm áp, gắn bó, tin tưởng, thể hiện mối quan hệ tốt đẹp trong hợp tác của các doanh nghiệp và Chính phủ hai nước.

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh 29 thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam cùng các đối tác Cộng hòa Pháp và một số nước châu Âu với giá trị hàng tỷ USD.

Khẳng định, các thỏa thuận hợp tác đều hết sức thuyết phục và khả thi, đúng hướng trên nhiều lĩnh vực như: y tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp hai nước cùng tiếp tục nghiên cứu, trao đổi để hợp tác sâu rộng hơn trên các lĩnh vực có tiềm năng thế mạnh giữa hai nước. 

Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp không chỉ hỗ trợ Việt Nam về mặt tài chính, đầu tư mà hỗ trợ Việt Nam xây dựng thể chế, chính sách, cải cách hành chính; đồng thời, cung cấp nguồn tài chính xanh; công nghệ xanh; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học quản trị quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam và Pháp là quan hệ có tính “duyên nợ”, sâu sắc, toàn diện, truyền thống, có nền tảng lâu năm, từ những thế kỷ trước. Quan hệ hợp tác Việt Nam - Pháp luôn gắn bó trong quá trình phát triển nhiều năm qua.

Hiện nay, quan hệ hợp tác 2 nước đã và đang thúc đẩy phát triển trên tất cả các lĩnh vực, từ đầu tư, thương mại, văn hóa, giáo dục...; lòng tin chính trị ngày càng được củng cố, góp phần thúc đẩy phát triển của mỗi nước.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng cho biết, đường lối đối ngoại của Việt Nam là: Độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá; đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; cái gì có lợi cho hòa bình, phát triển là Việt Nam tham gia một cách có trách nhiệm và hiệu quả.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang quyết tâm xây dựng đất nước của dân, do dân, vì dân; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo kinh tế đơn thuần; phát triển nhanh, nhưng phải bền vững. Tiềm năng lớn trong hợp tác, đầu tư vào Việt Nam không chỉ do có môi trường đầu tư thuận lợi, mà có con người thông minh, năng động, sáng tạo, thân thiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định 3 đột phá chiến lược để phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Do đó, những vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm như cơ sở hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực... đang được Việt Nam tập trung giải quyết.

Thời gian đầu, để ứng phó với đại dịch COVID-19, Việt Nam đã áp dụng biện pháp hành chính. Tuy nhiện, Chính phủ Việt Nam đã có giải pháp, công thức phòng và có khả năng ứng phó tốt hơn với dịch bệnh, Việt Nam đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 để vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, Việt Nam đang thực hiện mở cửa từng bước, dựa trên nền tảng cơ bản về kinh tế vĩ mô, xã hội... và đạt kết quả bước đầu.

Trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến Lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Cộng hòa Pháp và một số nước châu Âu. Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Đại sứ Pháp tại Việt Nam và đông đảo doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Pháp.

Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan hữu quan của Việt Nam và Pháp đã chứng kiến Lễ trao 29 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Cộng hòa Pháp và một số nước châu Âu trên nhiều lĩnh vực như đầu tư, thương mại, xây dựng, quy hoạch, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Điển hình như: Thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Vinfast và Tập đoàn EDF về cung cấp, lắp đặt thiết bị sạc và cung cấp dịch vụ sạc điện công cộng cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức của VinFast; Hiệp hội Vì sự phát triển của xe diện (AVERE) trao chứng chỉ thành viên cho Vinfast; Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn Airbus thỏa thuận hợp tác chiến lược về cung cấp 184 tàu bay, phát triển mới đội tàu bay thân rộng và bàn giao 3 tàu bay thân rộng A330; Ngân hàng HDBank và Tổ chức tài chính Phát triển Pháp (Proparco) thỏa thuận hợp tác hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel và đại diện Công ty Rapid Space International thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm công nghệ 5G; Tập đoàn T&T và Tập đoàn Total thỏa thuận hợp tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, với mục tiêu đầu tư các dự án khả thi và hợp tác phát triển ít nhất 2.000 MW, với tổng mức đầu tư dự kiến 3 tỷ USD...