Thực tiễn quản lý và phát triển kinh tế ban đêm tại một số địa phương

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 3/2021

Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020. Đề án là dấu mốc then chốt kích hoạt và mở đường cho kinh tế ban đêm phát triển bài bản như một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bên cạnh nhiều lợi ích tiềm năng có thể khai thác thì phát triển kinh tế ban đêm cũng đặt ra những thách thức, đòi hỏi các cấp chính quyền và cơ quan quản lý phải có tư duy “mở”, quyết đoán, để xây dựng và thực thi các giải pháp cụ thể, đảm bảo hiệu quả kinh tế, đồng thời đảm bảo môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, và các vấn đề về văn hóa và xã hội khác.

Cơ hội phát triển kinh tế ban đêm ở một số địa phương

Ở Việt Nam, mặc dù chưa có thống kê đầy đủ, đánh giá chính thức, song hoạt động kinh tế ban đêm (KTBĐ) đã và đang phát triển ở nhiều đô thị lớn, đóng góp đáng kể nguồn thu vào ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế các địa phương. Đặc biệt, sau khi Đề án phát triển KTBĐ ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương đã và đang tích cực, mạnh dạn có những định hướng, chính sách phát triển KTBĐ cụ thể.

Khảo sát cho thấy, trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19, các điểm du lịch ở các thành phố lớn trên cả nước như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Sapa, Huế, Quảng Ninh, Hội An, Huế, Phú Quốc, Cần Thơ, Hải Phòng… đều đã phát triển dịch vụ ban đêm phục vụ khách du lịch. Một số hoạt động ban đêm trở thành nét văn hóa quen thuộc của một bộ phận người dân địa phương và là địa điểm không thể bỏ qua của khách du lịch. Điển hình như: Khu vực Hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội, phố đêm Bùi Viện, chợ đêm Ninh Kiều, chợ đêm Bạch Đằng, chợ đêm Hội An, chợ đêm Nha Trang, chợ Âm Phủ, phố đi bộ Hải Phòng, chợ đêm Kỳ Lừa…

Thủ đô Hà Nội là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế văn hóa của cả nước. Không chỉ sôi động ban ngày, Hà Nội về đêm cũng sở hữu nhiều tiềm năng và thuận lợi để phát triển KTBĐ. Nhắc tới Thủ đô, du khách trong và ngoài nước sẽ nghĩ tới những di tích như Chùa Một Cột, Lăng Bác, Văn Miếu Quốc Tử Giám… Khi đêm về là lúc các hoạt động KTBĐ khởi động với sự náo nhiệt ở nhiều tuyến phố như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Tạ Hiện, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Hàng Chiếu… đặc biệt là vào khoảng thời gian cuối tuần với các tuyến phố đi bộ được dựng lên ở khu vực trung tâm Thành phố.

TP. Hồ Chí Minh cũng được đánh giá là “thành phố không ngủ”. Du khách đến Thành phố này có nhiều lựa chọn để trải nghiệm các sản phẩm du lịch ban đêm, từ không gian vui chơi ở các tuyến phố đi bộ, quán cà phê, nhà hàng, quán bar, đến các câu lạc bộ đêm, các show diễn nghệ thuật... với tần suất 7 đêm/tuần. Trong chiến lược phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, sản phẩm du lịch về đêm được xác định là nhóm tạo nên sự khác biệt của Thành phố. Năm 2019, mức đóng góp trực tiếp của ngành Du lịch vào GRDP của TP. Hồ Chí Minh đạt 6,2 tỷ USD. Riêng về hoạt động kinh tế đêm, qua khảo sát trên các sản phẩm du lịch, khách nội địa đóng góp 15% cho ngành Du lịch Thành phố, trong khi khách quốc tế chỉ 5%.

Đà Nẵng được đánh giá là một trong những Thành phố có nhiều tiềm năng phát triển KTBĐ với hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất, các hoạt động, dịch vụ về đêm đã cơ bản được hình thành đồng bộ. Môi trường du lịch an toàn, thân thiện, thu hút lượng lớn du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, nghỉ dưỡng hàng năm. Những năm gần đây, một số hoạt động vui chơi, giải trí, dịch vụ ban đêm dần hình thành trên địa bàn như: Khu phố du lịch An Thượng, chợ đêm Sơn Trà, Helio, khu du lịch Sun World Danang Wonders… Đề án “Phát triển KTBĐ tại Đà Nẵng” đã được kỳ vọng là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy hoạt động du lịch thời kỳ hậu dịch bệnh Covid-19. Định hướng phát triển KTBĐ của Đà Nẵng được triển khai theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn thí điểm (dự kiến từ năm 2021-2022), Thành phố khảo sát, chọn lọc, tổ chức khai thác các khu vực, dịch vụ phục vụ KTBĐ sẵn có trên nguyên tắc bảo đảm mỹ quan, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chất lượng, tính hấp dẫn, có khả năng phát triển và có hiệu quả; đồng thời, hạn chế tối thiểu ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Giai đoạn 2 (dự kiến từ năm 2022-2025), Thành phố hoàn thành định hướng phát triển KTBĐ, hình thành mô hình KTBĐ của Đà Nẵng. Đồng thời, kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án phục vụ phát triển KTBĐ, ưu tiên xây dựng một số khu tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt, tách biệt khu dân cư, quy mô lớn và đẳng cấp ngang tầm với các khu vui chơi giải trí nổi tiếng trên thế giới. Giai đoạn 3 (dự kiến từ 2025 trở đi), Thành phố hình thành, đưa vào hoạt động các dự án, các tổ hợp giải trí ban đêm, tăng tốc phát triển và phát huy hiệu quả các hoạt động, dịch vụ phát triển KTBĐ.

Quảng Ninh cũng là Tỉnh có nhiều nỗ lực phát triển KTBĐ trong những năm gần đây. Với quyết tâm xây dựng Quảng Ninh trở thành một điểm đến sôi động, hấp dẫn, phát huy tối đã cơ sở hạ tầng ban ngày, giải quyết việc làm và thu nhập cho người dân, tháng 6/2020, UBND Tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng Đề án phát triển KTBĐ trên địa bàn Tỉnh. Quan điểm là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt, sản phẩm khác biệt, dựa vào 3 trụ cột chính là thiên nhiên, con người, văn hóa.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, các sở, ngành, địa phương đã rà soát, lựa chọn tổ chức khai thác các khu vực, dịch vụ. Trong đó, TP. Hạ Long được đánh giá có nhiều lợi thế khi có nhiều không gian để du khách tham quan, mua sắm và giải trí về đêm. TP. Hạ Long dự kiến chọn đảo Tuần Châu, Quảng trường 30/10, tuyến phố đi bộ tại Khu du lịch Sunworld kết nối quảng trường Marina, chợ đêm phường Hùng Thắng, khu vực Cột Đồng Hồ... để xây dựng và phát triển các loại hình dịch vụ cho KTBĐ. Những địa điểm này đều có lợi thế về hạ tầng, có thể phát triển tất cả các lĩnh vực dịch vụ là vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm, du lịch.

Sắp tới, TP. Hạ Long sẽ dành ngân sách địa phương để đầu tư, trang trí thêm các hệ thống đèn chiếu sáng tại các trục đường chính; hạ tầng công cộng... theo hướng hiện đại. Kéo dài thời gian cung cấp dịch vụ, bán hàng của các trung tâm thương mại, siêu thị đến 23h hàng ngày. Dự kiến, đến năm 2025 sẽ hình thành một khu vực tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt tại đảo Tuần Châu.

Ngoài Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh thì một số tỉnh, thành phố khác như: Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang, Vũng Tàu… có du lịch phát triển cũng hình thành các hoạt động KTBĐ và bước đầu đã thu được hiệu quả nhất định. Thống kê cho thấy, năm 2019, chợ đêm Phú Quốc thu hút 3.500 khách và mức chi tiêu bình quân tăng lên 150 USD/người/đêm. Như vậy, riêng sản phẩm “chợ đêm” Phú Quốc đã thu về cho địa phương hơn 10 tỷ đồng mỗi đêm.

Một số rào cản và hàm ý chính sách

Tuy hoạt động KTBĐ ở một số địa phương đã đạt những kết quả bước đầu nhưng quy mô và hiệu quả tổng thể còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm du lịch, dịch vụ nhìn chung còn sơ sài, nghèo nàn, thiếu bản sắc. Quan niệm về tính tất yếu của các loại hình dịch vụ giải trí hướng tới đối tượng người trưởng thành cũng là một trong những rào cản lớn, hạn chế sự đa dạng trong cung cấp dịch vụ cho du khách.

Các quy định hiện hành nhìn chung còn cứng nhắc về thời gian mở cửa của các cơ sở kinh doanh, vũ trường, quán hát, nhà hàng, đa phần phải đóng cửa trước 24h tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hoặc trước 22h ở các tỉnh, thành phố khác. Các hoạt động KTBĐ thiếu sự kết nối giữa các loại hình vui chơi giải trí, các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường, âm nhạc, phim ảnh, nghệ thuật, lễ hội, tham quan, du lịch, mua sắm, do vậy hiệu quả khai thác còn nhiều hạn chế.

Một thách thức lớn khác đối với phát triển KTBĐ là Việt Nam chưa có quy hoạch cụ thể về phát triển hạ tầng các khu vui chơi giải trí tầm cỡ khu vực và quốc tế. Nhìn chung hiện các địa phương đang dựa trên cơ sở hạ tầng hiện có để tổ chức các hoạt động KTBĐ, chưa có một địa phương nào quy hoạch, tổ chức thành các khu riêng biệt cho hoạt động về đêm, cũng như chưa đầu tư nhiều vào bổ sung, cải tạo thêm về cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin… cho hoạt động KTBĐ. Nhiều dịch vụ phục vụ du lịch xem lẫn trong khu dân cư, tạo ra tiếng ồn, giao thông đông đúc, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Ở nhiều nơi tiêu chuẩn vệ sinh đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn phòng dịch…. chưa được tuân thủ chặt chẽ, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm ánh sáng và rủi ro bùng phát bệnh dịch. Việc tiếp cận dịch vụ công cộng (như: xe bus, nhà vệ sinh công cộng...) chưa thuận lợi và chưa có cơ chế kiểm soát rủi ro hoạt động KTBĐ bài bản. Thêm nữa tác phong phục vụ du khách nhiều nơi còn thiếu chuyên nghiệp, kinh doanh còn mang tính “chộp giật”, chặt chém du khách, tạo ra ấn tượng không tốt cho du khách, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia nói chung và ngành kinh tế dịch vụ nói riêng.

Nhìn chung, các nỗ lực phát triển KTBĐ thời gian qua ở Việt Nam vẫn dựa vào nỗ lực manh mún, riêng lẻ của các địa phương nơi có tập trung nhiều khách du lịch. Các địa phương chưa đưa ra được giải pháp khả thi thu hút các nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm nhằm để xây dựng các tổ hợp dịch vụ vui chơi giải trí, nhất là giải trí về đêm, khu mua sắm, ẩm thực cũng như các chương trình biểu diễn nghệ thuật quy mô, đặc sắc nhằm thu hút và giữ chân du khách. Hệ thống văn bản pháp luật hiện hành còn thiếu các cơ chế, chính sách quy định về quản lý, giám sát các hoạt động KTBĐ một cách hệ thống.

Nhằm góp phần giải quyết những tồn tại, bất cập nảy sinh từ thực tiễn, thời gian tới, các địa phương cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, xác định nhu cầu và tiềm năng phát triển KTBĐ: Suy cho cùng, phát triển KTBĐ phải hướng đến hiệu quả, đảm bảo hiệu quả tổng thể của kinh tế địa phương lớn hơn tổng chi phí bỏ ra, đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững. Các địa phương cần xem xét phát triển KTBĐ có trọng tâm, trọng điểm, trên cơ sở phân tích có cơ sở khoa học về nhu cầu và sự sẵn sàng chi trả, cũng như xu hướng của giới trẻ và du khách; xem xét về khả năng bố trí không gian, xây dựng các cơ sở hạ tầng hỗ trợ, khả năng thu hút, huy động nguồn lực đầu tư của từng địa phương cụ thể.

Hai là, xác định tư duy cấp tiến trong quản lý nhà nước: Vấn đề đầu tiên là “cởi trói tư duy”. Phát triển KTBĐ nhất thiết phải khắc chế tư duy “không quản được thì cấm” trong các cơ quan quản lý nhà nước. Mọi cơ hội phát triển đều gắn với những thách thức cần xử lý và phát triển KTBĐ cũng không phải ngoại lệ. Cần nhìn nhận rằng, phát triển KTBĐ nếu được quản lý tốt sẽ có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, khai thác tiềm năng các hoạt động du lịch, dịch vụ, mua sắm, văn hóa, quảng bá văn hóa và nền ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Theo đó, chính quyền địa phương cần tư duy mở, cấp tiến, mạnh dạn, quyết đoán và quyết liệt trong xác định mục tiêu và thực hiện kế hoạch hành động theo lộ trình đặt ra.

Ba là, đảm bảo an ninh, an toàn, tạo thuận lợi cho du khách: Các địa phương xem xét tích hợp mô hình và công nghệ quản lý đô thị thông minh vào quản lý KTBĐ dựa trên phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, hệ thống camera giám sát, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt để nâng cao năng lực đảm bảo an ninh, an toàn và gia tăng sự tiện lợi cho du khách. Tận dụng lợi thế và tạo điều kiện hoạt động cho các hãng gọi xe công nghệ như Grab, Be, Gojek để kết nối với du khách; mở các điểm kết nối thuận lợi cho tài xế đưa đón khách đến các khu vực có hoạt động KTBĐ. Các địa phương cần xem xét thành lập lực lượng chuyên trách, xử lý sự vụ đối với các vấn đề phát sinh trong các hoạt động dịch vụ ban đêm. Lực lượng này cần được đào tạo bài bản về kỹ năng, nghiệp vụ, đảm bảo ứng trực liên tục để đảm bảo an toàn tài sản, an toàn thân thể, an toàn vệ sinh thực phẩm cho du khách, an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn phòng dịch cho cộng đồng và doanh nghiệp.

Bốn là, quy hoạch không gian và xây dựng cơ sở hạ tầng: Những quốc gia có hoạt động KTBĐ sôi động như: Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Philippines đều khẳng định tầm quan trọng của công tác quy  hoạch bố trí các khu vực/không gian riêng cho hoạt động KTBĐ tách khỏi khu dân cư, đặc biệt là các tụ điểm vui chơi, giải trí hướng tới đối tượng người trưởng thành.

Do vậy, quy hoạch không gian cho KTBĐ cần được các địa phương tích hợp vào quy hoạch phát triển đô thị, phát triển dịch vụ, du lịch. Các tỉnh/thành phố nhiều tiềm năng phát triển KTBĐ có thể xem xét điều chỉnh quy hoạch, bố trí quỹ đất để mời gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án liên quan. Ví dụ: Hà Nội có thể xem xét hồi sinh các dự án tham vọng xây dựng thành phố ven sông Hồng để tận dụng, khai thác nguồn quỹ đất rộng lớn dọc hai bờ sông để phát triển đô thị kết hợp thúc đẩy du lịch, bố trí các tổ hợp vui chơi giải trí tại các khu vực gần trung tâm thành phố.

Để thực hiện dự án này cần có các cơ chế và giải pháp đột phá, vừa hiện thực hóa được các mục tiêu về kinh tế và phát triển đô thị, đồng thời giải quyết thấu đáo và khoa học các vấn đề liên quan như trị thủy, tái định cư, giảm thiểu tác động môi trường bất lợi… Việc quy hoạch, phân khu chức năng các tổ hợp dịch vụ du lịch cũng giúp thuận lợi trong triển khai thử nghiệm chính sách theo hướng hợp thức hóa một số loại hình hoạt động giải trí hướng đối tượng (người trưởng thành) nhằm thu hút khách du lịch.

Năm là, rà soát và bổ sung các quy định pháp lý: Các địa phương cần xem xét bổ sung các quy định hoặc đề nghị Trung ương xem xét sửa đổi các quy định pháp luật liên quan. Trước mắt, cho phép kéo dài thời gian mở cửa đối với các dịch vụ kinh doanh ban đêm, hoặc cho hoạt động xuyên đêm với một số dịch vụ vui chơi giải trí đặc thù hướng đối tượng người lớn. Cụ thể như: Rà soát, kiến nghị sửa đổi Luật Lao động theo hướng tăng cường tính linh hoạt cho doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động.

Đề xuất bỏ quy định khống chế giờ làm thêm đối với người lao động, bỏ quy định khống chế giờ kinh doanh ban đêm, hướng đến nền kinh tế 24h. Kiến nghị cho phép cơ quan quản lý xử lý phạt vi phạm hành chính tức thời đối với du khách, để giảm thiểu phiền phức hoặc thậm chí ngăn trở kế hoạch công việc của du khách. Đồng thời, rà soát và điều chỉnh các quy định, thiết lập và thực thi các chế tài xử lý nghiêm các cá nhân và các cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm trật tự, an ninh công cộng, vệ sinh an  toàn thực phẩm để đảm bảo quyền lợi và an toàn cho người tiêu dùng và du khách. Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung các chế tài xử lý nghiêm các cá nhân và đơn vị quản lý lợi dụng chức trách, vị trí thực hiện các hành vi gây khó dễ đối với các cơ sở kinh doanh ban đêm.

Sáu là, đẩy mạnh truyền thông về KTBĐ: Sử dụng rộng rãi các công cụ và mạng lưới truyền thông để tuyên truyền, tăng cường nhận thức của các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và công chúng về phát triển KTBĐ và các vấn đề liên quan, hướng đến xóa bỏ định kiến và lối suy nghĩ “thủ cựu”. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục và trang bị kiến thức về đảm bảo tuân thủ các quy định về vệ sinh môi trường và đảm bảo an ninh trật tự cho các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ tham gia KTBĐ; tuyên truyền hạn chế sử dụng đồ dùng từ chất thải rắn, hạn chế sử dụng túi nilon, đồ dùng một lần trong phục vụ sinh hoạt, ăn uống của du khách và người tiêu dùng.

Bảy là, xúc tiến đầu tư, quảng bá các hoạt động KTBĐ, hỗ trợ doanh nghiệp: Đẩy mạnh xúc tiến du lịch, quảng bá các hoạt động KTBĐ. Các địa phương xác định trọng tâm phát triển KTBĐ cần xây dựng   và triển khai các chương trình, tour du lịch ban đêm để thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển dịch vụ mua sắm qua chuỗi các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, cửa hàng thời trang… nhằm kích thích tiêu dùng và quảng bá các sản phẩm truyền thống của địa phương.

Hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá rộng rãi các chương trình du lịch và hoạt động KTBĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội để tăng mức độ bao phủ và khả năng tiếp cận du lịch cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, xây dựng và thực thi các chính sách khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia hoạt động KTBĐ. Các chủ thể này cần được tiếp cận các chính sách ưu đãi với thủ tục hành chính một cửa thuận lợi. Các chính sách ưu đãi có thể xem xét như miễn giảm thuế theo lộ trình hoặc/hỗ trợ tiếp cận tín dụng chính thức qua hệ thống ngân hàng cho các cơ sở kinh doanh mới mở.                                          

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam;
  2. CIEM (2019), “Báo cáo đề án kinh tế chia sẻ”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
  3. Đăng Khôi (2019), Kinh tế ban đêm - Những con số hấp dẫn và thách thức chờ đợi, https://baodautu.vn/kinh-te-ban-dem---nhung-con-so-hap-dan-va-thach- thuc-cho-doi-d106874.html\. Truy cập 27/12/2020;
  4. Hoàng Văn Minh (2019), Đà Nẵng phát triển kinh tế đêm để giữ chân khách du lịch, https://dulich.laodong.vn/san-pham/da-nang-phat-trien-kinh-te-dem-de- giu-chan-khach-du-lich-763098.html, Truy cập 25/12/2020;
  5. Hoàng Vũ(2019), Thắp sáng du lịch bằngkinhtếban đêm, https://www.nhandan. vn/cuoituan/thoi-su-chinh-tri/item/42239602-%E2%80%9Cthap- sang%E2%80%9D-du-lich-bang-kinh-te-ban-dem.html]. Truy cập 28/12/2020;
  6. Người Hà Nội (2019), Kinh tế ban đêm - lĩnh vực phát triển tiềm năng của du lịch Việt, http://nguoihanoi.com.vn/kinh-te-ban-dem-linh-vuc-phat-trien-tiem- nang-cua-du-lich-viet_256641.html, Truy cập 28/12/2020;
  7. Phương Thảo (2019), Kinh tế ban đêm: Hãy mạnh dạn thay đổi tư duy và tiến bước, https://enternews.vn/kinh-te-ban-dem-hay-manh-dan-thay-doi-tu-duy- va-tien-buoc-158125.html, Truy cập 27/12/2020.