Thúc đẩy đầu tư cho các doanh nghiệp start-up

Minh Đức

Chiều ngày 15/4, phiên thảo luận về "Thúc đẩy đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp mới tại các nền kinh tế mới nổi" diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư.

Đại diện doanh nghiệp, tổ chức tài chính và nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia chia sẻ tại phiên thảo luận
Đại diện doanh nghiệp, tổ chức tài chính và nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia chia sẻ tại phiên thảo luận

Chia sẻ tại phiên thảo luận, bà Tú Ngô - Đối tác quản lý Touchstone Partner cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp (start-up) khí hậu tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nhờ sự phối hợp của nhiều bên liên quan.

Hiện các mô hình khởi nghiệp xanh thường chia thành hai nhóm: Nhóm đầu tiên là các mô hình đã được chứng minh tính hiệu quả trên thị trường như điện mặt trời, nông nghiệp thông minh; nhóm thứ hai là các doanh nghiệp theo hướng công nghệ sâu (deep-tech), sở hữu sáng chế hoặc công nghệ độc quyền có khả năng đóng góp lớn vào mục tiêu khử carbon và chuyển đổi xanh.

“Những sáng kiến như biến rác thải thành vật liệu giá trị cao hay sở hữu trí tuệ giúp giảm phát thải là những mô hình đầy tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức trong việc kêu gọi đầu tư sớm. Với những doanh nghiệp này, chúng tôi cần đặt niềm tin vào tầm nhìn dài hạn của họ”, bà Tú Ngô chia sẻ.

Ông Justin Wu - Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận biến đổi khí hậu khu vực châu Á-Thái Bình Dương và phát triển bền vững toàn cầu của Ngân hàng HSBC cho biết, HSBC đang triển khai nhiều sáng kiến tại khu vực như HSBC Innovation Banking hay Pentagreen - một quỹ đầu tư vào các dự án hạ tầng khó huy động vốn...

Tuy nhiên, ông thẳng thắn thừa nhận rằng, trên hành trình từ ý tưởng tới quy mô thương mại, các start-up sẽ đối mặt với không ít rào cản, từ dòng tiền, năng lực vận hành, đến cả các rào cản pháp lý.

“Chúng tôi hiểu rằng nhiều doanh nghiệp đang nhận vốn từ nhiều nguồn khác nhau như quỹ tư nhân, tài trợ từ tổ chức phi lợi nhuận, hay các sáng kiến như P4G. Do đó, vai trò của ngân hàng không chỉ là cho vay, mà còn là ‘nắm tay’ họ vượt qua những chặng đường đầu tiên”, ông Wu khẳng định.

Bà Shameela Soobramoney, Tổng giám đốc Viện Kinh doanh quốc gia Nam Phi, cũng nhận định, các start-up thường gặp khó khăn trong việc xây dựng một đề án kinh doanh rõ ràng. Một điểm nghẽn phổ biến nữa, đó là khoảng trống tài chính dành cho các doanh nghiệp nhỏ ở giai đoạn đầu.

 

Tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư, sẽ chính thức được khai mạc vào chiều mai 16/4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh P4G - cơ chế hợp tác đa phương do Đan Mạch khởi xướng từ năm 2017 và có sự tham gia của 8 nước thành viên khác là Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia, Nam Phi và 5 tổ chức đối tác là Viện Tài nguyên thế giới (WRI), Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), mạng lưới C40 (C40 cities), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).


“Rất nhiều công ty có tiềm năng nhưng chưa đủ lớn để tiếp cận vòng gọi vốn tiếp theo. Trong khi những doanh nghiệp tăng trưởng cao thường sớm được các nhà đầu tư săn đón vì bài toán lợi nhuận đã hiện ra trước mắt, doanh nghiệp nhỏ cần một cú hích để vượt qua ‘thung lũng chết’ (valley of death) - thời điểm dễ bị lãng quên nhất trong hành trình khởi nghiệp”, bà Soobramoney phân tích.

Ông Min Alexander Myoung Joon - Tổng Giám đốc RE:harvest, một start-up Hàn Quốc tiên phong trong tái chế phế phẩm thực phẩm thành sản phẩm có giá trị, cho rằng “tạo ra sự thay đổi chỉ là bước đầu, vấn đề quan trọng hơn là làm sao để duy trì và mở rộng tác động này một cách bền vững”.

Ông Joon cũng nhấn mạnh về khoảng trống trong hệ sinh thái khởi nghiệp của các nước đang phát triển, đặc biệt là sự thiếu vắng những quỹ đầu tư gián tiếp (fund of funds) do chính phủ bảo trợ.

Theo ông, khu vực tư nhân không thể “đơn độc gánh vác” toàn bộ vai trò ươm tạo và tăng trưởng cho start-up, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ start-up vượt qua các vòng gọi vốn đầu tiên vẫn còn thấp. Nếu có các quỹ đầu tư tập trung vào giá trị dài hạn, khả năng gọi vốn sẽ thực tế và bền vững hơn.

Trong phần thảo luận sau đó, các chuyên gia cũng đồng tình rằng ngoài việc hỗ trợ tài chính, cần có cơ chế để các start-up được thử nghiệm thực tế thông qua những dự án thí điểm, từ đó giúp nhà hoạch định chính sách nắm bắt rõ thực trạng và đưa ra quyết định phù hợp.

Đồng thời, các tổ chức tài chính và cơ quan chính sách cũng cần thay đổi tư duy, trở nên chủ động, linh hoạt và mang tinh thần khởi nghiệp hơn, từ đó tạo điều kiện cho các giải pháp đổi mới sáng tạo phát triển.