Thành phố thông minh: Tiềm năng lớn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Theo Ngọc Quỳnh/congthuong.vn

Đại dịch COVID-19 bùng phát là một nhân tố đã khiến cho chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, xu hướng chuyển dịch sang thành phố thông minh (SmartCity) cũng được quan tâm nhiều hơn, thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư, các start-up khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ nhắm đến.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chia sẻ về xu hướng phát triển thành phố thông minh, bà Lê Hàn Tuệ Lâm - Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Nextrans - nhận xét: Đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến các quốc gia, trong đó có Việt Nam, chuyển đổi số nhanh hơn, dịch chuyển mạnh sang giao dịch không chạm; thu thập và tích hợp dữ liệu tập trung phục vụ xử lý các vấn đề thách thức đặt ra; tăng tốc kết nối trực tuyến... Đó là các yếu tố then chốt của các giải pháp sáng tạo dành cho thành phố thông minh, góp phần giải quyết các thách thức về quản trị cũng như xử lý các vấn đề phát triển đô thị đặt ra để đạt được các mục tiêu.

Bà Lâm cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đang rất kỳ vọng ở thị trường Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ bất động sản, thành phố thông minh. Bằng chứng là trong đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn tiếp nhận được một lượng vốn đầu tư nước ngoài đáng kể từ các quỹ đầu tư đổ vào lĩnh vực công nghệ bất động sản. Dự báo, sau đại dịch COVID-19, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều khoản đầu tư nước ngoài vào các giải pháp cho thành phố thông minh, bao gồm đầu tư vào các start-up khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Câu lạc bộ Đầu tư công nghệ số, nhận định: làn sóng đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam thời gian qua tập trung nhiều vào Fintech và đã khẳng định được vị thế. Tuy nhiên, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng đang có xu hướng chuyển dịch sang lĩnh vực thành phố thông minh, với các giải pháp công nghệ được phát triển và đầu tư rất lớn. Ông Thắng dự báo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với thành phố thông minh, sẽ là một làn sóng khởi nghiệp mới tại Việt Nam tập trung vào các giải pháp công nghệ Blochain, AI, Bigdata, Fintech, IoT, NFT trong thời gian tới.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ - cho biết: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang phát triển sôi động tại Việt Nam ở mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội và đối tượng. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ, ban hành các hành lang pháp lý thông thoáng, cởi mở để kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chính phủ cũng đã và đang định hướng và thúc đẩy mạnh mẽ phát triển thành phố thông minh cùng với chuyển đổi số quốc gia. Đây là cơ hội rất lớn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ, đặc biệt là các giải pháp công nghệ số giải quyết các vấn đề thách thức của đô thị.

Tuy nhiên, theo bà Lê Hàn Tuệ Lâm, AI (trí tuệ nhân tạo) là một xu hướng không thể thiếu trong hình thành và phát triển các thành phố thông minh. Tại Việt Nam, AI đã có nhiều công ty và nhóm nghiên cứu thực hiện, song các giải pháp đưa ra để thương mại hóa thì vẫn chưa đạt tầm khu vực và thế giới, mới chỉ áp dụng trong một phạm vi nhất định. Việt Nam cần có sơ sở nền tảng hạ tầng công nghệ, dữ liệu tốt cho thành phố thông minh, trong đó tốc độ truy cập sẽ đóng vai trò rất quan trọng.

Ông Nguyễn Đình Thắng cho rằng, để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với thành phố thông minh nói riêng, Chính phủ cần có các hành lang pháp lý thuận lợi, mở đường cho các lĩnh vực sáng tạo mới đi vào thực tiễn. Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành có liên quan, cần xây dựng và trình Chính phủ ban hành các hành lang pháp lý thử nghiệm cho các sản phẩm đối mới, sáng tạo ứng dụng vào thực tiễn.

Đối với các start-up và các tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Trần Văn Tùng, đề nghị: Cần tận dụng các cơ hội tiếp cận, giao lưu và tham gia vào các sự kiện khởi nghiệp trên thế giới cũng như trong khu vực, nhất là các sự kiện tại các trung tâm lớn về khởi nghiệp sáng tạo công nghệ trên thế giới, qua đó quảng bá vị thế, khẳng định năng lực, đồng thời giới thiệu hình ảnh của Việt Nam để thu hút các start-up nước ngoài đến Việt Nam khởi nghiệp, đầu tư, góp phần hoàn thiện hơn hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam phát triển mang tầm khu vực và thế giới.

Ông Dương Công Đức - Giám đốc Trung tâm Đô thị thông minh thuộc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel - cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 100 đô thị có nhu cầu giải quyết các vấn đề thách thức trong quá trình đô thị hóa. Công nghệ có thể hỗ trợ giải quyết được rất nhiều vấn đề cho quản trị đô thị. Nhưng theo ông Đức, sẽ không có một doanh nghiệp công nghệ nào có đủ năng lực đáp ứng được toàn diện các nhu cầu của thành phố thông minh.

Đây là mảnh đất có tiềm năng vô tận cho các doanh nghiệp lớn cũng như các start-up công nghệ khai thác. Ông Đức khuyến nghị, các start-up cần hợp tác với các doanh nghiệp lớn để cùng nhau góp phần giải quyết bài toán thách thức về giải pháp công nghệ thành phố thông minh đặt ra, đây cũng là hướng đi để start-up có nhiều cơ hội thành công hơn do tận dụng được sức mạnh cộng hưởng từ các doanh nghiệp lớn.