Thực tiễn quản lý tài sản công tại Nhật Bản

Thúy Hằng

Việc tiết kiệm, chống lãng phí ở quốc gia nào cũng đều chú trọng vào quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ cơ quan, tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và các công trình phúc lợi công cộng, quản lý và sử dụng lao động; quản lý và sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, việc sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Bài viết này đưa ra một số thực tiễn quản lý tài sản công tại Nhật Bản

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trên cơ sở Hiến pháp năm 1947, Nhật Bản ban hành Luật Tự chủ địa phương quy định chính quyền địa phương gồm hai cấp (cấp tỉnh và cấp hạt), cấp cơ sở và cấp trung gian giữa cơ sở với trung ương có quyền tự quyết và quản lý các chính sách công cộng theo sáng kiến riêng một cách tương đối tự do.

Đối với lĩnh vực quản lý tài sản công, thể chế tự chủ địa phương cho phép các địa phương tự chủ trong việc quyết định các chính sách quản lý tài sản công và mua sắm công độc lập với Chính phủ.

Vì vậy, chính sách quản lý và việc thực hiện mua sắm của các bộ, ngành trung ương có thể khác với các tỉnh và giữa các tỉnh có thể khác nhau. Tuy nhiên, tại Nhật Bản cả chính quyền trung ương và địa phương đều có xu hướng giảm chế độ mua sắm, trang bị tài sản cho các cơ quan nhà nước mà chuyển sang hình thức thuê tài sản.

Điều này thể hiện rõ qua khảo sát của Bộ Tài chính Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản) trong việc thực hiện mô hình quản lý mua sắm, trang bị tài sản theo mô hình tập trung. Năm 2000, chính quyền tỉnh Osaka đã cải cách việc mua sắm công với việc thành lập Cục Mua sắm công với nhiệm vụ quản lý về mua sắm công mà chủ yếu là đấu thầu mua sắm công đối với tất cả tài sản, hàng hóa, dịch vụ liên quan đến chi tiêu công (bao gồm cả lựa chọn nhà đầu tư, xây dựng) cho toàn tỉnh và không thu phí dịch vụ.

Đồng thời, Cục cũng thực hiện một số chức năng kiểm soát như một cơ quan quản lý công sản. Việc thực hiện mua sắm, trang bị tài sản cho các cơ quan nhà nước tại cơ quan thuộc trung ương được tổ chức theo hai hình thức (mua sắm tập trung và mua sắm phân tán). Mặc dù, chưa có quy định bắt buộc mua sắm công tập trung, chính quyền tỉnh Osaka vẫn yêu cầu tất cả hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho cơ quan nhà nước đầu bắt buộc mua sắm công tập trung và do Cục Mua sắm công thực hiện, cụ thể như:

- Đối với tài sản là trụ sở làm việc: Tại Trung ương, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện tập trung (Bộ Xây dựng quản lý việc đấu thầu xây dựng), sau khi xây dựng xong thì các bộ, ngành được giao quản lý, sử dụng và chịu trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa (trường hợp sửa chữa lớn phải thông qua Bộ Xây dựng). Tại tỉnh Osaka, việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc và quản lý (bao gồm cả cung cấp dịch vụ duy trì, bảo hành, bảo dưỡng) do Cục Mua sắm công thực hiện.

- Đối với tài sản là phương tiện vận tải: Tại Trung ương, áp dụng cơ chế mua sắm phân tán trên cơ sở tiêu chuẩn, định mức do Nhà nước ban hành. Các bộ, ngành trung ương tự đặt hàng mua sắm nhưng nếu không mua đúng quy định thì cơ quan tài chính sẽ không thanh toán.

Tuy nhiên, Chính phủ có xu hướng giảm dần việc trang bị xe công, hạn chế tiêu chuẩn, định mức, không cho các đơn vị mua xe để dần dần chuyển sang cơ chế thuê, thuê mua phương tiện. Tại tỉnh Osaka, không thực hiện việc trang bị xe công mà thực hiện cơ chế thuê phương tiện phục vụ cho hoạt động của các cơ quan của tỉnh. Việc đấu thầu thuê xe được thực hiện tập trung thông qua Cục Mua sắm công.

- Đối với máy móc, thiết bị văn phòng (máy tính, photocopy, điều hòa…): Tại các bộ, ngành trung ương và tỉnh Osaka đều không mua sắm mà thực hiện cơ chế thuê (thuê mua), thời hạn thuê trong 10 năm bao gồm cả dịch vụ bảo trì, bảo hành, bảo dưỡng trong thời gian thuê.

Ở trung ương, các bộ, ngành tự tổ chức đấu thầu thuê tài sản, còn tại tỉnh Osaka thì việc thuê máy móc, thiết bị văn phòng được thực hiện tập trung qua Cục Mua sắm công.

- Đối với tài sản là công cụ, dụng cụ tiêu hao như giấy, bút: Tại các bộ, ngành thuộc trung ương và tại tỉnh Osaka đều áp dụng theo phương thức mua sắm tập trung. Ở các bộ, ngành việc mua sắm tập trung có thể không bắt buộc nhưng tại tỉnh Osaka thì việc mua sắm tập trung những tài sản này là bắt buộc và thực hiện qua Cục Mua sắm công.