Thu vào ngân sách hàng nghìn tỷ đồng từ xử lý vi phạm pháp luật thuế, hải quan

Huy An

Bám sát diễn biến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, năm 2022, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ và xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật thuế, hải quan; qua đó thu vào ngân sách nhà nước (NSNN) hàng nghìn tỷ đồng.

Lục lượng hải quan tăng cường tuần tra, kiểm soát trên tuyến biển để kịp thời ngăn chặn, phát hiện các vụ việc buôn lậu của các đối tượng.
Lục lượng hải quan tăng cường tuần tra, kiểm soát trên tuyến biển để kịp thời ngăn chặn, phát hiện các vụ việc buôn lậu của các đối tượng.

Xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật thuế, hải quan

Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động nắm bắt tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và thông tin chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu trong nhiều lĩnh vực.

Bám sát định hướng chỉ đạo của các văn bản trên, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ và xử lý nhiều vụ việc vi phạm về pháp luật thuế, hải quan.

Trong lĩnh vực hải quan, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ 16.031 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, tăng 10% trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 5.791 tỷ đồng, tăng 113% so với cùng kỳ năm 2021. Số thu NSNN đạt 425,6 tỷ đồng, tăng 46,8% so với cùng kỳ năm 2021. Cơ quan hải quan khởi tố 45 vụ, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 112 vụ.

Trong đó, kết quả đấu tranh phòng, chống ma tuý, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ 268 vụ. Tang vật thu được gồm: 153 kg Heroin và 28 bánh heroin; 145 kg Cần sa; 49,1 kg thuốc phiện; ma tuý tổng hợp 629 kg và 54.164 viên, ketamin 47,5 kg.

Trong lĩnh vực thuế, năm 2022, Tổng cục Thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra được 66.723 doanh nghiệp, tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 59.313,5 tỷ đồng. Tổng số thuế đã nộp vào NSNN là 1.664,8 tỷ đồng.

Cụ thể, Tổng cục Thuế thực hiện thanh tra được 3.846 doanh nghiệp. Tổng số tiền thuế truy thu, truy hoàn, phạt qua thanh tra đạt 4.984,8 tỷ đồng, giảm khấu trừ 328,8 tỷ đồng; giảm lỗ là 16.739,8 tỷ đồng, số thuế đã nộp vào NSNN là 3.197,6 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế được 62.877 doanh nghiệp. Tổng số tiền thuế truy thu, truy hoàn, phạt qua kiểm tra là 8.551,8 tỷ đồng, giảm khấu trừ 1.668,2 tỷ đồng; giảm lỗ là 24.316,5 tỷ đồng, số thuế đã nộp vào NSNN là 5.920,9 tỷ đồng. Trong khi đó, kiểm tra tại trụ sở cơ quan Thuế, tổng số hồ sơ đã kiểm tra 778.287 hồ sơ; số thuế điều chỉnh tăng, giảm, ấn định 993,2 tỷ đồng, giảm khấu trừ là 68,2 tỷ đồng, giảm lỗ 1.662,3 tỷ đồng.

07 nhiệm vụ trọng tâm chống buôn lậu, gian lận thương mại năm 2023

Phát huy kết quả đạt được và để đạt hiệu quả cao trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, năm 2023, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế tập trung triển khai các giải pháp sau:

Một là, bám sát và thực hiện quyết liệt các chỉ đạo, chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Tài chính về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, công tác phòng, chống ma túy, phòng chống tội phạm.

Hai là, triển khai quyết liệt, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm. Tập trung trọng tâm vào các loại mặt hàng cấm, hàng có giá trị lớn, thuế suất cao, hàng xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện...; kiểm tra, giám sát chặt chẽ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đối tượng, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh…

Ba là, triển khai Kế hoạch về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa; Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các cảng hàng không quốc tế.

Bốn là, tiếp tục xây dựng các kế hoạch, chương trình công tác trọng tâm, trọng điểm ở từng địa bàn nhằm cảnh báo, hướng dẫn địa phương về công tác kiểm soát buôn lậu trong địa bàn kiểm soát hải quan. Thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo về các loại ma tuý mới, các phương thức, thủ đoạn, xu hướng mới của tội phạm buôn lậu, ma tuý nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng chuyên môn về công tác kiểm soát chống buôn lậu.

Năm là, tăng cường áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát ma tuý trên tất cả các khâu, các tuyến, các địa bàn. Thông tin liên quan đến hành vi mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý phải được xử lý kịp thời, bí mật, chặt chẽ từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc vụ việc.

Sáu là, xây dựng và triển khai hiệu quả các chiến lược, chương trình, kế hoạch đào tạo, tập huấn nghiệp vụ phòng chống buôn lậu, ma túy theo nhiều cấp độ, nhằm phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm soát chống buôn lậu chuyên trách, chuyên nghiệp, chuyên sâu.

Bảy là, phối hợp tham mưu trang bị, quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả máy móc, thiết bị chuyên dùng, chó nghiệp vụ; ứng dụng khoa học công nghệ; áp dụng quản lý rủi ro, xác định trọng điểm trong đấu tranh chống buôn lậu, phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất - nhập cảnh…