Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:
Thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế - xã hội
Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, các bộ, ngành cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế; tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực... Đặc biệt, cần thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và các chương trình, kế hoạch của Chính phủ.
Tín hiệu tăng trưởng kinh tế tích cực
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đều thống nhất đánh giá, thời gian qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế tháng 11 tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng tăng 3,22%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất huy động, cho vay tiếp tục xu hướng giảm (giảm bình quân khoảng 2-3% so với cuối năm 2023); an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm.
Thu ngân sách nhà nước 11 tháng ước đạt 94,9% dự toán. Dự báo ước cả năm sẽ vượt mục tiêu đề ra do tháng 12 thường có tỷ trọng thu cao, tạo thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại. Tháng 11, xuất khẩu tăng 6,7% so với cùng kỳ; nhập khẩu tăng 5,1%; xuất siêu 1,28 tỷ USD. Tính chung 11 tháng, xuất khẩu đạt 322,5 tỷ USD, giảm 5,9%; nhập khẩu 296,67 tỷ USD, giảm 10,7%; xuất siêu 25,83 tỷ USD (cùng kỳ năm trước là 10,3 tỷ USD).
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 3% so với tháng 10 và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022; tính chung 11 tháng tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký và thực hiện đều cao nhất kể từ năm 2020 đến nay. Tổng vốn FDI đăng ký 11 tháng đạt 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% (10 tháng tăng 2,4%). Giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng ước đạt 65,1% kế hoạch, cao hơn 6,8% so cùng kỳ (58,33%), số tuyệt đối cao hơn gần 123.000 tỷ đồng.
Ngoài những con số “biết nói” trên, tình hình phát triển doanh nghiệp có kết quả tích cực. Trong tháng 11 có khoảng 14.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 19,5% cùng kỳ, số vốn đăng ký tăng 47%. Tính chung 11 tháng có trên 201.500 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 3,5% (10 tháng tăng 2,9%)...
Thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, sức ép lạm phát vẫn cao; tiếp cận tín dụng, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, vướng mắc; một số cơ quan, đơn vị, cá nhân còn ngại việc, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sự quyết tâm, quyết liệt chưa cao…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, cũng như thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách; phấn đấu tăng thu, đồng thời, kiểm soát chi, tiết kiệm triệt để chi ngân sách. Đặc biệt, lưu ý khẩn trương khắc phục bất cập trong thu thuế điện tử, nhất là đối với khu vực dịch vụ ăn uống, bán hàng trực tuyến, thương mại điện tử và hoàn thiện phương án sử dụng dự phòng ngân sách trung ương năm 2023.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn, tiềm năng. Kịp thời thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn mới của đối tác.
Củng cố các thị trường truyền thống và đẩy nhanh đàm phán, ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE, các FTA với Brazil, Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)...; khai thác thị trường Halal để mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng.
Để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, Thủ tướng đặc biệt lưu ý, cần thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế-xã hội theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và các chương trình, kế hoạch của Chính phủ; tập trung phát triển kinh tế tại các đô thị lớn để tiếp thêm động lực cho tăng trưởng.
Đồng thời, tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực, thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực chíp bán dẫn, linh kiện… Thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới hydrogen. Xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Về triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng lưu ý, tiếp tục thực hiện quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư... đã ban hành. Sớm trình Chính phủ ban hành nghị định về việc giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết của Quốc hội.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc, chồng chéo để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Hoàn thành việc sửa đổi các nghị định, thông tư để tháo gỡ khó khăn về đất đai, nhất là công tác định giá đất, ban hành ngay trong đầu tháng 12/2023 để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án bất động sản tạo đà cho phục hồi thị trường.
Ngoài các nhiệm vụ, giải pháp trên, Thủ tướng cũng đề nghị, các bộ, ngành đẩy mạnh thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; nâng cao chất lượng dịch vụ công, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phát huy hơn nữa vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa...