Thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2013
(Tài chính) Chiều 10/4, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ quý I/2013 về tình hình thực hiện các nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 3 và quý I/2013 của ngành Tài chính. Tham dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các vụ, cục của Bộ Tài chính cùng đông đảo các phóng viên, nhà báo của các cơ quan thông tân báo chí.
Quý I/2013, thu NSNN đạt 20,6% dự toán
Theo Bộ Tài chính, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng công tác thu - chi NSNN thực hiện tháng 3 ước đạt 54.140 tỷ đồng; luỹ kế thu 3 tháng đạt 167.710 tỷ đồng, bằng 20,6% dự toán, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong đó, thu nội địa thực hiện tháng 3 ước đạt 35.000 tỷ đồng, bằng 6,4% dự toán, tăng 19% (5.400 tỷ đồng) so với thực hiện tháng 2. Luỹ kế thu 3 tháng ước đạt 114.040 tỷ đồng, bằng 20,9% dự toán, xấp xỉ bằng mức thực hiện cùng kỳ năm 2012. Thu về dầu thô thực hiện tháng 3 ước 8.200 tỷ đồng, luỹ kế thu quý I ước đạt 25.770 tỷ đồng, bằng 26% dự toán. Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện tháng 3 ước đạt 14.540 tỷ đồng, tăng khoảng 540 tỷ đồng so thực hiện tháng trước. Luỹ kế thu 3 tháng đạt 41.150 tỷ đồng, bằng 17,3% dự toán.
Tổng chi NSNN tháng 3 ước 70.850 tỷ đồng; luỹ kế chi 3 tháng ước đạt 218.385 tỷ đồng, bằng 22,3% dự toán, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2012.
Lý giải về kết quả thu chi NSNN quý I/2013 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, thu NSNN năm nay thấp hơn so với mọi năm từ 25 - 27%, do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân, kinh tế khó khăn tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN).
Thứ trưởng Vũ Thị Mai: Thực hiện giải pháp quyết liệt, hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2013. Ảnh: FinancePlus.vn
Một nội dung khác liên quan tới tình hình huy động vốn cho NSNN qua phát hành trái phiếu Chính phủ bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển phù hợp yêu cầu điều hành và với tình hình thị trường. Ước tính đến hết tháng 3/2013 đã huy động được gần 65,5 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, đạt 33,6% kế hoạch năm.
Điều đáng mừng trong quý I/2013 cũng chứng kiến thị trường chứng khoán tăng điểm khá. Tính đến ngày 29/3/2013, chỉ số VN-Index ở mức 491,04 điểm, tăng 19% so với đầu năm; Giá trị giao dịch bình quân đạt 1.726 tỷ đồng, tăng 105% so với đầu năm. Mức vốn hóa thị trường khoảng 890 nghìn tỷ đồng, tương đương 30% GDP.
Tính đến ngày 22/3/2013, vốn huy động qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa đạt khoảng 1.153 tỷ đồng. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thuần trong tháng 3/2013 đạt khoảng 44 triệu USD; trong quý I/2013 là 133 triệu USD.
Giữ ổn định giá bán than, điện...
Sau khi Luật Giá được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, Bộ Tài chính đã có Công văn số 1484/BTC-QLG ngày 29/1/2013 hướng dẫn Sở Tài chính các địa phương về việc đăng ký giá, kê khai giá.
Cụ thể, đối với giá xăng dầu, trong 3 tháng đầu năm 2013, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã 4 lần điều hành để giữ ổn định giá bán xăng dầu thông qua biện pháp cho phép các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối được sử dụng hoặc tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu.
Điểm nổi bật trong 3 tháng đầu năm giữ ổn định giá điện, giá than bán cho sản xuất điện, giá nước sạch, giá cước xe buýt được Nhà nước trợ giá…; tạm thời giãn thời gian điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước, giá dịch vụ giáo dục (học phí)… tại một số địa phương theo Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với giá sữa, trước tình hình một số DN tăng giá sữa, ngày 12/3/2013 Bộ Tài chính ban hành Công văn số 3181/BTC-QLG đề nghị Sở Tài chính các tỉnh thành phố tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh sữa bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về giá; chỉ đạo không tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi; đồng thời có Công văn số 3080/BTC-QLG gửi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị cung cấp danh sách các sản phẩm đã được cấp chứng nhận sản phẩm là sữa, sản phẩm dinh dưỡng hoặc thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng hay thức ăn công thức... của các công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa để làm cơ sở theo dõi và kiểm tra.
Tại cuộc họp báo này, trả lời báo giới về việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mang tiền gửi ngân hàng kiếm lãi, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính cho biết, các chuyên gia kinh tế và một số cơ quan thông tấn báo chí đã có sự hiểm nhầm về thông tin trên.
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: FinancePlus.vn
Theo ông Đặng Quyết Tiến, SCIC có hai nhiệm vụ, vừa là nhà đầu tư vừa là DN có chức năng tái cấp vốn. Trong quá trình hoạt động, SCIC quản lý một quỹ hỗ trợ các DN với nguồn vốn lên tới trên 20 nghìn tỷ đồng. “SCIC có quyền quản lý quỹ và có quyền gửi quỹ này vào ngân hàng, tiền lãi thu về cho quỹ mà không được chi tiêu”, ông Tiến khẳng định. Việc chi tiêu cụ thể thế nào sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng trường hợp cụ thể, chẳng hạn tái cấp vốn cho các DN nhà nước.
Hàng năm SCIC phải báo cáo số liệu quỹ công khai, gửi tiền ở đâu, tăng bao nhiêu… Báo cáo này sẽ được kiểm toán. Cũng theo đại diện Cục Tài chính DN, thời gian qua do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến DN, nhà đầu tư nên gửi tiền vào ngân hàng để bảo toàn vốn nhà nước. “Tới đây, SCIC sẽ tổ chức một buổi họp báo làm rõ về vấn đề này, trong đó có việc sử dụng quỹ đầu tư ra sao trong thời gian qua”, ông Tiến nói.