Thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19
Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, tiêu thụ nông sản trong nước cũng có nhiều biến chuyển mới, sáng tạo và tích cực. Đây chính là thành quả từ việc tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm sản xuất và phát triển kinh tế.
Nỗ lực tiêu thụ nông sản
Sáu tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu trên nhiều mặt, như: Tình trạng thiếu hụt lao động, ảnh hưởng về dịch vụ hậu cần thương mại (logistics) diễn ra thường xuyên hơn; trên thị trường quốc tế đã xảy ra tình trạng thiếu nguồn hàng cung ứng, thiếu công-ten-nơ rỗng, ứ đọng cục bộ vận tải do đường hàng không, đường thủy bị thu hẹp..., làm đứt gãy các chuỗi thương mại nông sản trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã thực hiện quyết liệt các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép.
Vụ trưởng Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt cho biết: Mặc dù tiếp tục chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 vẫn vượt kế hoạch đề ra, đạt 24,23 tỷ USD. Trong đó, cao-su, chè, rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.
Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm có sự chuyển hướng rõ nét khi Mỹ trở thành thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu khoảng 6,7 tỷ USD (tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 27,9% tổng giá trị xuất khẩu). Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu khoảng 4,75 tỷ USD (tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 19,6% tổng giá trị xuất khẩu).
Đối với thị trường trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp Bộ Công thương và các địa phương tổ chức hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và xây dựng phương án ứng phó trong sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19.
Tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh..., ngành nông nghiệp đã kết nối, hỗ trợ đưa nông sản có sản lượng lớn khi vào vụ và gặp khó khăn khi xuất khẩu vào các hệ thống siêu thị như Big C, AEON, Hapro, Vinmart; đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín như: Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee…
Trong đó, thành công của vụ vải Bắc Giang là một thí dụ điển hình. Mặc dù là tỉnh bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng mặt hàng vải thiều hầu như không bị ảnh hưởng, vẫn giữ giá và tiêu thụ tốt cả trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, dự báo, dịch Covid-19 trong nước có khả năng vẫn kéo dài trong 6 tháng cuối năm 2021 và tiếp tục ảnh hưởng đến các ngành kinh tế, xã hội trong đó có sản xuất và tiêu thụ nông sản. Sản xuất nông nghiệp hiện nay đang diễn ra trong điều kiện thuận lợi, nguồn cung tương đối dồi dào, sự biến động về giá nông sản sẽ được hạn chế khi Chính phủ và các bộ, ngành quyết tâm, chủ động triển khai các giải pháp điều tiết cung cầu.
Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm là thời điểm vào vụ thu hoạch của nhiều loại cây ăn quả ở cả khu vực miền bắc và miền nam (nhãn, xoài, dứa, khoai, ớt, mận, các loại rau) cho nên sẽ là áp lực lớn cho tiêu thụ nông sản trong nước nếu xuất khẩu gặp khó khăn vì dịch bệnh.
Hướng tới mục tiêu 45 tỷ USD
Để đạt được mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 khoảng 45 tỷ USD (cao hơn Chính phủ giao 3 tỷ USD), ngành nông nghiệp xác định thời gian tới sẽ thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu, cụ thể: nông sản chính 21,5 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 14 tỷ USD; thủy sản 8,5 tỷ USD; các mặt hàng khác khoảng một tỷ USD.
Theo Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản, để phát triển mạnh thị trường xuất khẩu cần tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA); kịp thời giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistics, không để ứ đọng hàng hóa tại các cửa khẩu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (các sản phẩm hoa quả tươi, rau, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi...).
Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp cũng tiếp tục đàm phán để tháo gỡ rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật của các nước đối với hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Đối với thị trường Mỹ, sẽ theo dõi sát sao và có phương án kịp thời liên quan áp dụng Luật Farm Bill trong thủy sản, nguồn gốc hợp pháp gỗ và sản phẩm gỗ, điều tra chống bán phá giá đối với mật ong...
Riêng đối với thị trường Trung Quốc sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở cửa xuất khẩu chính ngạch các nông sản có giá trị và tiềm năng như: Khoai lang, sầu riêng, ớt, chanh leo, bưởi, dừa... Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước; kết nối, phối hợp với các tập đoàn viễn thông (Viettel Post, VNPT Post), các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp (Grab, GoViet…) đề xuất hỗ trợ số hóa để thúc đẩy tiêu thụ nông sản; tập trung phát triển, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; phát triển thương mại điện tử, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp triển khai phân phối hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử.