Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để “không một ai bị bỏ lại phía sau”
Hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 15/11/2017 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã gợi mở nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc phát triển kinh tế nhanh, bền vững là chủ trương của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và là yêu cầu tất yếu để rút ngắn khoảng cách với các nước khác trên thế giới.
Phó Thủ tướng cho rằng, tăng trưởng nhanh và bền vững là sự tăng trưởng dựa trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, đem lại tăng trưởng bao trùm, toàn diện vì con người, vì các tầng lớp nhân dân, bảo đảm được mục tiêu “không một ai bị bỏ lại phía sau”.
Kinh tế Việt Nam đã đi hết gần nửa chặng đường của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định rằng, trong năm 2017, nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều thách thức khi quá trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chưa đi vào thực chất; cùng với đó, những khó khăn tới từ các tác động của diễn biến chính trị, kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu... đã tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Bởi vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, để phát triển nhanh và bền vững thì Việt Nam phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và tìm ra động lực tăng trưởng chủ đạo. "Nhiều người nói là nông nghiệp, kinh tế số, dịch vụ du lịch... Nhưng nếu chúng ta chọn nhiều mũi nhọn quá thì cuối cùng không có gì nhọn cả", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng trăn trở về tình trạng tồn tại sự đối lập trong phát triển giữa khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước. Phó Thủ tướng cho rằng, cần có giải pháp nhằm kết nối hai khu vực này lại với nhau, tạo sự phát triển đồng đều giữa hai khu vực cũng như nền kinh tế.
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, để tháo bỏ nút thắt và tạo động lực mới thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cần tháo bỏ các vướng mắc, đẩy nhanh giải vốn đầu tư nhà nước ngay từ đầu năm, tăng hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong nước.
Đặc biệt, cần tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Theo đó, cần nỗ lực cắt bớt ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh, loại bỏ ít nhất 1/2 số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất, nhập khẩu; Tiếp tục nỗ lực giảm chi phí cho doanh nghiệp...