Thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam

ThS. Dương Thị Trang - Đại học Tài chính - Quản trị Kinh doanh

Hơn 30 năm qua, nguồn vốn FDI vào Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu lớn, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều bất cập tồn tại. Dòng vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng quốc gia. Bài viết nhằm khái quát tình hình thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời gian qua. Đồng thời chỉ ra những khó khăn, hạn chế còn tồn tại trong thực tế để đưa ra các giải pháp tăng cường thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đặt vấn đề
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, cùng với diện tích đất bị thu hẹp do đô thị hóa, do biến đổi khí hậu, sức cạnh tranh chất lượng hàng nông - lâm - thủy sản ngày càng quyết liệt, vấn đề thực phẩm “bẩn” đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Đó quả là những thách thức, sức ép rất lớn với nông nghiệp Việt Nam. Nếu cứ sản xuất manh mún, không đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi... và không phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì nông nghiệp nước ta không tăng trưởng mà còn thụt lùi xa hơn nữa với khu vực và thế giới. 
Thực trạng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vấn đề thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao
Thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam hiện nay
- Sự phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao:
Cùng với sự phát triển của kinh tế và khoa học, khả năng tài chính tốt hơn, nhận thức về nông nghiệp công nghệ cao tăng lên; đặc biệt là trong bối cảnh cảnh báo trầm trọng trong vấn đề an toàn thực phẩm tăng lên, việc đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao thực sự trở thành vấn đề được quan tâm.
Hiện nay, cả nước có 29 Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quy hoạch ở 12 tỉnh, thành phố, trong đó có 7 khu đã đi vào hoạt động.
Tiêu biểu như Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên, huyện Phổ Yên, Phú Bình Thái Nguyên với diện tích là 300 ha; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng; Huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng với diện tích là 221 ha; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên với diện tích là 460 ha; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lào Cai (huyện Sapa, tỉnh Lào Cai) với diện tích là 200 ha.
Lĩnh vực chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay là 35 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp đã ứng dụng các công nghệ hiện đại thay cho cách làm truyền thống. Như việc áp dụng công nghệ điện toán đám mây trong việc chăm sóc và quản lý cây trồng; sử dụng công nghệ hiện đại để vận hành, quản lý các trang trại chăn nuôi; quản lý dữ liệu điện toán đám mây trong việc sản xuất và chế biến tôm.
Điển hình là: Trang trại bò sữa TH. Hiện nay Trang trại bò sữa TH ở Nghệ An đã có khoảng hơn 45.000 con và sử dụng công nghệ hiện đại để vận hành, quản trị trang trại; Tập đoàn Minh Phú đã sử dụng dữ liệu “đám mây” để sản xuất và chế biến tôm; Mô hình trồng hoa nhà kính ở Lâm Đồng…
Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cho biết: KH-CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích bắp, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều trồng mới, sử dụng giống của Việt Nam.
Năng suất một số vật nuôi, cây trồng đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới: Lúa đứng đầu ASEAN; cá tra, hồ tiêu đứng đầu thế giới; cà phê, cao su đứng thứ 2 thế giới… Tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp cũng được đẩy mạnh. Số lượng máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp tăng 1,5% - 2% so với năm 2016. 
- Vốn đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao:
Nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao có được từ: Các cá nhân, doanh nghiệp trong nước và vốn đầu tư nước ngoài (chủ yếu FDI) và một phần ưu đãi hỗ trợ từ Chính phủ. Cụ thể:
+ Vốn từ các cá nhân và doanh nghiệp tư nhân trong nước: 
Các doanh nghiệp lớn đã và tuyên bố sẽ đầu tư vào nông nghiệp như Vingroup, TH True Milk, Hòa Phát, Trường Hải Auto, FPT, Công ty Elcom, Vinaseed, Thaco, Mía đường Lam Sơn,... và mới nhất là Công ty CP Thế giới di động đầu tư vào hệ thống Bách hóa xanh. Nổi bật là Vingroup với thương hiệu Vineco triển khai mô hình liên hết với 1000 hợp tác xã và hộ nông dân từ năm 2016.
Hoàng Anh Gia Lai với kế hoạch đến năm 2018 dành 20.000 ha trồng cây ăn quả, lượng bò thịt là trên 100.000 con và bò sữa là 20.000 con. PAN Group với các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đi hơn 20 quốc gia trên thế giới và đang tiếp tục đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng vào nông nghiệp thông qua các thương vụ M&A.
NutiFood cũng mới đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2017 để phát triển cà phê tại Đắc lắc. Công ty Lộc Trời với chuỗi giá trị nông nghiệp từ giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm dinh dưỡng hữu cơ sinh học, sản phẩm gạo, đóng gói bao bì tạo ra một vòng đời khép kín cho sản phẩm.
Mới đây, Lộc Trời đã kí kết đầu tư 7.800 tỷ đồng vận hành chuỗi khép kín trên diện tích đất 2.000 ha tại Thái Bình. Bên cạnh các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã và đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, Theo số liệu điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2017, cả nước có 1% tổng số doanh nghiệp đầu tư và nông nghiệp với số vốn chỉ chiếm khoảng gần 3% tổng số vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh.
+ Vốn từ nước ngoài:
Xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế là giúp đẩy nhanh dòng lưu chuyển vốn trên thế giới, đặc biệt là dòng vốn FDI. Với lợi thế về nguồn vốn, về khoa học và công nghệ cũng như kinh nghiệm và trình độ quản lý, dòng vốn FDI được kỳ vọng giúp các nền kinh tế phát triển hơn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Ở nước ta, dòng vốn FDI đã tạo được những chuyển biến mạnh mẽ trong nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dòng vốn FDI vào khu vực nông nghiệp ở nước ta còn rất hạn chế.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 2/2018, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp là 3,5 triệu USD với 514 dự án. Nếu so với tổng vốn đầu tư lũy kế vào ngành Nông nghiệp thì số vốn này chỉ chiếm khoảng 1%. Nguồn vốn này chủ yếu đến từ Nhật Bản.
- Chính sách thúc đẩy đầu tư phát triển nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao:
+ Chính sách hỗ trợ tín dụng
Nghị quyết số 30/2017/NQ - CP của Chính phủ ngày 7/3/2017, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp, thấp hơn từ 0,5 - 1,5% so với lãi suất thị trường.
Với sự hỗ trợ này, các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng cao sẽ được hưởng các ưu đãi để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao
+ Chính sách về đất đai
Chính phủ dự kiến sửa Luật Đất đai 2013 như kiến nghị của các địa phương, yêu cầu quy hoạch sử dụng đất ở các địa phương theo hướng mở rộng hạn điền, quy hoạch các điều kiện để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao như chế độ nước tưới, kênh mương, hỗ trợ hạ tầng…, giảm thủ tục rườm rà.
+ Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp
Chính phủ Ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP Về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo Nghị định số57/2018/NĐ-CPcủa Chính phủ, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ được hưởng nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước.
Theo quy định, các doanh nghiệp thuộc đối tượng ưu đãi sẽ được ưu đãi và hỗ trợ thông qua việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; hỗ trợ tập trung đất đai, tiếp cận hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, hỗ trợ đầu tư cơ sở. 
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Nghị quyết số 19/2018-NQ-CP ngày 15/5/2018 về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.
Theo tinh thần của Nghị quyết: Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.
Tình hình thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp
Năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 19 ngành, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 15,87 tỷ USD; chiếm 44,2% tổng vốn đăng ký.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với 8,37 tỷ USD; chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 3,05 tỷ USD; chiếm 8,5% tổng vốn đăng ký. Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đứng thứ 13 với 0,163 tỷ USD chiếm 0,49%.
Theo đối tác, có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản đứng thứ nhất với tổng vốn đầu tư 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 8,49 tỷ USD, chiếm 23,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng thứ ba với tổng vốn đăng ký 5,3 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư.
Cơ cấu FDI vào lĩnh vực nông lâm thủy sản theo ngành phân bổ không đồng đều, các dự án FDI chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như chế biến gỗ và lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi. Những năm gần đây, các nhà đầu tư bắt đầu có sự chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vự trồng trọt, chế biến nông lâm thủy sản.
Các dự án về chế biến nông sản và thực phẩm đang vượt lên dẫn đầu về thu hút FDI trong nông nghiệp, tiếp đến là các dự án trồng rừng và chế biến lâm sản, sản xuất thức ăn chăn nuôi và lĩnh vực trồng trọt.
Cơ cấu FDI vào lĩnh vực nông lâm thủy sản theo địa phương: Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực nông lâm thủy sản chủ yếu ở phía Nam.
Tập trung hơn một nửa các dự án ở vùng đồng bằng Nam Bộ, tiếp theo là đồng bằng sông Cửu Long và vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Khu vực phía Bắc và miền Trung, hiện đang có sự thu hút FDI trong lĩnh vực này rất hạn chế.
Cơ cấu FDI vào lĩnh vực nông lâm thủy sản theo đối tác đầu tư: Tính đến thời điểm này, đã có hơn 50 quốc gia và cùng lãnh thổ đầu tư trong lĩnh vực nông lâm thủy sản của nước ta.
Các quốc gia dẫn đầu là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Koong, Malaysia. Nhật Bản là nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này, cho đến nay, đã có các dự án triển khai thành công trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp của Nhật Bản vào Việt Nam.
Công ty Công nghệ thông tin Fujctusu ký hợp tác triển khai dịch vụ đám mây Akisai hỗ trợ quản lý nông nghiệp của Việt Nam 2015-2016. 2/2015 ISE Food tới Hồ Chí Minh để chuyển giao chăn nuôi, giới thiệu công nghệ sản xuất và chế biến trứng của Việt Nam.
Đồng thời, Nhật Bản cũng đang triển khai một số dự án trồng hoa- rau sạch tại Lâm Đồng. Một số đối tác nước ngoài, có thế mạnh thực sự về ứng dụng khoa học kỹ thuật caotrong nông nghiệp như Hoa Kỳ, Úc vẫn còn e dè trong hoạt động đầu tư FDI vào Việt Nam trong lĩnh vực này.
Tình hình thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Vốn FDI công nghệ cao cho lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng cực kỳ thấp trong tổng FDI, chiếm khoảng 18% trong vốn FDI cho lĩnh vực nông nghiệp. Chính sách thu hút FDI chưa thực sự hướng được dòng vốn này vào lĩnh vực nông nghiệp.
Thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam - Ảnh 1
Các dự án FDI công nghệ cao cho lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu tập trung một số ngành: Trồng hoa, rau, chế biến nông sản. Các ngành khác, chưa có nhiều dự án công nghệ cao, như các ngành nghiên cứu sản xuất giống cây trồng, sản xuất thuốc thú y, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ.
Các dự án FDI cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chỉ mới tập trung ở một vài vùng miền có lợi thế. Ví dụ, dẫn đầu là tỉnh Lâm Đồng với rất nhiều doanh nghiệp và dự án nông nghiệp công nghệ cao. Lâm Đồng là địa phương đứng đầu cả nước thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hà Nam là địa phương mới nổi ở phía Bắc về thu hút FDI cho nông nghiệp công nghệ cao với 11 nhà đầu tư, tổng số vốn trên 33 triệu USD.
Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh đã và đang xuất hiện những dự án sản xuất nông nghiệp thông minh, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam - Ảnh 2
Nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế, chủ yếu đến từ Nhật Bản. Trong các đối tác đầu tư FDI vào Việt Nam, Nhật Bản là quốc gia có mức đầu tư lớn nhất và đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tính đến hết năm 2017, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 3.599 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 49,46 tỷ USD, xếp thứ 2 trong số các đối tác đầu tư vào Việt Nam, sau Hàn Quốc.
Riêng năm 2017, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 9 tỷ USD, chiếm 25% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Có khoảng 20 DN Nhật Bản đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam, trong đó có hơn 10 DN đầu tư ở tỉnh Lâm Đồng.
Nhiều DN Nhật Bản đã tìm cơ hội đầu tư vào nông nghiệp như: Mô hình rau nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng; Liên kết xuất khẩu xoài Cát Chu ở Đồng Tháp sang Nhật Bản; Tìm cơ hội đầu tư vào các dự án nông nghiệp công tại Vĩnh Phúc, phát triển đánh bắt và chế biến cá ngừ ở Bình Định, hay phát triển các mặt hàng nông sản Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tiềm năng phát triển nông nghiệp cao ở Việt Nam sẽ còn thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm và mạnh dạn đầu tư của các NĐT đến từ Nhật Bản trong thời gian tới.
Hạn chế trong thu hút đầu tư FDI vào nông nghiệp công nghệ cao
- Các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp như hỗ trợ cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực mới chỉ áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, chưa áp dụng đối với doanh nghiệp FDI nên các nhà đầu tư còn hạn chế trong việc đầu tư. 
- Xuất phát điểm thấp, trình độ nghiên cứu khoa học, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nghiên cứu, thử nghiệm còn thấp, đơn giản.
- Quy mô đất đai nông hộ nhỏ lẻ và manh mún, không có diện tích lớn. Tình trạng đó dẫn đến khó khăn cho việc áp dụng cơ giới hóa, đồng bộ khoa học kỹ thuật.
- Yếu tố con người chưa đáp ứng được với yêu cầu của nhà đầu tư. Các vấn đề về trình độ vận hành công nghệ, kỷ luật trong lao động cũng như tính chuyên nghiệp trong sản xuất chưa cao.
- Thủ tục hành chính hiện còn rườm rà, phức tạp và kết nối hộ nông dân với doanh nghiệp còn khó khăn.
Các giải pháp nhằm thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam trong thời gian tới
Thứ nhất, về vấn đề tích tụ và tập trung đất trong sản xuất nông nghiệp.
Nếu, vốn và vấn đề tiếp cận vốn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao là vấn đề khó khăn nhất mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đang hoạt động trong lĩnh vực này gặp phải, thì đối với nhà đầu tư nước ngoài vấn đề được quan tâm hơn cả là tích tụ đất đai, tập trung quỹ đất để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Áp dụng công nghệ cao cần gắn với quy mô đủ lớn, nhưng với quy định về hạn mức giao đất như hiện nay, diện tích sản xuất đất nông nghiệp vẫn lẻ tẻ, manh mún. Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm bị giới hạn là 3 ha với khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, 2 ha với các tỉnh thành khác.
Hạn mức nhận quyền sử dụng đất gấp 10 lần hạn mức giao đất. Điều này gây cản trở lớn trong quá trình tập trung và tích tụ đất đai. Đồng thời, quy trình thực hiện gặp không ít khó khăn từ người dân về các vấn đề thủ tục, tài chính và việc vận động người nông dân chuyển quyền sử dụng đất cho dự án, doanh nghiệp. Vì vậy, chúng ta cần:
- Đi đến bãi bỏ hoặc nới rộng hạn mức giao đất, hạn mức nhận quyền sử dụng đất trong nông nghiệp, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI có được “đất sạch” trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Trong quá trình triển khai tích tụ, tập trung đất đai, chính quyền địa phương cần nỗ lực, tích cực phát huy vai trò của mình để vận động người nông dân thấy được hiệu quả, chủ động hợp tác. Đồng thời, chính quyền địa phương đóng vai trò là cầu nối giữa người nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên trong quá trình tích tụ, tập trung đất đai.
Thứ hai, hỗ trợ chính sách với những ưu đãi rất lớn cho nhà đầu tư trong nông nghiệp.
Đề thu hút FDI, Việt Nam đang thực hiện rất nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi lớn như: Ưu đãi về tiền thuê đất 20% 5 năm đầu tiên trong xây dựng cơ bản, ưu đãi thuế suất như doanh nghiệp xuất khẩu cà phê được miễn thuế VAT xuất khẩu, miễn giảm thuế có thời hạn (tối đa 9 năm), cho phép chuyển lỗ trong vòng 5 năm, miễn đánh thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư.
Những ưu đãi này nhằm tăng tính hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khi Việt Nam gia nhập WTO, những hình thực trợ cấp trong nông nghiệp sẽ cần tiến tơi cắt giảm và xóa bỏ để phù hợp với các cam kết.
Với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ cao, dường như những ưu đãi trên là chưa đủ, bởi lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Vậy nên, bên cạnh chính sách về tích tụ và tập trung quỹ đất sạch, Nhà nước nên xem xét:
- Vận dụng tối đa các biện pháp được WTO cho phép để tăng cường thu hút FDI vào ngành Nông nghiệp: Tăng cường trợ cấp cho người dân đầu tư phát triển nguyên vật liệu trong nước bằng cách cho vay ưu đãi (trợ cấp đèn xanh); 
- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, lĩnh vực nghiên cứu phát triển R & D; 
- Đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao, các dự án nghiên cứu phát triển, công nghệ tiên tiến, hiện đại. Ưu tiên lựa chọn các dự án FDI vào nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường và bền vững.
Thứ ba, biện pháp giảm thiểu rủi ro đầu tư trong nông nghiệp.
Đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tiềm ẩn rủi ro rất lớn, trong khi các biện pháp đảm bảo đầu tư cho nhà đầu tư ở nước ta còn hạn chế. Vì vậy:
- Cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tham gia các thể chế quốc tế về đầu tư, đảm bảo đầu tư, ký kết các hiệp định bảo hộ đầu tư song phương, đa phương, nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
- Hoàn thiện và tăng cường thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền. Chúng ta cần có những chính sách biện pháp bảo hộ bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này giúp nhà đầu tư FDI cũng như các nhà đầu tư trong nước có cơ sở đế phát triển và cạnh tranh lành mạnh.
Thứ tư, xây dựng chuỗi giá trị cho nông nghiệp chú trọng đến vị trí và vai trò của người nông dân.
Xây dựng chuỗi giá trị cho nông nghiệp là vấn đề thiết yếu trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là yếu tố thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Để xây dựng chuỗi giá trị cho nông nghiệp hiệu quả, cần:
- Chú trọng đến vấn đề về thị trường và phát triển thị trường cho sản phẩm nông nghiệp cùng các biện pháp hỗ trợ đi kèm;
- Trong chuỗi giá trị cho nông nghiệp, cần hết sức quan tâm đến vị trí và vai trò của người nông dân.
Bởi lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam là rất lớn, người nông dân sẽ đứng ở đâu trong chuỗi giá trị nông nghiệp, người nông dân hiểu và thay đổi tư duy về cách làm nông nghiệp mới có thể phát triển được nông nghiệp bền vững.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ người nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khi yếu tố công nghệ làm giảm chi phí, lao động thì vấn đề về dư thừa lao động trong nông nghiệp cần được giải quyết.
Vì vậy, cần quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng lao động của người nông dân để có thể đáp ứng phù hợp với nông nghiệp công nghệ cao, cũng như là các ngành nghề khác khi thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp.
Thứ năm, các hoạt động xúc tiến thu hút FDI và xây dựng cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hoạt động xúc tiến đầu tư thu hút FDI cần được đẩy mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp 
- Tăng cường các hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao.
- Khảo sát, học tập kinh nghiệm của các quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là các quốc gia trong khối ASEAN. 
- Thúc đẩy đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tăng giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, vấn đề về hoàn thiện cơ sở hạ tầng cơ bản trong nông nghiệp nông thôn cần tiếp tục triển khai và cải thiện: Hệ thống giao thống, hệ thống điện lưới, Hệ thống công nghệ thông tin, Hệ thống thủy lợi. Xây dựng được cơ sở hạ tầng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp cũng như tăng tính hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.
Tài liệu tham khảo:
1. “Giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Nhật Bản vào nông nghiệp Việt Nam, http://lyluanchinhtri.vn 
2. “Tái cơ cấu nông nghiệp để hút FDI, Tái cơ cấu nông nghiệp để hút FDI”,
http://vukehoach.mard.gov.vn 
3. “Tập trung thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao”, http://www.iavietnam.net 
4. “Thu hút các dự án FDI hướng đến công nghệ cao, http://baotintuc.vn 
5. “Thu hút người dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao”, http://vtv.vn 
6. “Tích tụ ruộng đất và phát triển nông nghiệp CNC: Đôi điều trăn trở”, http://tiasang.com.vn 
7. “Tình hình thu hút đầu tư ngưới ngoài 12 tháng năm 2017”
http://fia.mpi.gov.vn