Giải quyết tình trạng "có tiền mà không tiêu được" để tạo bứt phá
Trao đổi về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội đánh giá đây là quyết sách đúng đắn, kịp thời trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Các đại biểu cho rằng cần có các giải pháp để đẩy nhanh triển khai các nội dung của Chương trình, tránh tình trạng "có tiền mà không tiêu được" để tạo bứt phá, gắn với cải cách thể chế, số hóa nền kinh tế.
Kéo dài giải ngân Chương trình phục hồi kinh tế đến hết năm 2024
Trao đổi về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất việc đề nghị Quốc hội kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư phát triển bố trí cho các dự án đầu tư của Chương trình đến hết năm 2024.
Đại biểu cho rằng, nếu giải ngân tốt các nội dung của Chương trình thì sẽ có tác dụng rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế của Đất nước. Tuy nhiên, hiện việc giải ngân vốn của Chương trình còn khá chậm, đến ngày 30/9 mới đạt 28,9% kế hoạch vốn được giao.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hỗ trợ kinh doanh lãi suất 2 %/năm tối đa 40.000 tỷ đồng, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách này. Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm trong việc triển khai kết quả thực hiện còn hạn chế.
Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp và việc làm cho người lao động, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho biết, bình quân tháng có 15.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong khi số doanh nghiệp mới thành lập có số có xu hướng giảm cả về số vốn đăng ký lẫn lao động. Số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng cục bộ, lao động khu vực phi chính thức còn lớn, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên theo báo cáo của Chính phủ còn khá cao. Do đó, Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá sát tình hình, có giải pháp chấn chỉnh cũng như hỗ trợ doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động hiệu quả hơn.
Cũng trao đổi liên quan đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 là một quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong điều kiện kinh tế - xã hội của Đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Nghị quyết này được ban hành tại kỳ họp bất thường với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã giúp cho việc phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, đưa nước ta ra khỏi giai đoạn khó khăn, được cử tri, Nhân dân đánh giá cao và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cũng đã nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm để triển khai thực hiện Nghị quyết về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh kết quả đạt được, Đại biểu chỉ rõ, đến nay vẫn còn một số nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết dự kiến đến hết thời gian thực hiện không đạt hoặc là đạt, hiệu quả chưa cao. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết và có biện pháp đẩy nhanh thực hiện các nội dung Nghị quyết.
Quan trọng là cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục
Để phục hồi, phát triển kinh tế, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, điều quan trọng là cải cách thể chế, “thể chế tốt thì khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền”, Đại biểu nêu.
Vì vậy, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, khắc phục những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập. Đồng thời, cần nghiên cứu và đặt ra tần suất, phạm vi các cuộc thanh tra, kiểm tra để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có thể yên tâm tập trung nỗ lực để giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Đại biểu cũng kiến nghị bổ sung ngay chế tài kinh tế phù hợp để xử lý các vi phạm và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Đồng thời, phải triển khai thiết thực, tận tâm các biện pháp bảo vệ cán bộ và cả các doanh nhân dám nghĩ đang làm vì lợi ích chung, trong đó cần luật hóa qua các quy định về vấn đề này.
Trong thời điểm khủng hoảng thì giải pháp kinh điển trực diện có thể phát huy hiệu quả trực tiếp, nhanh nhất là bơm tiền vào nền kinh tế. Do đó, Đại biểu cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay là giải quyết vướng mắc "có tiền mà không tiêu được" để tạo sự bứt phá.
Cùng hiến kế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để đạt được những mục tiêu đề ra, Việt Nam cần tham gia tích cực và sâu rộng vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, phải xây dựng xã hội số, kinh tế số, Chính phủ số, tránh bẫy thu nhập trung bình và nợ công, thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ, thoát khỏi mô hình chủ yếu xuất khẩu tài nguyên, lao động gia công giá rẻ. Trước hết là hoàn thiện về thể chế, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, "việc này cũng quan trọng không kém các nỗ lực số hóa nền kinh tế", Đại biểu nhận định.