Thúc đẩy giải ngân đầu tư công những tháng cuối năm

Theo Ngọc Diệp/nhandan.vn

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Do đó, đầu tư công chính là “vốn mồi” thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 đạt 95-100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ giải ngân tám tháng chỉ đạt 39,15% kế hoạch và vẫn chưa có chuyển biến đáng kể, thậm chí tiến độ còn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều dự án chậm tiến độ do vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Ảnh: Bắc Sơn
Nhiều dự án chậm tiến độ do vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Ảnh: Bắc Sơn

Tiến độ giải ngân “ì ạch”

Báo cáo mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/8/2022 đạt 39,15% kế hoạch, thấp hơn so cùng kỳ năm 2021 (40,6%). Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, với tổng số vốn giải ngân năm 2022 hơn 500.000 tỷ đồng mà tiến độ như hiện nay thì khó mà về đích…

Theo Bộ KH&ĐT, một số chính sách, giải pháp chậm triển khai, phần nào làm giảm hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế. Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân tồn tại đã lâu như: Vướng mắc, chồng chéo trong quy định pháp luật chuyên ngành về đất đai, xây dựng, NSNN, môi trường,... công tác chuẩn bị dự án chưa tốt, dự án phải điều chỉnh nhiều lần, thủ tục mất nhiều thời gian, công tác quản lý dự án còn nhiều bất cập.

Cụ thể, về lĩnh vực đất đai, việc xác định phân loại đất, theo bộ này, nguyên tắc sử dụng đất giữa các luật còn chưa thống nhất. Một số quy định về đất đai chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo, quy trình thủ tục pháp lý của công tác thu hồi đất một số nơi chưa chặt chẽ, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện của người dân.

Với lĩnh vực NSNN và công sản, có một số vướng mắc liên quan chuyển giao tài sản công và sử dụng ngân sách. Lĩnh vực xây dựng, đấu thầu, đầu tư công gặp vướng mắc về chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, tách giai đoạn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập,…

Đề xuất hai nhóm giải pháp

Trước thực tế đó, Bộ KH&ĐT đề xuất hai nhóm giải pháp triển khai kế hoạch đầu tư công những tháng còn lại của năm 2022.

Một là, rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách. Trong nhóm giải pháp này, Nghị quyết phân công cụ thể trách nhiệm của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong rà soát các quy định pháp luật.

Theo đó, yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, người đứng đầu các cơ quan trực tiếp phụ trách và chịu trách nhiệm rà soát các quy định hiện hành về đầu tư công, chỉ ra những quy định bất cập trong thực tiễn triển khai.

Trên cơ sở đó, sửa đổi, bổ sung ngay những quy định thuộc thẩm quyền, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đối với những vấn đề vượt thẩm quyền; trong đó khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan triển khai các dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gửi Bộ KH&ĐT trong tháng 9/2022 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải rà soát các quy định pháp luật liên quan hoạt động đầu tư công để kịp thời sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đơn giản hóa thủ tục, quy trình nhưng vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả.

Hai là, tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong nhóm giải pháp này, Nghị quyết phân công cụ thể trách nhiệm của từng bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai quyết liệt giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong phạm vi được giao quản lý.

Trong đó lưu ý, căn cứ tình hình thực tế giải ngân, trường hợp dự kiến giải ngân không hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao hoặc có nhu cầu bổ sung vốn, có văn bản đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp chung.

Đối với các nhiệm vụ, dự án được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn sau khi có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trường hợp cần bổ sung kế hoạch vốn năm 2022 để thực hiện các dự án ngay trong năm, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có văn bản đề xuất, gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính trước ngày 15/9/2022 để tổng hợp chung.

Hoàn thành việc phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 cho ba chương trình mục tiêu quốc gia chậm nhất đến hết ngày 15/9/2022. Còn UBND các tỉnh, thành phố phải cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng bảo đảm theo quy định làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án. Kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc từng khẳng định: “Tiến độ giải ngân vốn nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào cách làm của lãnh đạo các địa phương, cũng như vai trò của chủ đầu tư, ban quản lý các dự án… điều này cũng đã thể hiện phần nào năng lực lãnh đạo và trách nhiệm từ địa phương”.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, cần xử lý nghiêm người đứng đầu. Bởi lẽ, vấn đề xử lý trách nhiệm người đứng đầu dù được đề cập nhiều lần, tuy nhiên đến nay chưa có trường hợp nào bị xử lý. “Cần phải quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công để làm cơ sở xử lý khi không hoàn thành nhiệm vụ”, ông Doanh nói.

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng khẳng định, vẫn có hiện tượng “sợ trách nhiệm”, làm giảm hiệu quả của giải ngân đầu tư công. Sợ trách nhiệm ở đây cũng xuất phát từ những bất cập trong cách giao việc cho từng cá nhân, địa phương. “Bởi vậy, tôi cho rằng, cần quyết liệt hơn khi năm nay mục tiêu giải ngân không chỉ là cao hơn năm trước, mà còn phải hướng tới hoàn thành 100% kế hoạch đã đặt ra”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.