Thúc đẩy dòng vốn đầu tư tư nhân trở thành động lực chính cho phát triển kinh tế
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để thúc đẩy phát triển kinh tế, cần có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách đột phá nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, trở thành động lực chính cho phát triển kinh tễ - xã hội.
Khai thông mọi nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp
Tham gia thảo luận tại phiên họp chiều ngày 1/11, đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Đại biểu, trên thực tế, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ nhiều yếu tố cả bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế. Do đó, Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các nút thắt điểm nghẽn, khai thông mọi nguồn lực, dòng vốn trong nền kinh tế.
Trong đó, cần quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp hiện nay, nhất là vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các biện pháp kích cầu thương mại và du lịch, cải thiện mạnh mẽ thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục xử lý tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc bảo đảm ổn định và sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ, bất động sản, xuất nhập khẩu. Đồng thời, có các chính sách có tính đột phá tích cực, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn nhằm phát huy vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong động lực phát triển của các nguồn lực, các lĩnh vực mà khu vực nhà nước không làm hoặc không làm được.
Trong lĩnh vực đầu tư, đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị ưu tiên tập trung nguồn lực tài chính quốc gia và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, nhất là hợp tác công tư của nền kinh tế, nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược quan trọng quốc gia, hạ toàn giao thông liên vùng, hạ tầng đô thị, hạ tầng năng lượng xanh, hạ tầng số. Cùng với đó, triển khai nhanh và hiệu quả quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, để tạo tác động lan tỏa, tạo động lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Cũng đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ, đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đánh giá, năm 2023, Chính phủ đã giải quyết nhanh chóng, kịp thời nhiều vấn đề, vụ việc cụ thể, tháo gỡ, khơi thông nhiều điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đứng trước những khó khăn, thách thức lớn.
Để thúc đẩy tăng trưởng, Đại biểu đề nghị Chính phủ ưu tiên các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2023, đặc biệt là những tháng cuối năm 2023. Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: giảm thuế, tăng cho vay tiêu dùng, giãn, khoanh nợ, tăng hỗ trợ an sinh xã hội, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, giảm học phí, viện phí, đẩy mạnh sức mua trong nước và thực hiện có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước...
Thúc đẩy tăng trưởng của dòng vốn đầu tư tư nhân
Nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng, để đẩy mạnh quá trình phục hồi, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, cần xây dựng các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng của dòng vốn đầu tư tư nhân để trở thành động lực chính phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Đại biểu, trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước. Quy mô của vốn đầu tư tư nhân liên tục mở rộng, chiếm khoảng 55-60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm và đã trở thành một nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, kể từ năm 2020 đến nay, tốc độ tăng trưởng của nguồn lực đầu tư này đã giảm tốc mạnh. Số liệu 9 tháng đầu năm 2023 cho thấy, vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước chỉ tăng 2,3%, trong khi trước đại dịch COVID-19 tốc độ tăng trưởng này đạt bình quân 13,4%.
Do vậy, Đại biểu cho rằng, việc xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng của dòng vốn đầu tư tư nhân là rất cấp thiết. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn một số giải pháp để thúc đẩy giải phóng, huy động nguồn lực quan trọng này cho quá trình phát triển đất nước.
Theo đó, cần quyết liệt thực hiện thành công các cơ chế chính sách tài khóa, tiền tệ và nhiều chính sách khác mà Quốc hội và Chính phủ đã ban hành thời gian qua để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển. Đồng thời, nâng cao niềm tin nhà đầu tư vào các thị trường tài chính, đa dạng dòng vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bên cạnh kênh dẫn vốn truyền thống là tín dụng ngân hàng.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị các bộ, ngành và địa phương cần chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm chủ lực trên địa bàn, kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu, như tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch thiết thực, hiệu quả hơn.
Cũng đề cập đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thực chất, ổn định lâu dài thông qua các giải pháp kích thích, tiêu thụ hàng hóa nội địa, các giải pháp về tài khóa như kéo dài thời gian giảm 2% thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ giảm các loại phí, lệ phí.
Song hành với đó là nghiên cứu hạ lãi suất trên cơ sở ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, kiềm chế lạm phát và giữ ổn định tỷ giá, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được tham gia vào các dự án đầu tư công và phát triển nhà ở xã hội để huy động được đa dạng nguồn lực xã hội vào sự nghiệp phát triển kinh tế.