EVFTA đã lan tỏa đến nhiều nhóm dân cư yếu thế
“Lợi ích EVFTA mang lại đã lan tỏa đến nhiều nhóm dân cư yếu thế, nhất là khu vực nông thôn, lao động nữ”, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho biết.
Không phụ kỳ vọng
Ngày 1/8 là tròn 2 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực. Nhìn lại, EVFTA đã tác động thế nào tới cộng đồng doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nước ta, thưa bà?
Được ví như con đường cao tốc đầu tiên kết nối Việt Nam với cùng lúc 27 nền kinh tế thành viên Liên minh châu Âu (EU), lại có hiệu lực đúng vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang gây khó khăn chồng chất, EVFTA mang theo rất nhiều kỳ vọng của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Thực tế 2 năm qua cho thấy Hiệp định đã không phụ những kỳ vọng này, đặc biệt là từ góc độ thương mại hàng hóa. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU từ chỗ giảm gần 6% trong 7 tháng năm 2020 đã tăng 3,8% trong 5 tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, tăng dần lên 14,2% năm 2021 và nửa đầu năm 2022 là hơn 22%. Đáng chú ý là hơn 20% kim ngạch đã sử dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2021, cao gấp 2 - 3 lần các FTA khác trong năm đầu tiên.
Đặc biệt hơn, nhóm tận dụng hiệu quả nhất EVFTA lại là gạo, rau củ, trái cây, thủy sản các loại, mây tre, giày dép, bánh kẹo, nhựa… Điều này có nghĩa là những lợi ích đầu tiên mà EVFTA mang lại lan tỏa đến nhiều nhóm dân cư yếu thế, đặc biệt ở khu vực nông thôn, lao động nữ...
Bên cạnh đó, EVFTA đã và đang là động lực để không ít doanh nghiệp quyết tâm cải thiện không chỉ chất lượng, quy cách sản phẩm mà cả về lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội… Điều này mang tới hy vọng về một sự thay đổi dần về chất trong các doanh nghiệp, hướng tới một tương lai kinh tế xanh hơn, nhân văn và bền vững hơn.
Tất nhiên, những kết quả trên vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Ví dụ như tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA của hàng xuất khẩu vẫn thấp so với mức trung bình trên 33% của các FTA. Hàng nhập khẩu từ EU tăng mạnh sau EVFTA tập trung nhiều vào các sản phẩm tiêu dùng mà chưa phải là máy móc thiết bị hay nguyên vật liệu phục vụ sản xuất như mong đợi. Các chuyển biến trong thể chế để thực thi các cam kết về lao động hay phát triển bền vững chưa thực sự rõ ràng.
Hiện có những rào cản, thách thức nào trong việc tận dụng cơ hội từ EVFTA ?
Khảo sát sơ bộ mới đây của VCCI cho thấy 3 nhóm thách thức lớn nhất là hạn chế trong năng lực cạnh tranh; bất cập trong công tác tổ chức thực thi của cơ quan có thẩm quyền; và thiếu thông tin, tư vấn về cam kết và cách áp dụng.
Thực tế, các hoạt động phổ biến tuyên truyền EVFTA dù nhiều nhưng đa số vẫn chưa thoát khỏi lối mòn nói chung chung vĩ mô đâu đó, chưa đi vào các vấn đề chi tiết, chuyên sâu và thực tế. Doanh nghiệp nếu có vướng mắc trong việc hiểu, áp dụng một cam kết nào đó thì rất khó tìm được đầu mối nào của cơ quan có thẩm quyền trả lời chính thức.
Về phía doanh nghiệp, tuy đã có sự chú ý nhất định nhưng số lớn vẫn chưa thực sự để tâm tìm hiểu một cách chi tiết, thực chất về các cam kết EVFTA liên quan, chưa nói tới chủ động hành động để tận dụng các cơ hội.
Vậy cần làm gì để vượt qua các thách thức này, thưa bà?
Để khắc phục những điều này trước hết phải nằm ở doanh nghiệp. Cải thiện năng lực cạnh tranh ở các khía cạnh còn yếu kém. Chủ động tìm hiểu để biết, tuân thủ và đáp ứng các điều kiện, quy trình, thủ tục để tận dụng cam kết là điều không ai có thể làm thay doanh nghiệp.
Dù vậy, nếu những nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh đơn lẻ của doanh nghiệp được hỗ trợ bằng các chương trình, chính sách về tài chính, công nghệ, hạ tầng, nhân lực, xúc tiến thương mại… của các bộ ngành, địa phương thì sẽ hiệu quả hơn, nhanh hơn và bao trùm hơn rất nhiều. Cải thiện công tác tổ chức thực thi hay thiết lập các đầu mối tư vấn, hướng dẫn chính thức cho doanh nghiệp lại càng là điều mà doanh nghiệp chỉ có thể trông đợi ở hành động của các cơ quan quản lý.
Quốc hội cần giám sát chặt việc thực thi
Việc tận dụng cơ hội từ các FTA nói chung và EVFTA còn liên quan đến thể chế thông qua nội luật hóa các cam kết. Nhìn lại tiến trình này, bà đánh giá thế nào?
Thực ra, chúng ta đã học được nhiều bài học với CPTPP và các FTA trước đó để thực thi EVFTA. Ta đã ban hành các văn bản thực thi nhanh chóng hơn, đã tổ chức tuyên truyền hướng dẫn doanh nghiệp sớm hơn, nhiều hơn, và rộng rãi hơn... Điều này có thể đã góp phần nào đó vào những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ của Hiệp định này.
So với CPTPP, việc nội luật hóa các cam kết EVFTA tương đối thuận lợi. Một phần là do nhiều cam kết của hai Hiệp định này giống nhau nên đã được nội luật hóa. Phần khác dù không giống về nội dung nhưng cách thức quy định cũng tương tự, nên việc thiết kế các quy định không quá bỡ ngỡ, thậm chí còn tránh được các vấp váp thời gian trước. Vì vậy, quá trình nội luật hóa EVFTA tương đối suôn sẻ.
Dù vậy, vẫn còn nhiều điều chưa được như mong đợi. Chẳng hạn các Nghị định thực thi cam kết dù đã ban hành sớm hơn nhưng vẫn chậm vài tháng, cá biệt muộn cả năm.
Về phía Quốc hội, theo bà, đang có những bài toán nào đặt ra để giúp nền kinh tế tận dụng tốt hơn nữa EVFTA?
Trong thực thi EVFTA thời gian tới, vai trò của Quốc hội vẫn rất quan trọng. Đó không chỉ là việc nội luật hóa các cam kết đến lộ trình thực thi (sở hữu trí tuệ, một số Điều ước quốc tế phải tham gia…). Quan trọng hơn là vai trò giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn EVFTA, nhất là điều khoản giao nhiệm vụ cho Chính phủ và các cơ quan trong tổ chức thực hiện. Sự giám sát định kỳ, sát sao của cơ quan quyền lực tối cao là Quốc hội sẽ là cơ sở để bảo đảm rằng các nỗ lực thực thi EVFTA của các cấp, ngành được triển khai thường xuyên mà không phải chỉ hứng khởi giai đoạn đầu, các bất cập vướng mắc hay hạn chế cũng sẽ được kịp thời phát hiện, điều chỉnh. Đây chính là cơ sở để Việt Nam hiện thực hóa nhiều nhất có thể lợi ích từ Hiệp định đặc biệt tiềm năng này.
Xin cảm ơn bà!