Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với Tập đoàn Viettel
(Tài chính) Chiều 11/3/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel). Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh.
Trước khi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi thăm các cơ sở nghiên cứu - phát triển và sản xuất thiết bị viễn thông; phần mềm Viettel và Trung tâm điều hành Mạng toàn cầu Viettel tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Theo Báo cáo của Tập đoàn, năm 2014, Viettel đã đạt doanh thu trên 197.000 tỷ đồng (tăng trưởng trên 20%), đứng thứ 2 trong số gần 500.000 doanh nghiệp Việt Nam và chiếm trên 10% trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước; lợi nhuận trước thuế đạt 42.000 tỷ đồng (tăng trưởng 15%), chiếm gần 1/4 tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; nộp ngân sách Nhà nước trên 15.000 tỷ đồng; tạo công ăn việc làm cho gần 90.000 lao động (trong đó, tại Việt Nam là 75.000 người và nước ngoài là 15.000 người). Hiện Viettel đã đầu tư tại 9 quốc gia (với tổng dân số 175 triệu dân) với tổng doanh thu từ thị trường ngoài nước đạt 1,2 tỷ USD (tăng trưởng 25%), tổng lợi nhuận trước thuế đạt 156 triệu USD (tăng 32 %). Hết năm 2015, 80% trong tổng số trên 600 triệu USD đầu tư ra nước ngoài sẽ được thu hồi. Năm 2015, tập đoàn sẽ khai trương dịch vụ viễn thông tại các thị trường Công Gô (75 triệu dân), Colombia (40 triệu dân) và Myanmar (55 triệu dân).
Ngoài 2 trụ cột viễn thông và đầu tư ra nước ngoài, Viettel đang chuyển hướng đầu tư mạnh cho trụ cột thứ 3 là nghiên cứu - sản xuất các thiết bị công nghệ cao và thiết bị thông minh với việc thành lập 3 viện nghiên cứu - sản xuất thiết bị hạ tầng mạng viễn thông, thiết bị điện tử thông minh… Viettel đã và đang tập trung xây dựng và phát triển theo mô hình doanh nghiệp sáng tạo với việc phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao hiện đã lên đến 4.500 nhân sự, trong đó có 3.000 tiến sỹ, kỹ sư, lập trình viên làm việc tại 3 viện nghiên cứu, 2 công ty phần mềm. Doanh thu bước đầu trong lĩnh vực này năm 2014 đã đạt 5.500 tỷ đồng.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cho biết năm 2015, Viettel phấn đấu tăng trưởng 20%, doanh thu đạt 230.000 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 15%, năng suất lao động tăng 15%. Định hướng của Viettel là duy trì mức tăng trưởng này liên tục đến năm 2020 để có thể đạt tới doanh thu gấp đôi hiện nay, khoảng trên 400.000 tỷ đồng; đầu tư ra 30 đến 35 nước; hàng năm chi 200 đến 400 triệu USD cho nghiên cứu - phát triển, sáng tạo công nghệ; phấn đấu vào Top 10 công ty viễn thông lớn nhất thế giới và trở thành một doanh nghiệp toàn cầu. “Mục tiêu của Viettel là chuyển mô hình từ một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sang mô hình doanh nghiệp nghiên cứu - sản xuất. Phải nhanh hơn, thông minh hơn, hiệu quả hơn, phải xuất sắc, luôn khác biệt và không chấp nhận sự trung bình” - Ông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại cuộc làm việc.
Phát biểu tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đều khẳng định sự thành công của Viettel, chia sẻ tầm nhìn và cam kết ủng hộ, hỗ trở để Tập đoàn có thể nhanh chóng đạt được các mục tiêu của mình. Các ý kiến đều cho rằng để có ngày hôm nay, Viettel đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, cho phép áp dụng những cơ chế, chính sách mang tính đột phá, từ đó đã xây dựng được một đội ngũ mạnh, biến những mục tiêu, khát vọng của Tập đoàn trở thành hiện thực.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá rất cao nỗ lực cũng như những kết quả ấn tượng mà Viettel đạt được trong thời gian qua. Thành tựu của Viettel vừa là niềm tự hào của đất nước, của quân đội mà còn chứng mình chủ trương xây dựng, phát triển các doanh nghiệp quân đội của Đảng và Nhà nước là đúng đắn. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng Viettel không thỏa mãn với thành tựu, không chủ quan trên con đường hiện thực hóa khát vọng, không chần chừ để bị tụt hậu, bị vượt qua mà cần nỗ lực quyết liệt, năng động, sáng tạo hơn nữa, dám nghĩ, dám làm, phấn đấu trở thành tập đoàn viễn thông hàng đầu của khu vực và thế giới, cạnh tranh thành công trên thị trường quốc tế và phát triển bền vững. Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Viettel tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất kinh doanh; áp dụng các cơ chế, chính sách hiệu quả để tạo động lực, đồng thời thu hút và xây dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục nâng cao năng suất lao động, năng suất, chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ, xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, đồng thời thực hiện có hiệu quả, thành công các nhiệm vụ chính trị được quân đội giao. Thủ tướng cũng mong muốn Viettel tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được quân đội giao cũng như góp phần thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng; phát triển các dịch vụ tiện ích trên Internet và tham gia xây dựng Chính phủ điện tử của quốc gia.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với các kiến nghị, đề xuất của Viettel. Thủ tướng đồng ý chủ trương tăng vốn điều lệ cho Tập đoàn; cho phép Viettel tiếp tục thực hiện cơ chế khoán quỹ lương, tự chủ về tiền lương nhằm thu hút và phát huy hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao. Thủ tướng cũng đánh giá cao định hướng mô hình nghiên cứu - sản xuất của Tập đoàn và đồng ý chủ trương Tập đoàn có cơ sở đào tạo gắn với nghiên cứu và tạo nguồn nhân lực trong Tập đoàn. Đồng ý xem xét cấp khoảng 100 ha đất trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc để Viettel có mặt bằng xây dựng và triển khai các cơ sở nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao trong tương lai. “Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Viettel tiếp tục phát triển và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định và bày tỏ tin tưởng Viettel sẽ tiếp tục thành công và những thành tựu mới, đột phá trên con đường phát triển của mình.