Thúc đẩy hợp tác PPP mở đường cho nông sản Việt

Theo Lê Xuân/baodauthau.vn

Xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng đầu năm 2018 đạt 22,2 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là kết quả tăng trưởng rất ấn tượng, song theo nhiều chuyên gia, Việt Nam có thể làm tốt hơn thế rất nhiều nếu như có chuỗi liên kết, hợp tác theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong từng ngành hàng.

Địa phương cần tham gia chặt chẽ hơn, hỗ trợ người nông dân cam kết phát triển bền vững cùng doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi
Địa phương cần tham gia chặt chẽ hơn, hỗ trợ người nông dân cam kết phát triển bền vững cùng doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi

Thành công bước đầu từ mô hình PPP

Liên kết chuỗi giá trị toàn cầu, hợp tác theo hình thức PPP trong lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh không phải là câu chuyện mới. Từ năm 2009, ngành nông nghiệp đã thành lập một số nhóm công tác ngành hàng theo hình thức PPP như chè, hồ tiêu, thủy sản, rau quả, hóa chất nông nghiệp...

Theo bà Lê Thị Hoài Thương - Trưởng phòng Quan hệ đối ngoại Công ty Nestlé, đại diện Ban Điều phối ngành hàng cà phê (do Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Công ty Nestlé đồng chủ trì), tính đến hết năm 2017, có trên 80.000 nông hộ đã tham gia dự án PPP thí điểm với khoảng 97.000 ha...

Mặc dù ra đời muộn (thành lập năm 2017), nhưng đến nay, Nhóm công tác PPP ngành hàng gạo đã thực hiện thí điểm 1 dự án PPP tại Đồng bằng sông Hồng và 3 dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long, quy mô 1.000 ha/dự án với sự dẫn dắt của Công ty Bayer Việt Nam, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cơ khí công nông nghiệp, Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình.

Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, với đà tăng trưởng này, mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD trong năm nay là có thể đạt được. Năm 2019 phấn đấu đạt 41 - 42 tỷ USD. Trong dài hạn, chúng ta hướng tới mục tiêu 50 tỷ USD. 

Cần sự vào cuộc rốt ráo của khu vực công

Đa số DN đang thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư, mở rộng vùng liên kết, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu ổn định, khai thác những thị trường tiềm năng.
Bàn về những thách thức của nông sản Việt, theo Ban Thư ký Đối tác phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV), các dự án PPP tại các địa phương hiện nay vẫn chủ yếu có quy mô nhỏ, chưa có sự phối hợp nhiều công ty cùng thực hiện dự án. Nhiều nhóm ngành hiện chưa xây dựng được chiến lược phát triển nhằm giải quyết vấn đề chung của ngành hàng. Việc thiếu ngân sách cho các hoạt động thường niên, hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm công tác, cũng như chưa xây dựng được kế hoạch dài hạn... dẫn đến hiệu quả hoạt động của các nhóm chưa cao. Sự tham gia vào chuỗi liên kết, nhóm ngành hàng của các doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn còn ít, gần như còn hoạt động riêng lẻ như Central Group, Đồng Giao, Tập đoàn TH, Lavifood, FineFruit... Đa số DN đang thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư, mở rộng vùng liên kết, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu ổn định, khai thác những thị trường tiềm năng. Cơ chế liên kết giữa DN với nông dân còn lỏng lẻo.

Chẳng hạn như mô hình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong trồng khoai tây tưới nước phun sương tại Hải Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội và Lâm Đồng. Mặc dù năng suất tăng từ 7 - 8 tấn/ha năm 2007 lên 22 tấn/ha năm 2017, diện tích dự án từ 55 ha năm 2010 lên 455 ha năm 2017 với 580 hộ được PepsiCo hỗ trợ..., nhưng số lượng thành viên tham gia nhóm liên kết này còn ở quy mô nhỏ, mới chỉ tập trung ở khoai tây, ngô mà chưa mở rộng ra các ngành hàng khác, tỉnh, thành khác và các công ty khác. Trong khi đó, ngành rau quả rất có tiềm năng phát triển với giá trị xuất khẩu không ngừng tăng nhanh.

Khẳng định lực lượng chủ lực là DN, tuy nhiên, ông Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, chỉ một mình DN thì không kham nổi, mà cần có sự vào cuộc rốt ráo hơn của khu vực công, từ cấp bộ cho tới địa phương. Khu vực công cần tăng cường phối hợp tổ chức các buổi đối thoại hợp tác PPP, vận động chính sách, liên kết các nhà tài trợ giúp đơn giản hóa quá trình thực hiện, hỗ trợ kỹ thuật, cách thức thực hiện hiệu quả, làm cầu nối giữa các bên. Địa phương cần tham gia chặt chẽ hơn, hỗ trợ người nông dân cam kết phát triển bền vững cùng DN, tránh tình trạng nông dân bỏ DN, bán sản phẩm cho thương lái khi giá lên cao; không phá bỏ cây trồng, vật nuôi khi giá rẻ...

Để đầu tư một hệ thống sản xuất chế biến đã rất khó khăn, tốn kém, nếu đầu vào không ổn định thì DN không thể yên tâm sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cần nhân rộng các mô hình ứng dụng các phần mềm công nghệ như tra cứu thuốc bảo vệ thực vật, cơ sở dữ liệu nhận diện và giám sát vùng trồng bền vững, công cụ thu thập thông tin về mã số, giám sát vùng trồng, công nghệ tưới chính xác kết hợp với bón phân, truy xuất nguồn gốc...