Tỉnh Bạc Liêu:
Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và hộ sản xuất - kinh doanh
So với những địa phương khác, các doanh nghiệp của tỉnh Bạc Liêu chiếm phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đây là đối tượng dễ bị tác động và chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19.
Doanh nghiệp gặp khó
Nhìn lại hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp từ đầu năm đến nay cho thấy, các doanh nghiệp phải đương đầu với nhiều khó khăn và nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất - kinh doanh phải giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, hiện toàn Tỉnh có 137 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 4,6% so với cùng kỳ. Trong đó, có 82 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng, 26 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và 29 doanh nghiệp đã giải thể. Đây là con số thống kê được qua báo cáo, trên thực tế, các hộ sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ đã ngưng hoạt động nhưng không khai báo là con số không nhỏ.
Cũng xuất phát từ khó khăn này, nên số doanh nghiệp đăng ký thành lập trong 9 tháng năm nay không đạt kế hoạch đề ra và chỉ có 235 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 6.180 tỷ đồng, giảm 21,7% số doanh nghiệp.
Đặc biệt, các lĩnh vực kinh tế thế mạnh giảm khá sâu, nhất là các mặt hàng nông - thủy sản. Cụ thể, lượng tôm giống xuất bán giảm 70% so với cùng kỳ; các nhà máy chế biến thu mua nguyên liệu hoạt động cầm chừng với công suất chỉ đạt 30 - 40%. Thị trường tiêu thụ và giá tôm thương phẩm giảm 15 - 20%, kéo theo tâm lý không dám thả giống làm ảnh hưởng đến lịch phát triển sản xuất, mùa vụ nuôi tôm của nông dân.
Trong khi đó, giá của nhiều mặt hàng, thủy hải sản khai thác đánh bắt được từ các đội tàu cũng giảm 20 - 25%. Còn giá lúa của vụ hè thu giảm từ 500 - 600 đồng/kg và theo ước tính của nông dân thì mất đi lợi nhuận từ 2,5 - 3 triệu đồng/ha so với cùng kỳ.
Điều đáng nói, giá phân bón lại tăng từ 45 - 65% và nhiều loại vật tư, con giống phục vụ cho phát triển ngành Thủy sản lại tăng cao, gây khó cho doanh nghiệp cung cấp đầu vào, đầu ra và cả người sản xuất.
Đó là chưa nói đến việc vận chuyển hàng hóa nông sản đi các tỉnh để tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các chợ đầu mối ở các thành phố lớn chiếm từ 70 - 90% lượng hàng hóa của nông - ngư dân. Chi phí logistics trong xuất khẩu hàng gia tăng, thiếu container rỗng, ứ đọng cục bộ vận tải và nhiều doanh nghiệp phải tăng gấp đôi đến gấp 3 lần chi phí so với những năm trước đây…
Triển khai các gói hỗ trợ
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ và UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để ứng phó và phục hồi sản xuất trong điều kiện đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Theo đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động rà soát, xem xét và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Nhờ vậy, hoạt động tín dụng từ đầu năm đến nay tuy bị ảnh hưởng, giảm doanh thu, lợi nhuận nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn đạt khá tốt.
Trong 9 tháng năm nay, các tổ chức tín dụng đã tích cực huy động vốn đạt 23.800 tỷ đồng, tăng 1,7% và đã tiến hành cho vay với tổng dư nợ đạt 31.800 tỷ đồng, tăng 5,59% so với cuối năm 2020. Trong đó, có nhiều ngân hàng đã tiên phong giảm lãi suất cho vay, thực hiện cơ cấu lại thời gian thanh toán nợ và miễn, giảm lãi suất như: Ngân hàng Agribank - chi nhánh Bạc Liêu, Ngân hàng Vietcombank - chi nhánh Bạc Liêu, Ngân hàng BIDV - chi nhánh Bạc Liêu, Sacombank - chi nhánh Bạc Liêu…
Cùng với các giải pháp về tài chính, thì việc tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ khác dành cho doanh nghiệp là cần thiết, nhất là việc triển khai quyết liệt Nghị quyết 105 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19…
Tuy nhiên theo phản ánh, các doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ này. Cụ thể là cả tỉnh Bạc Liêu hiện nay mới có một doanh nghiệp tiếp cận được Nghị quyết 68 của Chính phủ để trả lương cho người lao động.
Cùng với các giải pháp trên, thiết nghĩ tỉnh Bạc Liêu cần có ngay giải pháp về thị trường. Đó là tăng cường công tác quản lý giá nhằm bình ổn giá nguyên vật liệu đầu tư đầu vào, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh.
Đồng thời, cần có chính sách kích cầu đầu tư, tiêu dùng và cắt giảm các khoản chi phí các dịch vụ công ích, nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi và lấy lại sức bật sau những ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra.