Thúc đẩy đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh


Từ nguồn số liệu thứ cấp được thu thập từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh, nhóm tác giả sử dụng phương pháp chi tiết, thống kê mô tả và so sánh để phân tích thực trạng, tìm ra và đánh giá những tồn tại, hạn chế của công tác quản lý đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh thời gian qua. Bằng phương pháp diễn dịch, nhóm tác giả đề xuất giải pháp thúc đẩy đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đặt vấn đề

Đầu tư công (ĐTC) cho lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Trà Vinh về cơ bản đã phát huy hiệu quả, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh (giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng trung bình 9,46%/năm). Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn được tăng cường, bộ mặt vùng nông thôn thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể (năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều là 1,82%; thu nhập bình quân đầu người đạt 3,437 triệu đồng/tháng; 99% tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh…).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý ĐTC trong lĩnh vực nông nghiệp của Trà Vinh vẫn còn không ít tồn tại, cần phải hoàn thiện và khắc phục (giải ngân chậm, thất thoát lãng phí ngân sách, thiếu công khai minh bạch…). Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy ĐTC trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Phân tích thực trạng quy mô và cơ cấu đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp

Cơ cấu vốn đầu tư theo ngành kinh tế

Giai đoạn 2016 – 2020 cơ cấu vốn đầu tư ở tỉnh Trà Vinh phát triển theo xu hướng hiện đại, tỷ trọng đầu tư cho các ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ đang chiếm tỷ lệ lớn. Vốn đầu tư khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tương đối ổn định qua các năm (khoảng 2 - 4%), cao nhất là 5% vào năm 2017.

Khu vực dịch vụ được tập trung đầu tư mạnh hơn (trung bình khoảng 34,7%), điều này cho thấy, định hướng phát triển của Tỉnh trong giai đoạn tới sẽ phát triển nhiều hơn các ngành dịch vụ. Nhóm ngành công nghiệp – xây dựng vẫn đang là một động lực trong phát triển của Tỉnh, khi tỷ trọng vốn đầu tư của nhóm ngành này trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm từ 60% trở lên, tập trung vào một số ngành lớn như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, công nghiệp chế biến...

Cơ cấu vốn đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp

Vốn ĐTC nói chung và vốn ĐTC cho nông nghiệp nói riêng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có xu hướng gia tăng qua từng năm cùng với sự gia tăng của GRDP tỉnh và của lĩnh vực nông nghiệp. Theo số liệu của thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, vốn ĐTC cho lĩnh vực nông nghiệp gia tăng trong giai đoạn này là do tỉnh đã triển khai thực hiện tái cơ cấu ĐTC, phát triển nông nghiệp toàn diện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại có khả năng cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, chất lượng và giá trị gia tăng cao, góp phần tăng GRDP của Tỉnh, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị…).

Thúc đẩy đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh - Ảnh 1

Mặc dù, vốn ĐTC ngành nông nghiệp có tăng lên theo từng năm nhưng chưa được ưu tiên so với các lĩnh vực khác (tỷ lệ vốn ĐTC trong nông nghiệp/tổng vốn ĐTC chiếm tỷ lệ thấp, tốc độ tăng chậm). Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là quy hoạch chưa sát, quy hoạch sản xuất nông lâm thủy sản chưa định hướng cho các quy hoạch chi tiết xây dựng, đầu tư còn dàn trải. Tình trạng sản xuất nhỏ lẻ phân tán, nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp qua đào tạo còn hạn chế, mang tính truyền thống, giản đơn.

Nguồn vốn ĐTC trong nông nghiệp theo cơ cấu vốn ngân sách trung ương (NSTW) có quy mô biến động theo cơ cấu nguồn vốn địa phương (NSĐP). Cơ cấu nguồn vốn ĐTC có chuyển biến theo hướng tích cực, giảm NSTW tăng từ NSĐP. Lý do là Chính phủ đẩy mạnh phân cấp nhằm tăng tính chủ động của địa phương đối với việc huy động, phân bổ và sử dụng vốn trong quản lý các dự án ĐTC.

ĐTC trong nông, lâm và thủy sản trong giai đoạn 2018 – 2020 có xu hướng ngược chiều nhau. Nếu như ĐTC trong nông nghiệp, thủy sản có xu hướng ngày càng tăng thì lĩnh vực lâm nghiệp lại có xu hướng giảm. Kết quả nêu trên cho thấy trong thời gian qua tỉnh Trà Vinh đã đang tập trung thực hiện đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển thủy sản, nông nghiệp nông thôn là thế mạnh của Tỉnh, đồng thời chuyển dần việc đầu tư phát triển rừng sang hình thức xã hội hóa.

Hiệu quả của đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp

Hiệu quả về kinh tế

Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (chỉ số ICOR): Hiệu quả sử dụng đồng vốn được phản ánh qua hệ số ICOR thường được sử dụng trong phân tích kinh tế. Giai đoạn 2016 – 2020, hệ số ICOR của vốn ĐTC cho nông nghiệp tại Trà Vinh có xu hướng tăng (năm 2016: -0,241; 2017: 0,198; 2018: 0,254; 2019: 0,955 và 2020: 1,221), bình quân cả giai đoạn là 0,477 thấp hơn bình quân hệ số ICOR vốn ĐTC chung (trung bình ICOR vốn ĐTC là 0,74).

Thúc đẩy đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh - Ảnh 2

Điều này cho thấy vốn ĐTC đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đạt hiệu quả cao hơn tổng vốn ĐTC, tuy nhiên hiệu quả có xu hướng giảm (chỉ số ICOR trong nông nghiệp tăng qua từng năm). Nguyên nhân là do trong thời kỳ này Trung ương và địa phương đã triển khai đầu tư nhiều dự án lớn trên địa bàn Tỉnh như dự án cống Bông Bót, Tân Dinh và kênh Mây Phốp – Ngã Hậu, dự án Nâng cấp hệ thống đê Trà Vinh…

Các dự án này trong giai đoạn đầu tư xây dựng nên hệ số ICOR của Tỉnh tăng nhanh và cao, nhưng cũng đã góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng của Tỉnh ở mức khá. Đây cũng là các dự án sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của Tỉnh trong tương lai khi hoàn thành.

Hiệu quả sử dụng lao động:

Năng suất lao động của tỉnh Trà Vinh có xu hướng tăng dần trong giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, năm 2016, năng suất lao động của Tỉnh đạt 70,06 triệu đồng/người, đến năm 2020 ước đạt 114,9 triệu đồng/người. Năng suất lao động của khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực II) cao hơn hẳn so với 02 khu vực còn lại, và năng suất lao động của khu vực dịch vụ (khu vực III) cao hơn so với khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I).

Số liệu thống kê cho thấy, sự gia tăng năng suất lao động diễn ra ở cả 3 khu vực của nền kinh tế, theo đó, khu vực II có giá trị và tốc độ tăng bình quân cao nhất trong cả 3 khu vực, điều này đã khẳng định vị thế vượt trội của khu vực II. Năng suất lao động và tốc độ tăng của khu vực nông, lâm, thuỷ sản ngày càng nới rộng khoảng cách, thấp hơn so với mức bình quân của toàn Tỉnh.

Hiệu quả phát triển doanh nghiệp:

Số lượng doanh nghiệp của tỉnh Trà Vinh không ngừng tăng lên hàng năm với tốc độ tăng trung bình 3,7%/ năm (năm 2016: 1.417 doanh nghiệp; 2017: 1.460 doanh nghiệp; 2018: 1.591 doanh nghiệp và 2019: 1.843 doanh nghiệp). Năm 2019, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Trà Vinh là 1.843 với khoảng 51.916 lao động.

Thúc đẩy đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh - Ảnh 3

Mặc dù, số lượng doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua có tốc độ tăng tương đối tích cực, song tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân còn rất thấp, tính trung bình khoảng 500 người mới có 01 doanh nghiệp. So với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh, số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ lệ rất nhỏ (năm 2019 chỉ là 20/1.843 doanh nghiệp).

Điều này cho thấy, hiệu quả thu hút đầu tư chưa cao, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu chiến lược phát triển ngành.

Tình trạng thất thoát, lãng phí:

Qua tổng hợp số liệu báo cáo từ Sở Tài chính Trà Vinh giai đoạn 2016 – 2020 cho thấy, Tỉnh đã hoàn thành 238 dự án, công trình sử dụng vốn ĐTC trong lĩnh vực nông nghiệp, với giá trị tổng mức đầu tư được duyệt là 2.437.438 triệu đồng, giá trị được chấp nhận phê duyệt quyết toán là 1.604.222 triệu đồng (giảm 833.216 triệu đồng so với tổng mức đầu tư, tương ứng 34,2%), thông qua công tác thẩm tra, đã loại ra khỏi giá trị chủ đầu tư đề nghị là 3.547 triệu đồng. Điều này cho thấy, việc sử dụng vốn ĐTC chưa thật sự hiệu quả, một trong những nguyên nhân là do công tác lập dự án còn hạn chế, chưa phù hợp với thực tế, trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, cắt giảm hạng mục đầu tư.

Hiệu quả về xã hội

Trà Vinh có nguồn lực lao động dồi dào, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2020 là 561,343 nghìn người, chiếm 55,6% tổng dân số. Hiện nay, đa phần là lao động nông thôn, chiếm 83,72% và tập trung chủ yếu trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp và những nghề đơn giản. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được Tỉnh quan tâm thực hiện, tỷ lệ lao động thất nghiệp giảm từ 2,43% năm 2016 còn 2,2% năm 2020; tỷ lệ thiếu việc làm giảm trong giai đoạn 2016 – 2019 từ 2,81% còn 1,91%, tuy nhiên, năm 2020 tăng lên 4,05%, nguyên nhân do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Đáng chú ý là tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều có xu hướng giảm từ 11,16% năm 2016 xuống còn 1,82% năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người một tháng theo giá hiện hành tăng từ 2,387 triệu đồng/người/tháng năm 2016, lên đến 3,437 triệu đồng/người/tháng năm 2020 (mức trung bình của cả nước là 4,249 triệu đồng và của Đồng bằng sông Cửu Long là 3,873 triệu đồng).

Chất lượng khu vực nông thôn được cải thiện cùng với việc thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đến năm 2020, tỷ lệ dân cư ở khu vực nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, giáo dục đào tạo, các thiết chế văn hóa – thể thao được đầu tư, nâng cấp; 100% ấp, xóm có đường truyền Internet băng rộng cố định; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,21%; 106/106 xã, phường thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 100% các xã có điện lưới trung, hạ áp cung cấp điện sản xuất và sinh hoạt.

Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Để đánh giá tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong hoạt động ĐTC của lĩnh vực nông nghiệp, nhóm tác giả đã khảo sát 200 ứng viên là những chuyên gia, nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm, am hiểu hoạt động quản lý ĐTC trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Kết quả cho thấy, có 92% người được hỏi đồng ý rằng các dự án ĐTC trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội; 86,5% cho rằng phù hợp và đạt được mục tiêu đầu tư; 85,5% cho rằng có hiệu quả về kinh tế; 95% cho rằng có hiệu quả về xã hội.

Bên cạnh những đánh giá tích cực về hiệu quả của dự án ĐTC trong lĩnh vực nông nghiệp thì vẫn còn những tồn tại và hạn chế cần phải tiếp tục nghiên cứu, khắc phục. Cụ thể, hiệu quả sử dụng vốn ĐTC trong nông nghiệp có xu hướng suy giảm, ICOR trong nông nghiệp đạt cao nhất năm 2020 (ICOR = 1,221). Năm 2019 và năm 2020, dịch bệnh tả lợn châu Phi và đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động mạnh đến ngành nông nghiệp nên gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp bị giảm khá lớn.

Cơ cấu vốn không đồng đều giữa các khu vực nông, lâm và thủy sản. Phần lớn vốn ĐTC trong nông nghiệp chỉ tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản. ĐTC cho lĩnh vực lâm nghiệp chiếm tỷ lệ rất thấp.

Cơ chế, chính sách trong hoạt động ĐTC hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập. Lĩnh vực đầu tư xây dựng có phạm vi rất rộng, đa dạng, phức tạp, có tính đặc thù liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực nên có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Cũng do tính chất đa dạng, phức tạp của lĩnh vực này nên thường xuyên xuất hiện các tình huống mới, không ổn định, thường xuyên thay đổi, một số quy định chồng chéo. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thất thoát lãng phí đối với các dự án chậm tiến độ, sai phạm trong thiết kế, thi công. Chất lượng quy hoạch còn thấp, đầu tư dàn trải, còn xảy ra sai phạm trong công tác đấu thầu, triển khai không đúng kế hoạch, thiếu đồng bộ, tỷ lệ giải ngân thấp, biến động giá nguyên vật liệu, chậm quyết toán…

Qua nghiên cứu lý luận, thực trạng và tổng hợp kết quả khảo sát, nhóm tác giả đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế như sau:

Thứ nhất, các quy định về quản lý ĐTC vẫn còn chồng chéo, thường xuyên thay đổi, thủ tục rườm rà gây khó khăn trong công tác quản lý điều hành và thực thi.

Thứ hai, môi trường đầu tư chưa hấp dẫn, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI vẫn còn rất ít. Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất. Thị trường tiêu thụ nông sản thiếu bền vững, chuỗi liên kết chưa chặt chẽ.

Thứ ba, vốn đầu tư còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Cùng với đó là việc đầu tư còn dàn trải, vẫn còn xảy ra tình trạng sai sót trong quản lý, lãng phí.

Thứ tư, công tác quy hoạch hạ tầng cho các vùng sản xuất nông nghiệp chưa đầy đủ, thiếu sự liên kết vùng; quy hoạch và kế hoạch phát triển chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Thứ năm, công tác lập, phân bổ vốn, giải ngân không đạt yêu cầu, chậm thu hồi vốn ứng trước, ngoài ra còn một số dự án ĐTC không giải ngân hết nhưng chưa kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền xử lý, dẫn đến gây lãng phí trong việc sử dụng vốn đầu tư công.

Thứ sáu, công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế bất cập, tỷ lệ dự án được kiểm tra, kiểm toán còn thấp. Một số chủ đầu tư chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về công khai minh bạch, chế độ báo cáo giám sát, đánh giá chưa đầy đủ.

Thứ bảy, nguồn nhân lực và trình độ phát triển, ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế.

Bên cạnh các nguyên nhân trên, còn có các nguyên nhân khác dẫn đến những tồn tại, hạn chế là do nằm ở vị trí giáp biển và ở hạ lưu sông Mê Kông, Trà Vinh là một trong 10 tỉnh bị ảnh hưởng nặng của hiện tượng nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, khí hậu thay đổi gây ra nhiều dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, từ đó làm tăng nguy cơ phát sinh những loại dịch bệnh có khả năng lây truyền từ vật nuôi sang con người. Việc xả nước thải từ các nhà máy, khu công nghiệp chưa được xử lý vào sông, rạch cũng là nguồn gây ô nhiễm.

Giải pháp thúc đẩy đầu tư công vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

Trên cơ sở phân tích thực trạng đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp tại Trà Vinh thời gian qua, căn cứ mục tiêu và định hướng phát triển nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả, phát triển ĐTC trong lĩnh vực nông nghiệp, nhóm tác giả tiến hành đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tập trung nguồn lực (nhân lực, khoa học công nghệ, tài nguyên thiên nhiên, vốn đầu tư…) để phát triển kinh tế nông nghiệp, bao gồm việc nâng cao nhận thức vai trò phát triển nông nghiệp bền vững để từ đó đưa ra những định hướng, chính sách phát triển đúng đắn.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, rà soát đánh giá toàn diện những bất cập trong các quy định pháp luật có liên quan đến lĩnh vực ĐTC; Tiếp tục hoàn thiện các quy định của Luật Ngân sách theo hướng tăng tỷ lệ chi đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các địa phương; Ưu tiên nguồn vốn tín dụng để hỗ trợ ưu đãi đầu tư; Hoàn thiện chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng, khai thác tài nguyên khoáng sản.

Thứ ba, hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch ĐTC trong nông nghiệp. Quy hoạch cần cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới hội nhập của đất nước, của Tỉnh; Hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất để khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai. Việc lập kế hoạch chi đầu tư xây dựng cơ bản cho nông nghiệp cần phải căn cứ vào điều kiện, đặc điểm tự nhiên, tài nguyên, kinh tế, xã hội, văn hóa nhằm xác định những lợi thế, so sánh thế mạnh của địa phương trong quá trình phát triển.

Thứ tư, tăng cường thu hút đầu tư để phát triển nông nghiệp. Cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI phát triển; Đẩy mạnh cải cách hành chính thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục, nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng; Thường xuyên rà soát, kiểm tra, đánh giá các thủ tục hiện có, cắt giảm những thủ tục hành chính, rườm rà không cần thiết.

Thứ năm, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động ĐTC trong nông nghiệp. Công tác thanh tra, kiểm toán phải được thực hiện một cách thường xuyên kết hợp với tuyên truyền, giải thích pháp luật để ngăn ngừa những vi phạm, kịp thời đề xuất những cơ chế chính sách không còn phù hợp; Rà soát, kiểm tra, giám sát đánh giá kế hoạch vốn hàng năm để điều chỉnh kịp thời; Thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên, vật liệu xây dựng; Phát huy vai trò của kiểm tra, giám sát cộng đồng, thực hiện tốt cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Thứ sáu, tăng cường công khai minh bạch, quán triệt đến các tổ chức, cá nhân cần tuân thủ các quy định của pháp luật, lấy kết quả công khai làm tiêu chí, thước đo để phân bổ ngân sách; Tiếp tục rà soát các chỉ tiêu công khai để kịp thời kiến nghị điều chỉnh phù hợp với thực tế; Triển khai và tăng cường hoạt động đấu thầu, mua sắm công qua mạng, công khai các kế hoạch, kết quả thanh tra, kiểm toán, quyết toán; Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch các dự án đầu tư và quy hoạch phát triển, nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2019), Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14;

2. Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh (2021), “Niên giám Thống kê tỉnh Trà Vinh năm 2020”, NXB Thống kê;
Sở Tài chính Trà Vinh (2027, 2018, 2019, 2020, 2021), Báo cáo tình hình quyết toán dự án hoàn thành năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020;

3. UBND tỉnh Trà Vinh (2020), Báo cáo số 325/BC-UBND ngày 17/11/2020 “Về tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020”;

4. UBND tỉnh Trà Vinh (2020), Báo cáo số 372/BC-UBND ngày 14/12/2020 “Tình hình thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016 – 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 – 2025”.

* Nguyễn Hải Đăng, Sở Tài chính tỉnh Trà Vinh, * PGS.,TS. Bùi Văn Trịnh, Trường Đại học Cửu Long

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 12/2021