Thúc đẩy kinh tế đối ngoại trong bối cảnh mới
Sự phát triển của lĩnh vực kinh tế đối ngoại được coi là một trong những khâu rất quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của nền kinh tế và trở thành động lực tăng trưởng cho kinh tế quốc gia. Đối với Việt Nam, sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế đối ngoại đã phát triển nhanh chóng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo đà phát triển của Đất nước trong giai đoạn mới. Bài viết khái quát về chủ trương phát triển kinh tế đối ngoại của nước ta kể từ giai đoạn Đổi mới (1986) đến nay, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế đối ngoại trong bối cảnh mới.
Đặt vấn đề
Kinh tế đối ngoại là một trong những bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc gia, là tổng thể các quan hệ kinh tế, tài chính, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của một quốc gia này với các quốc gia khác, hoặc với các tổ chức kinh tế quốc tế, được thực hiện dưới nhiều hình thức, hình thành và phát triển trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất và phân công lao động quốc tế.
Sự phát triển của lĩnh vực kinh tế đối ngoại được coi là một trong những khâu rất quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu cho nền kinh tế và trở thành động lực tăng trưởng cho kinh tế quốc gia. Thực tiễn cho thấy, trước xu thế mới của thời đại, kinh tế đối ngoại ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của nền kinh tế toàn cầu cũng như tiến trình phát triển của mỗi quốc gia.
Về mặt lý luận, đối với Việt Nam, kinh tế đối ngoại thể hiện các vai trò quan trọng như: Góp phần đẩy mạnh quá trình đổi mới và mở cửa hội nhập quốc tế nhằm nâng cao sức cạnh tranh, nội lực của nền kinh tế, hỗ trợ nâng cao vị thế về chính trị, ngoại giao; Góp phần thúc đẩy thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) và viện trợ phát triển chính thức (ODA) nhằm cung ứng nguồn lực cho sự phát triển kinh tế đất nước; Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân; Góp phần tích lũy nguồn lực thúc đẩy phát triển đất nước, đặc biệt là các nước đang phát triển từ một nước nông nghiệp lạc hậu; Thúc đẩy xuất khẩu lao động, thu hút khách du lịch nước ngoài; Góp phần nối liền sản xuất và trao đổi trong nước với sản xuất và trao đổi quốc tế, nối liền thị trường trong nước với thị trường thế giới và khu vực, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) trong nước; Giúp tiếp cận nền tảng công nghệ hiện đại, cách thức quản lý nền kinh tế và quản trị quốc gia một cách chuyên nghiệp.
Hiện nay, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại, thúc đẩy hội nhập quốc tế để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Với ý nghĩa và vai trò quan trọng đó, việc nghiên cứu thực trạng phát triển kinh tế đối ngoại, từ đó đưa ra những khuyến nghị nhằm thúc đẩy kinh tế đối ngoại phát triển trong bối cảnh mới có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong bài viết này, tác giả nghiên cứu kinh tế đối ngoại của Việt Nam kể từ sau thời kỳ Đổi mới (1986) bởi kể từ thời điểm này, chủ trương phát triển kinh tế đối ngoại của nước ta trở nên rõ nét và đạt được những kết quả nổi bật nhất.
Thực trạng kinh tế đối ngoại của nước ta từ thời kỳ đổi mới
Thành tựu nổi bật
Từ thời điểm bắt đầu công cuộc đổi mới đất nước (năm 1986), Việt Nam thực hiện đổi mới toàn diện, trước hết thực hiện đổi mới về kinh tế, lấy đổi mới kinh tế làm trung tâm, xác định rõ hơn vai trò và vị trí quan trọng của hoạt động kinh tế đối ngoại trong nền kinh tế quốc dân. Ngay từ những năm đầu thực hiện “đổi mới” và “mở cửa", Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã khẳng định, xuất khẩu là mũi nhọn, có ý nghĩa quyết định đối với nhiều mục tiêu kinh tế trong giai đoạn 1986-1990, đồng thời là khâu chủ yếu của toàn bộ các quan hệ kinh tế đối ngoại. Trong giai đoạn này, Việt Nam chủ trương hợp tác kinh tế và khoa học, kỹ thuật với bên ngoài; thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, mở rộng, nâng cao hiệu quả đối ngoại, đẩy mạnh công tác đổi mới chính sách và cơ chế xuất, nhập khẩu để phát triển kinh tế đất nước.
Từ năm 1989, Việt Nam thực hiện chính sách tự do hóa thương mại, mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại. Quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam được mở rộng với nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, Đại hội VII của Đảng (tháng 6/1991) diễn ra vào khoảng thời gian Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lâm vào khủng hoảng, để phá thế bị bao vây, cấm vận và phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại, Đảng ta chủ trương “mở rộng, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi”. Nhờ đó, tính đến cuối thập niên 1990, Việt Nam có quan hệ kinh tế và thương mại với 140 quốc gia; có tới gần 70 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam; hoạt động xuất, nhập khẩu tăng lên đáng kể, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu lương thực...
Hình 1: Vốn đầu tư nước ngoài các năm 2019-2023
Nhất quán chủ trương đẩy mạnh kinh tế đối ngoại nói riêng và kinh tế quốc tế nói chung, đồng thời linh hoạt, chủ động trong từng giai đoạn, đặc biệt từ năm 2006 (năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới) đến nay, Việt Nam tiếp tục khẳng định được vị thế trên chính trường và thị trường quốc tế. Theo đó, tính đến cuối năm 2023, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước. Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ và tạo ra mạng lưới đối tác chiến lược/đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn. Việt Nam đã chính thức; ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế; chủ động tham gia định hình các khuôn khổ, nguyên tắc hợp tác và đóng góp có trách nhiệm tại Liên hợp quốc, ASEAN, ASEM, APEC...
Đặc biệt, đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng về phát triển kinh tế đã góp phần quan trọng phá thế bao vây, cô lập từ bên ngoài: Mỹ bỏ cấm vận (năm 1994) và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam (năm 1995), Việt Nam gia nhập ASEAN (năm 1995), tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (năm 1998), gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (năm 2006), tham gia hàng loạt các FTA với các đối tác lớn như CPTPP, RCEP... Thông qua hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam tăng cường hợp tác, đối thoại chiến lược và đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần quan trọng tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ Tổ quốc.
Việc mở rộng hợp tác quốc tế đã tạo đà cho kinh tế đối ngoại tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tính lũy kế đến ngày 20/12/2023, cả nước có 39.140 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 468,92 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt khoảng 297,2 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Tính đến cuối năm 2023, có 144 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 85,87 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với gần 74,52 tỷ USD (chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư)...
Bên cạnh đó, hàng hóa của Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm như: Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Mỹ, Australia... Trong đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (2024), trong 5 năm 2018-2022, tốc độ tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu bình quân của Việt Nam đạt 11,3%/năm. Trong giai đoạn kinh tế thế giới và trong nước chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, hoạt động xuất, nhập khẩu tuy suy giảm nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng dương. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, nhưng cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư kỷ lục ước đạt 28 tỷ USD, gấp 2,3 lần năm 2022.
Một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả nổi bật, đến nay, kinh tế đối ngoại của Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau: Nhận thức của một bộ phận cán bộ về kinh tế đối ngoại nói riêng và kinh tế quốc tế nói chung vẫn còn hạn chế; Công tác phổ biến thông tin, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế chưa thật sâu rộng ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương và cả trong cộng đồng DN; Hiệu quả hợp tác chưa được như kỳ vọng, ngoại giao đa phương chưa phát huy hết các lợi thế, chưa tận dụng tốt các cơ hội để kinh tế nước ta hội nhập quốc tế nhanh và sâu hơn; Chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kinh tế đối ngoại vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế...
Đề xuất giải pháp
Trước bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới, phức tạp hơn đối với việc thúc đẩy kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới, đòi hỏi cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục bám sát Nghị quyết và đường lối đối ngoại của Đại hội XIII và các nghị quyết của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chương trình hành động của Chính phủ. Tiếp tục nâng cao nhận thức cho các cơ quan, đội ngũ cán bộ liên quan đến kinh tế đối ngoại và cộng động DN về chiến lược kinh tế đối ngoại. Trong đó, về tổng thể, cần tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại, ngoại giao cây tre đặc sắc và độc đáo, linh hoạt, mềm mại, khôn khéo.
Thứ hai, chú trọng thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại theo chiều sâu, gắn chặt với lợi ích quốc gia - dân tộc, đồng thời tích cực đẩy mạnh quan hệ kinh tế với các đối tác lớn và có tiềm năng nhằm tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế, thương mại trong nước. Tăng cường hoạt động ngoại giao kinh tế để mở rộng thị trường xuất khẩu; phát triển hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại tại các khu vực thị trường lớn và tiềm năng
Thứ ba, tiếp tục sửa đổi và ban hành các quy định pháp luật phục vụ cho hoạt động kinh tế đối ngoại, phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế.
Thứ tư, nghiên cứu rà soát các chính sách hỗ trợ cho DN tham gia vào hoạt động kinh tế đối ngoại. Cụ thể, rà soát, điều chỉnh các chính sách về thu hút đầu tư nhằm thu hút mạnh đầu tư trong nước và ngoài nước vào lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu. Đồng thời, rà soát và ưu tiên tín dụng cho các DN có năng lực xuất khẩu.
Thứ năm, tăng cường bảo đảm an ninh kinh tế đối ngoại, nhất là trong lựa chọn, thu hút FDI ở các ngành mang tính chiến lược, nền tảng và trong thực thi các cam kết của các FTA thế hệ mới. Tăng cường bảo vệ hàng hóa và DN Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới...
Thứ sáu, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu.
Thứ bảy, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho kinh tế đối ngoại. Tăng cường đầu tư cho các trường đại học đào tạo các chuyên ngành quốc tế, cho các viện nghiên cứu quốc tế, cho các bộ phận nghiên cứu tìm hiểu thị trường, cho các trường dạy những nghề phục vụ cho hoạt động kinh tế đối ngoại...
Kết luận
Trước xu thế mới của thời đại, phát triển kinh tế đối ngoại trở thành một trong những định hướng lớn của nền kinh tế nước ta. Đối ngoại và ngoại giao Việt Nam nói chung và kinh tế đối ngoại nói riêng đã phát huy thế mới và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn Dân tộc, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; Huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội...
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2024), Báo cáo tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tạiViệt Nam;
- Bùi Thu Chang (2022), Chiến lược phát triển kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong bối cảnh mới. Tạp chí Cộng sản điện tử.
- Cao Anh Dũng (2020), Đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế. Tạp chí Cộng sản tháng 6/2021;
- Nguyễn Văn Du, Nguyễn Thị Thúy (2021), Hoạt động ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế Việt Nam thời kỳ đổi mới, Tạp chí Xây dựng Đảng số 12/2020.