Thúc đẩy nuôi tôm trên cát thành ngành kinh tế mũi nhọn


Nuôi tôm trên cát đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân, với lợi nhuận trung bình 500 triệu đồng/ha/vụ, thậm chí đạt 700 - 900 triệu đồng/ha/vụ.

Ngày 24/6/2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Bình tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển bền vững nuôi tôm trên cát theo hướng an toàn dịch bệnh”.

Lợi nhuận trung bình 500 triệu đồng/ha/vụ

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phong trào nuôi tôm trên cát xuất hiện từ những năm 2000 tại một số địa phương với quy mô nhỏ lẻ. Với điều kiện thuận lợi về đất đai và nguồn nước biển, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng nuôi trên cát của khu vực không ngừng gia tăng cả về diện tích và sản lượng.

Số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, đến năm 2014 diện tích nuôi tôm trên cát là 3.018 ha, sản lượng đạt 37.030 tấn. Giai đoạn 2000 - 2002, năng suất nuôi chỉ 2 - 3 tấn/ha, đến nay năng suất tăng gấp 5 - 6 lần, trung bình đạt 13 - 15 tấn/ha, có những nơi nuôi thâm canh công nghệ cao cho năng suất tới 70 - 100 tấn/ha.

Việc ứng dụng thành công khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất đã trở thành động lực thúc đẩy nuôi tôm trên cát khu vực miền Trung tiếp tục phát triển. Nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế đã chủ động hoàn toàn công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm công nghệ cao đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Nuôi tôm trên cát đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân, với lợi nhuận trung bình 500 triệu đồng/ha/vụ, thậm chí đạt 700 - 900 triệu đồng/ha/vụ. Nhiều vùng đất cát bạc màu, hoang hóa đã trở thành “đất vàng”, đem lại doanh thu hàng tỷ đồng cho người nuôi tôm, đời sống người dân "thay da, đổi thịt" từng ngày, từ đây xuất hiện nhiều tỷ phú, triệu phú nuôi tôm.

Mặc dù đạt hiệu quả kinh tế lớn nhưng nuôi tôm trên cát thời gian qua vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Khi giá tôm tăng cao, ở nhiều địa phương đã hình thành những vùng nuôi không nằm trong quy hoạch. Một bộ phận nông dân thả nuôi liên tục, nguồn nước nuôi chưa qua xử lý làm mầm bệnh trong môi trường tự nhiên tồn lưu từ vụ này sang vụ khác, dịch bệnh (chủ yếu bị nhiễm bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPNS)) lây lan nhanh, khiến rủi ro trong nuôi tôm ngày càng cao, thậm chí tôm chết hàng loạt, người nuôi lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất…

Cùng với đó là tình trạng lạm dụng kháng sinh, hóa chất. Việc nuôi thâm canh càng cao thì nông dân càng lạm dụng các loại thuốc thú y, hóa chất trong nuôi tôm khiến môi trường ngày càng xấu đi, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó làm giảm uy tín sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Thực tế, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai dự án khuyến nông Trung ương "Xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP" tại các tỉnh nuôi trọng điểm của vùng từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, với tổng diện tích 84 ha, tại 169 hộ; đào tạo nhân rộng mô hình cho 315 lượt nông dân. Nhờ áp dụng đúng các quy phạm VietGAP, quy trình nuôi an toàn dịch bệnh, năng suất đạt 10,9 - 10,8 tấn/ha; hệ số thức ăn trung bình từ 1,2 - 1,3. Lợi nhuận trung bình đạt 450 - 500 triệu đồng/ha, tăng hơn so với mô hình không nuôi theo VietGAP từ 27 - 35%.

Tuy nhiên, để đầu tư phát triển nuôi tôm trên cát bền vững hơn nữa, theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các hộ nuôi tôm cần phải đảm bảo 4 chữ A (An toàn dịch bệnh, An toàn thực phẩm, An toàn môi trường và An sinh xã hội) cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, sự tham gia của các doanh nghiệp, cũng như sự đồng thuận của bà con nông - ngư dân.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đề nghị Tổng cục Thủy sản tiếp tục thiết kế đồng bộ vùng quy hoạch: Giao thông, thủy lợi, điện phục vụ cấp, thoát nước tốt, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Ngăn chặn việc nuôi nhỏ lẻ, tự phát, không theo quy hoạch vàtổ chức lại sản xuất

Cùng với đó, hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi tôm trên cát theo mô hình công nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nuôi tiết kiệm nước, biofloc, mô hình VietGAP; nuôi an toàn sinh học, không sử dụng kháng sinh, hóa chất; tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học bảo vệ môi trường sinh thái. Tăng cường công tác quan trắc cảnh báo môi trường dịch bệnh, quan trắc trước khi có bệnh xảy ra.

Về thị trường và xúc tiến thương mại, các đại biểu cũng cho rằng cần tăng cường sự liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp trong việc tạo ra sản phẩm tôm có chất lượng tốt, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần tích cực tìm hiểu các thông tin, xúc tiến thương mại, tận dụng các cơ hội nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản miền Trung.

Đối với công tác khuyến ngư: Xây dựng mô hình nuôi tôm trên cát ứng dụng công nghệ cao. Tống kết và nhân rộng các mô hình nuôi tôm trên cát theo VietGAP, GMP.., nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, tăng cường thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, đẩy nhanh nhân rộng các mô hình hiệu quả, với phương châm “1 người làm 1.000 người biết, 1 hộ làm hàng trăm hộ học tập làm theo”.