An Giang hướng đến nông nghiệp bền vững
Những tác động của đại dịch Covid-19 càng chứng tỏ vai trò nền tảng, bệ đỡ của nông nghiệp An Giang. Để đảm bảo tính bền vững, tỉnh định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng “xoay chuyển trục”, lấy ngành thủy sản làm kinh tế chính để phát triển nông nghiệp cho tỉnh, sau đó mới đến cây ăn trái, rau
Sáng tạo nông nghiệp
Tại An Giang, Tập đoàn Lộc Trời là một trong những doanh nghiệp chủ lực trong liên kết thành lập hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới với nông dân trên địa bàn tỉnh (Lộc Trời tham gia góp vốn và nhân sự điều hành). Lộc Trời tiên phong xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất lúa gạo theo mô hình “Cánh đồng lớn”. Trong quá trình hợp tác với nông dân, HTX, tổ hợp tác, nhiều cách làm mới, sáng tạo ra đời.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận cho biết, Lộc Trời đang làm mô hình trồng lúa rải vụ tại huyện Thoại Sơn, giúp nông dân giảm 15% giá thành đầu tư ban đầu, không bị thương lái ép giá. Qua tính toán, nếu như tiến hành sản xuất rải vụ trên toàn bộ diện tích sản xuất của huyện Thoại Sơn, tương đương 36.000ha thì sẽ mang lại lợi nhuận cho bà con nông dân tối thiểu 1.000 tỷ đồng/năm.
Hiện nay, giá thành trung bình của ĐBSCL (tính cả giá thuê đất) để sản xuất ra 1kg lúa, mất khoảng 3.100-3.150 đồng. Nếu tiến hành sản xuất lúa rải vụ thì giá thành chỉ còn 2.200 - 2.600 đồng/kg lúa, giảm 15% so với sản xuất bình thường. Khi thực hiện mô hình sản xuất lúa rải vụ, chất lượng lúa sẽ tăng lên, thời gian canh tác giảm xuống, giá bán tăng trung bình từ 300-500 đồng/kg so với thu hoạch đồng loạt.
Theo ông Thuận, mô hình trồng lúa rải vụ không mới, chỉ phát huy tác dụng khi diện tích sản xuất được gắn kết với người mua. Hiện nay, đối với các nhà xuất khẩu đều mong muốn người nông dân có một kế hoạch sản xuất từ 3-6 tháng. Do đó, việc triển khai kế hoạch rải vụ sẽ giúp người mua có được đơn hàng trước khi xuống giống. Đó là sự an toàn nhất cho cả nông dân, người mua lẫn nhà xuất khẩu.
Ngoài mô hình trồng lúa rải vụ, Tập đoàn Lộc Trời hiện liên kết với bà con nông dân ở ĐBSCL sản xuất lúa phục vụ cho thị trường Châu Âu. Hiện nay, Lộc Trời có hơn 1.300 kỹ sư nông nghiệp (còn gọi là đội ngũ “3 cùng”) trực tiếp với bà con nông dân để hướng dẫn kỹ thuật trong canh tác lúa. Lộc Trời có hàng chục nhà máy, hơn 30 doanh nghiệp đối tác làm ăn và nhiều ngân hàng đồng hành để thực hiện chương trình hợp tác sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững.
Định hướng bền vững
Là một tỉnh được thiên nhiên ưu đãi, An Giang có lợi thế về nông nghiệp rất lớn. Thực tế, An Giang đã 2 lần tạo đột phá về nông nghiệp. Ở lần đột phá về đất đai giai đoạn sau đổi mới (1986), An Giang từ tỉnh thiếu lương thực đã trở thành tỉnh sản xuất lương đứng nhất, nhì cả nước. Lần đột phá thứ 2 là về cá tra (từ năm 1990), đưa An Giang trở thành địa phương có sản lượng cá tra hàng đầu ĐBSCL (cùng với Đồng Tháp). Cá tra nuôi ở An Giang xuất khẩu hơn 100 nước trên thế giới.
Với hệ thống đê bao, thủy lợi được đầu tư, An Giang canh tác được 3 vụ lúa/năm với tổng diện tích trên 670.000ha, sản lượng 4 triệu tấn/năm (đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Kiên Giang), đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 250 triệu USD/năm. An Giang cũng đang phát triển mạnh cây ăn trái với tổng diện tích hiện tại hơn 19.800ha, trong đó diện tích xoài gần 12.000ha, là một trong 2 tỉnh có diện tích trồng xoài lớn nhất ĐBSCL (cùng với Đồng Tháp).
Ngoài ra, nhiều loại cây ăn trái có giá trị đang phát triển mạnh, như: sầu riêng 209ha, mít 968ha, nhãn 481ha, cây có múi (cam, chanh, quýt, bưởi) 1.548ha… Đối với cá tra, cùng với phát triển cá tra nguyên liệu xuất khẩu, tỉnh đang đầu tư mạnh vào Đề án giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, đưa An Giang trở thành trung tâm giống cá tra hàng đầu ĐBSCL.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, Tỉnh đang định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng “xoay chuyển trục”, lấy ngành thủy sản làm kinh tế chính để phát triển nông nghiệp cho tỉnh, sau đó mới đến cây ăn trái, rau củ quả và cuối cùng là cây lúa.
Nhờ tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thủ tục hành chính, tập trung đất đai sản xuất quy mô lớn, An Giang đã thu hút được 60 dự án đầu tư vào nông nghiệp trên tổng số 231 dự án đã đăng ký, tổng vốn 22.860 tỷ đồng, tập trung vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tại buổi làm việc với tỉnh An Giang mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, thời gian qua, An Giang đã phát huy rất tốt thế mạnh nông nghiệp của tỉnh để góp phần đưa kinh tế - xã hội địa phương ngày thêm phát triển, hạn chế tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Nhìn từ thực tế, vấn đề sản xuất “thuận thiên” hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững đã và đang được tỉnh An Giang thực hiện rất thành công. Đây được xem là điều kiện cần để nền nông nghiệp của tỉnh ngày thêm phát triển. Định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh phù hợp với việc chuyển đổi theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu khi khi ưu tiên cá tra, rau màu, cây ăn trái và cuối cùng mới đến lúa gạo.
“Điều quan trọng hơn lúc này chính là giúp nông dân có tư duy làm nông nghiệp hướng đến sự bền vững, đáp ứng được nhu cầu thị trường và xu thế của người tiêu dùng, chuyển từ ăn no, mặc ấm sang ăn ngon, mặc đẹp” - ông Lê Minh Hoan lưu ý.