Ngành Tài chính quyết liệt:

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và các nhiệm vụ trọng tâm đề ra

PV.

(Tài chính) Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, trong tháng 7 năm 2014, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao đạt nhiều kết quả khả quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm

- Ngày 04/7/2014, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành Tài chính, với sự tham gia của đại diện Lãnh đạo Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014. Trên cơ sở đó phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2014.

- Tập trung chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế và thu ngân sách tại các doanh nghiệp; phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

- Đã ban hành văn bản hướng dẫn thanh toán vốn các dự án khởi công mới thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia (công văn số 9955/BTC-ĐT ngày 21/7/2014), theo đó các dự án khởi công mới thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm cả Chương trình 135) thuộc kế hoạch năm 2014 và 2015 được phân bổ vốn và thanh toán vốn khi có quyết định phê duyệt dự án trước ngày 31/12 của năm kế hoạch (thay vì trước ngày 31/10 của năm kế hoạch theo quy định hiện hành).

- Đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng bội chi NSNN và giảm chi NSTW năm 2013 theo Nghị quyết số 72/2014/QH13 của Quốc hội. Đồng thời, đã phối hợp với các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phân bổ 16.000 tỷ đồng từ nguồn Quốc hội cho phép để hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ và đóng tàu, trang thiết bị cho cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư; trên cơ sở đó, đang khẩn trương tổ chức thực hiện.

Tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường

- Bộ Tài chính đã duy trì thường xuyên công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra giám sát thị trường, không để xảy ra đột biến về giá của các hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu (xăng, dầu, điện, than....), cụ thể:

+ Đối với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi: đã ban hành văn bản đôn đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình triển khai biện pháp bình ổn giá (công văn số 9549/BTC-QLG ngày 15/7/2014) và triển khai các đoàn kiểm tra tại các địa phương, qua đó hướng dẫn, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá sữa theo Nghị quyết của Chính phủ.

+ Đối với mặt hàng xăng dầu: Tiếp tục điều hành theo đúng quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ và phù hợp với diễn biến giá thị trường thế giới, sử dụng linh hoạt các công cụ giá, Quỹ Bình ổn giá góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Trong tháng 7/2014 liên Bộ Tài chính - Công thương đã 03 điều hành giá xăng dầu trong nước, trong đó 01 lần điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng xăng dầu (ngày 07/7/2014). Xăng Ron 92 tăng 418 đ/lít, dầu điêzen 0,05S tăng 294 đ/lít, dầu hỏa tăng 413 đ/lít, dầu madut tăng 137đ/kg; 01 lần giữ ổn định giá bán xăng; điều chỉnh giảm giá dầu điezên, dầu hỏa (ngày 18/7/2014); 01 lần giảm giá bán mặt hàng xăng, dầu điezên và dầu hỏa (ngày 28/7/2014); tiếp tục sử dụng Quỹ Bình  ổn giá đối với mặt hàng xăng dầu; đồng thời thực hiện công bố số liệu Quỹ Bình ổn giá đến hết ngày 30/6/2014 để người dân biết và giám sát.  

Thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng

- Bộ Tài chính đã tham gia, phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện việc rà soát, hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về phân cấp và quản lý đầu tư công; xác định rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư và chủ đầu tư; rà soát danh mục các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia; ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án quan trọng thiết yếu, có sức lan tỏa lớn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư của xã hội.

- Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn đầu tư từ NSNN, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn tín dụng đầu tư phát triển có hiệu quả, các dự án đầu tư phải theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân

- Trong tháng 7/2014, Bộ Tài chính đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời các khoản kinh phí bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng thụ hưởng chính sách. Nhìn chung, công tác cấp phát, thanh toán kinh phí từ đầu năm đến nay được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đảm bảo đúng chế độ, chính sách.

- Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Bộ Tài chính cũng đã xuất cấp trên 68,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ cho nhân dân ở những vùng bị thiếu đói, giáp hạt; góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại do các hành vi vi phạm pháp luật 

-   Trong tháng 7, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan và các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã đề ra để giúp các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, phát triển sản xuất kinh doanh. Ngày 19/7/2014, Bộ Tài chính đã phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam thực hiện tạm ứng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại với số tiền 01 triệu USD.