Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao kinh tế phục vụ mục tiêu tăng trưởng 8,3% đến 8,5%
Tối 22/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số giai đoạn tiếp theo.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và 34 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.
Tại hội nghị, các đại biểu khẳng định, trong những tháng đầu năm 2025, công tác đối ngoại được triển khai một cách chủ động, quyết liệt và toàn diện, đóng góp tích cực cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và phát triển của đất nước. Ngoại giao kinh tế tiếp tục được thể chế hoá, hệ thống hoá một cách bài bản.
6 tháng qua, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai gần 300 hoạt động ngoại giao kinh tế, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; hỗ trợ địa phương tổ chức hơn 150 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các địa phương ở trong và ngoài nước; hỗ trợ các tỉnh, thành ký kết 30 thỏa thuận với các đối tác quốc tế.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, GDP tăng 7,52%, mức cao nhất trong 15 năm qua, dẫn đầu ASEAN và nằm trong nhóm tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Nền kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát hiệu quả; tăng trưởng được thúc đẩy trên nền tảng các cân đối lớn được bảo đảm. Hoạt động xuất khẩu khởi sắc, đưa cán cân thương mại xuất siêu hơn 7,6 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vượt 21,5 tỷ USD, tăng 32,6% – mức tăng cao nhất trong vòng 15 năm; vốn FDI thực hiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai gần 300 hoạt động ngoại giao kinh tế, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; hỗ trợ địa phương tổ chức hơn 150 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các địa phương ở trong và ngoài nước; hỗ trợ các tỉnh, thành ký kết 30 thỏa thuận với các đối tác quốc tế.
Du lịch quốc tế trở thành điểm sáng, với lượng khách nước ngoài đến Việt Nam tăng 20,7%, cho thấy sức hấp dẫn ngày càng lớn của điểm đến Việt Nam trong khu vực và toàn cầu.
Tại hội nghị, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện các chương trình, hoạt động đối ngoại thực chất, hiệu quả. Trong đó, trọng tâm về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Từ đó, góp phần cùng đất nước ứng phó linh hoạt với các biến động, tạo đà thực hiện mục tiêu tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã đề nghị các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục là cầu nối đắc lực, cung cấp thông tin thị trường và cơ hội hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong các lĩnh vực. Đồng thời, tiếp tục quảng bá hình ảnh đất nước, con người, tiềm năng hợp tác đầu tư Việt Nam với các nước…
Sau khi nghe các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, công tác đối ngoại là điểm sáng trong kết quả 6 tháng đầu năm 2025 của cả nước, trong đó có sự đóng góp của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng các cơ quan đại diện, các địa phương, các hiệp hội ngành nghề, các cơ quan liên quan phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với tinh thần “ngoại giao kinh tế là một trong những trọng tâm của ngoại giao thời đại mới” theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Thông qua đó kết nối nền kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế trên thế giới; kết nối doanh nghiệp; kết nối chuỗi cung ứng; thúc đẩy đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do; khai thác các thị trường truyền thống và khai mở những thị trường mới; thu hút các nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu phục vụ quá trình phát triển, hiện đại hóa đất nước. Từ đó, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ 8,3 - 8,5% trong năm 2025 và các mục tiêu đã đề ra cho cả nhiệm kỳ, hướng tới thực hiện 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh đối thoại, tư vấn chính sách về các vấn đề kinh tế phát triển của Việt Nam và chú trọng nghiên cứu dài hạn về những vấn đề chiến lược với tinh thần “nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn”. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, chú trọng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức).
Tập trung thu hút và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án FDI chất lượng cao, công nghệ cao, quy mô lớn, có tính lan tỏa mạnh mẽ, các dự án hạ tầng giao thông, có giá trị gia tăng cao, các dự án đầu tư lớn, trọng điểm.
Cùng với đó, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thúc đẩy ký các FTA mới với các thị trường tiềm năng như Trung Đông, châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Á, Ấn Độ, Brazil....; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trọng điểm như công nghệ, điện tử, ô tô, máy móc, dệt may, da giày... mở rộng xuất khẩu, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả ở nước ngoài, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu…
Cũng theo Thủ tướng, nhiệm vụ đạt mục tiêu tăng trưởng 8,3 đến 8,5% trong năm 2025 là rất khó khăn, nhưng không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp chặt chẽ cùng nhau phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện hiệu quả ngoại giao kinh tế, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng của năm nay, tạo đà, tạo thế, tạo lực để đất nước ta vững bước vào kỷ nguyên mới.