Thúc đẩy thị trường tài chính phát triển để đáp ứng cho tái cấu trúc nền kinh tế

PV.

(Tài chính) Theo Bộ Tài chính, 2015 là năm Chính phủ quyết định đẩy mạnh tái cơ cấu các thành phần kinh tế, đặc biệt là tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước, triển khai Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới ban hành. Điều này đòi hỏi thị trường tài chính tiếp tục được cải thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

3 mục tiêu lớn

Năm 2015, tình hình kinh tế trong nước được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh hơn năm 2014 đòi hỏi phải đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển. Trong bối cảnh đó, trong nỗ lực phát triển thị trường tài chính, Bộ Tài chính đặt ra các mục tiêu tổng quát, cụ thể:

Một là, phát triển thị trường tài chính an toàn, bền vững, minh bạch theo hướng hiện đại, hoàn chỉnh về cấu trúc vận hành theo các thông lệ quốc tế, có khả năng liên kết với các thị trường khu vực và quốc tế, phấn đấu đưa thị trường tài chính trở thành kênh huy động và dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Hai là, phát triển mạnh các kênh cung cấp vốn cả trong và ngoài nước cho thị trường tài chính; mở rộng hệ thống các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có tổ chức; phát triển đầy đủ các định chế trung gian; đa dạng hoá các dịch vụ cung cấp đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ của các tổ chức trung gian hoạt động trên thị trường đảm bảo có đầy đủ các yếu tố cấu thành một thị trường tài chính phát triển trong khu vực.

Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá; hài hòa giữa mục tiêu huy động vốn cho tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững thị trường tài chính với ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Định hướng giải pháp chính sách năm mới

Nhằm thực hiện được các mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai một số giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường tài chính Việt Nam có thêm những bước tiến mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới, cụ thể:

Đối với thị trường chứng khoán (TTCK): Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống khung pháp lý cho hoạt động của thị trường để thúc đẩy sự phát triển của thị trường, tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát đối với các hoạt động trên thị trường, đảm bảo an toàn của thị trường, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Trong đó, trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị định về TTCK phái sinh, Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán và Nghị định sửa đổi Nghị dịnh 108/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và  Quyết định về thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Năm 2015 cũng thực hiện tổng kết, đánh giá để chuẩn bị cho việc xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Chứng khoán thế hệ 2 trong giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho biết sẽ thực hiện hợp nhất các Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) và phát triển, phân định các khu vực thị trường: cổ phiếu, trái phiếu và hình thành thị trường sản phẩm phái sinh để nâng cao vị thế của Sở GDCK Việt Nam trong khu vực ASEAN. Xây dựng và triển khai mô hình đối tác thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) và hệ thống vay và cho vay chứng khoán (SBL); xây dựng và triển khai Đề án kết nối hệ thống thanh toán bù trừ và quyết toán chứng khoán với hệ thống thanh toán liên ngân hàng. Triển khai gói thầu công nghệ thông tin đối với TTCK nhằm phục vụ hoạt động giao dịch, thanh toán bù trừ, quản lý giám sát thị trường. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm góp phần tạo lập thị trường hoạt động công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Đồng thời, thực hiện các giải pháp tái cấu trúc hoạt động của các định chế trung gian trên TTCK như: hợp nhất, giải thể, phá sản các CTCK yếu kém, thua lỗ dựa trên nền tảng các chỉ tiêu an toàn tài chính. Xem xét nâng cao tiêu chí thành viên của Sở GDCK nhằm xử lý những CTCK yếu kém, mở rộng tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK theo lộ trình cam kết trong WTO phù hợp với điều kiện thực tế và chính sách phát triển TTCK.

Đối với thị trường trái phiếu: Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia huy động vốn trên thị trường. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu mà trọng tâm là thị trường trái phiếu Chính phủ theo Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020 được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định số 261/QĐ-BTC năm 2013 nhằm thúc đẩy việc huy động vốn cho ngân sách Nhà nước, cho chính quyền địa phương và cho các doanh nghiệp. Gắn kết việc điều hành thị trường trái phiếu Chính phủ với điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước nhằm đảm bảo ổn định về kinh tế vĩ mô và hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. Thực hiện cơ chế điều hành lãi suất trái phiếu Chính phủ linh hoạt phù hợp với lãi suất trên thị trường tiền tệ đảm bảo vai trò định hướng và tham chiếu cho các loại lãi suất khác, hình thành đường cong lãi suất chuẩn của thị trường. Thực hiện tái cơ cấu các loại trái phiếu đã phát hành để tạo thuận lợi cho giao dịch trên thị trường thứ cấp và tăng tính thanh khoản cho trái phiếu, tập trung phát hành trái phiếu kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên để kéo dài kỳ hạn bình quân của danh mục trái phiếu, giảm gánh nặng trả nợ của ngân sách trong ngắn hạn.

Tiếp tục khuyến khích các địa phương có tiềm lực về tài chính tham gia huy động vốn trên thị trường trái phiếu để đáp ứng các nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nâng cao trách nhiệm, tăng cường giám sát việc sử dụng nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu của chính quyền địa phương cho đầu tư, đảm bảo khả năng trả nợ khi đến hạn, đảm bảo an toàn tài chính của địa phương. Đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn nhằm đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho đầu tư phát triển của doanh nghiệp và giảm thiểu rủi ro cho các hoạt động tín dụng của ngân hàng. Đa dạng hoá hình thức trái phiếu; tạo điều kiện chủ động và thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp huy động vốn qua phát hành trái phiếu.

Đối với thị trường bảo hiểm: Phát triển thị trường bảo hiểm toàn diện nhằm đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của nền kinh tế; nâng cao năng lực tài chính, kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động bảo hiểm; đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Trong năm 2015 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng của cả thị trường ổn định từ 12 đến 15%/năm. Nâng cao tính công khai minh bạch, nâng cao tiêu chí, điều kiện trong việc cấp phép thành lập doanh nghiệp; nâng cao năng lực tài chính, công tác quản trị điều hành doanh nghiệp bảo hiểm. Đặc biệt, sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách theo hướng: Phát triển thị trường bảo hiểm toàn diện nhằm đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của nền kinh tế; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm như biện pháp đảm bảo ổn định tài chính; khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp các dịch vụ bảo hiểm trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, vùng sâu, vùng xa cho cho người dân có thu nhập thấp. Trong năm 2015, triển khai sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Tiếp tục thực hiện các biện pháp để tái cơ cấu doanh nghiệp bảo hiểm, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, hiệu quả và bền vững, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm cho các lĩnh vực kinh tế và dân cư, góp phần ổn định kinh tế xã hội.

Đối với lĩnh vực dịch vụ kế toán, kiểm toán: Sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ kế toán, kiểm toán theo thông lệ quốc tế. Nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi Luật kế toán, triển khai việc lập báo cáo tài chính Nhà nước, nghiên cứu ban hành mới 26 chuẩn mực kế toán. Mở rộng thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, đặc biệt là các đối tượng phải kiểm toán bắt buộc. Tăng cường công tác kiểm tra tuân thủ pháp luật về kế toán, kiểm toán và chuẩn mực kế toán, kiểm toán trong các doanh nghiệp dịch vụ kế toán, kiểm toán; kiểm soát đạo đức hành nghề của kiểm toán viên, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán, nâng cao tính công khai minh bạch của nền kinh tế, tăng cường tính bền vững của thị trường tài chính...