Thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số


Với sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách, đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, từ đó góp phần nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số trong mọi mặt...

Các thiếu nữ vùng cao dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc Bảo Yên (Lào Cai). Ảnh: Kim Chiến
Các thiếu nữ vùng cao dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc Bảo Yên (Lào Cai). Ảnh: Kim Chiến

Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm khoảng 14% dân số cả nước, cư trú đan xen ở 51 tỉnh, thành phố. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3⁄4 diện tích cả nước. Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019, tính đến ngày 1/10/2019, tổng dân số DTTS cả nước là 14.119.256 người, trong đó có 7.073.907 nam, 7.045.349 nữ.

Việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong suốt giai đoạn từ 2011 đến nay đã góp phần quan trọng ổn định, cải thiện, nâng cao mọi mặt đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền múi (DTTS &MN), góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới và sự phát triển đất nước. Nổi bật là đến thời điểm hiện nay, 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 98% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99.3% xã có trạm y tế; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn giảm trung bình 3-4% năm. Tính đến hết tháng 8/2018, có 1.052 xã vùng DTTS& MN được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29%.

Đánh giá tổng thể số liệu được phân tích qua điều tra kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019, có thể thấy những thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế - xã hội đã tạo ra những tác động tích cực cho công tác bình đẳng giới vùng DTTS và cũng tạo ra những chuyển biến nhất định từ kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Nhiều chương trình, chính sách về bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS

Với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, thời gian qua, Ủy ban Dân tộc đã chủ động phối hợp các bộ, ban, ngành Trung ương thực hiện nhiệm vụ liên quan đến chăm sóc, nâng cao chất lượng y tế, văn hóa, giáo dục đối với phụ nữ là đối tượng thuộc nhóm dễ bị tổn thương.

Ủy ban Dân tộc tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, đề án, chính sách được giao quản lý hoặc chủ trì triển khai thực hiện có nội dung liên quan giới, bình đẳng giới vùng DTTS&MN như: Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025” (Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015); Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025” (Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017).

Đặc biệt, từ năm 2022, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025 được triển khai thực hiện. Chương trình gồm 10 dự án, trong đó có dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” và Tiểu dự án 9.2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN”.

Giai đoạn 2012 - 2022, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ phục vụ triển khai hội nhập quốc tế” - Bộ Ngoại giao, do Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ và cơ quan của Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho Phụ nữ (UNWomen) tổ chức các lớp tập huấn nhằm mục đích cùng nhau chia sẻ, thảo luận những kiến thức, kỹ năng về bình đẳng giới.

Những kết quả tích cực

Với sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách, đề án phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, từ đó góp phần nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ DTTS trong mọi mặt của đời sống xã hội.

Trong lĩnh vực chính trị, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị của cán bộ nữ toàn quốc và tại Ủy ban Dân tộc. Số lượng cán bộ nữ, cán bộ DTTS là Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội liên tục tăng qua các khóa gần đây. Nhiều cán bộ nữ, cán bộ DTTS được tín nhiệm bầu, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.

Đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ người DTTS ở cấp Trung ương hiện nay, tổng số cán bộ nữ ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương là 7.521 người, trong đó có 17,5% giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp vụ trở lên. Ở cấp tỉnh, tổng số cán bộ nữ là 5.814 người, trong đó có 714 người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp sở và tương đương trở lên (12,3%). Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh đạt cao như: Lạng Sơn (24,4%), Lào Cai (19,1%), Hải Phòng (18,3%), Cần Thơ (18%). Ở cấp huyện có 249 người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong 2.495 cán bộ nữ (10%); tương đương là 3.030/29.224 người ở cấp xã (tương đương 10,4% cán bộ nữ).

Các hoạt động làm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người DTTS đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động được triển khai thực hiện thông qua nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội góp phần thay đổi bộ mặt vùng DTTS, như: Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015 - 2020, Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, Chương trình 135, Chương trình 30a... Trong giai đoạn này, vai trò và tiếng nói của phụ nữ tham gia vào quá trình lập kế hoạch, thực hiện và giám sát các công trình đã được chú trọng, được bộ, ngành lồng ghép vào các văn bản hướng dẫn thực hiện như quy định tỷ lệ nữ trong ban chỉ đạo, ban giám sát... Tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2015 đạt tới 87,55% (nam 91,81% và nữ 83,41%), cao hơn đáng kể so tỷ lệ tương ứng của người Kinh là 74,92% (nam 79,10% và nữ 71,10%). Khả năng tiếp cận thị trường giúp phụ nữ DTTS đóng góp vào kinh tế gia đình cũng là một trong những yếu tố tác động tích cực đến việc nâng cao vị thế của người phụ nữ DTTS trong gia đình và xã hội.

Chất lượng nguồn nhân lực nữ được nâng cao, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bào DTTS&MN như: Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 quy định về chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; Nghị định 57/2017/NĐ-CP quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh, hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người…

Các chương trình, dự án, chính sách của nhà nước đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em đồng bào DTTS. Mạng lưới trường mầm non, trường phổ thông ở vùng đồng bào DTTS tiếp tục được củng cố, mở rộng, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, dự bị đại học dân tộc; chất lượng giáo dục của các trường được nâng lên một bước.

Lĩnh vực y tế được Chính phủ quan tâm đầu tư tại vùng DTTS, đến nay đã đạt được các kết quả quan trọng như: Có gần sáu triệu người DTTS có thẻ bảo hiểm y tế, phần lớn nhờ chính sách cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho người DTTS sinh sống tại những địa bàn khó khăn, trong đó tỷ lệ người DTTS có sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh khoảng trên 90%. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ DTTS khám thai và sinh con tại cơ sở y tế vẫn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước: năm 2015 tỷ lệ khoảng 70%, đến năm 2019 được cải thiện với gần 90% phụ nữ DTTS từ 15 - 49 tuổi có đến khám thai và sinh con tại cơ sở y tế.

Các hoạt động truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình, các vấn đề về giới, bình đẳng giới, bắt bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được triển khai với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, phong phú, thu hút sự quan tâm của nam và nữ giới trong việc thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Nhiều hoạt động truyền thông, vận động được các bộ, ngành và địa phương linh hoạt, chủ động thực hiện bằng nhiều hình thức sáng tạo, tranh thủ lồng ghép vào các chương trình, dự án chính sách khác đang triển khai tại vùng DTTS, từ đó nâng cao hiệu quả, góp phần hoàn thành các mục tiêu về bình đẳng giới.

Tăng cường thực hiện bình đẳng giới tại vùng DTTS

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bình đẳng giới vùng DTTS vẫn còn những hạn chế như:  Đồng bào DTTS thường cư trú ở vùng sâu, vùng xa, mỗi dân tộc lại có văn hóa, tiếng nói, chữ viết riêng, vì vậy rất khó để xây dựng chính sách bình đẳng giới đồng bộ và phù hợp với tất cả các dân tộc, vùng miền. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên về bình đẳng giới chưa đầy đủ, chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về bình đẳng giới. Đội ngũ làm công tác bình đắng giới ở cơ sở chủ yếu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, phần lớn chưa được đào tạo bài bản, thiếu kỹ năng, trình độ, năng lực còn nhiều hạn chế, am hiểu chưa sâu về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán và tiếng nói của đồng bào DTTS nên việc tổ chức triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn…

Trong thời gian tới, nhằm khắc phục các hạn chế và thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng DTTS, cần thực hiện những yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm cải thiện đời sống kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS&MN. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021- 2030, đặc biệt là Dự án số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những đề cấp bách của phụ nữ và trẻ em” nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và Tiểu dự án 9.2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường, kiên trì đẩy mạnh truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về bình đẳng giới tại vùng DTTS bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào DTTS. Cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới có chất lượng hướng tới đối tượng là đồng bào DTTS.

Song song với đó, cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác dân tộc và bình đẳng giới ở cấp cơ sở; áp dụng, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả tại cấp cơ sở để lan tỏa tới cộng đồng những thông điệp ý nghĩa về bình đẳng giới.

Theo Minh An/dangcongsan.vn