Thực hiện mục tiêu kép: Đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội

PV.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bảo đảm thực hiện nghiêm túc các biện pháp không để lây lan, sớm khống chế dịch bệnh Covid-19; đồng thời, triển khai các giải pháp đồng bộ, thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc sau đại dịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Biến "nguy" thành "cơ"

Phát biểu kết luận tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19 sáng ngày 10/4/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quý I/2020, tăng trưởng của Việt Nam là 3,82% là đáng khích lệ trong bối cảnh suy thoái toàn cầu.

Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá đây là mức tăng trưởng thấp, nhất là ở một số địa bàn trọng điểm. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần quyết tâm, chỉ đạo phải cụ thể, sáng tạo hơn trên tinh thần biến nguy cơ thành thời cơ. Đặc biệt, phải chấm dứt tình trạng trì trệ, chậm trễ ở một số địa phương, một số ngành, từ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đến đầu tư, an sinh xã hội, trật tự xã hội.

Trong giải ngân vốn đầu tư công, tinh thần là giải ngân hết số vố còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 (khoảng 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD), không để dồn vào cuối năm. Thủ tướng cho rằng, cần kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương không chịu giải ngân...

Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút thì việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Bộ Tài chính cam kết bảo đảm đủ nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công nêu trên.

Thực hiện mục tiêu kép

Để thực hiện mục tiêu kép là đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải bảo đảm thực hiện nghiêm túc biện pháp, trước hết không để lây lan, sớm khống chế được dịch bệnh. Đồng thời, triển khai các biện pháp đồng bộ, thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc sau dịch COVID-19, không chỉ bù đắp những tổn thất rất to lớn vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới; các địa bàn trọng điểm, ngành trọng điểm phải có trách nhiệm đóng góp vào vấn đề này. Đồng thời, chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để đưa vào nghị quyết của Chính phủ. 

Thủ tướng yêu cầu, phải thay đổi cách làm, quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành. Theo đó, tập trung cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo mọi thuận lợi, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Đồng thời, cần đẩy mạnh sản xuất, cùng với xuất khẩu, phải chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân. Bên cạnh sản xuất và lưu thông, cần chống đầu cơ, nâng giá, nhất là thịt lợn; chú ý đẩy mạnh công tác đối ngoại, đặc biệt năm 2020 Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN; tăng cường truyền thông tạo nên động lực mới, tạo sự đồng lòng, nhất trí của nhân dân...

Thủ tướng tin tưởng, với tinh thần đồng sức, đồng lòng, một khí thế mới, quyết tâm mới, giai đoạn sắp tới, Việt Nam sẽ vượt khó đi lên, bảo đảm sản xuất, đời sống, ổn định xã hội để thực hiện mục tiêu kép là đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế xã hội.

Sau Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết chuyên đề về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trên cả ba lĩnh vực: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ứng phó với dịch COVID-19.