Hướng tới hệ thống quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp
Tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc triển khai hiệu quả các hệ thống quản trị doanh nghiệp vẫn luôn là một thách thức lớn.
Điều này, theo đánh giá của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, trở ngại lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) tới đây, đặc biệt là trong hợp tác, triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu với các doanh nghiệp châu Âu - có trình độ quản trị cao, chuyên nghiệp, minh bạch và tính tuân thủ cao.
Báo cáo nghiên cứu Thẻ điểm Quản trị công ty tại Việt Nam cho thấy, công tác quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam còn nhiều điểm cần hoàn thiện. Trong đó, mức điểm số quản trị doanh nghiệp bình quân chung của 100 công ty niêm yết tại Việt Nam là 42,5%, rất thấp so với tiêu chuẩn thực tiễn quản trị doanh nghiệp tốt là 65-74%. Điểm số cho tất các tiêu chí về hiệu quả hoạt động quản trị doanh nghiệp tổng thể, quyền của cổ đông, đối xử bình đẳng với cổ đông, vai trò của các bên có quyền lợi liên quan, minh bạch và công bố thông tin, trách nhiệm của hội đồng quản trị hay ban kiểm soát của các doanh nghiệp được nghiên cứu đều ở dưới mức 60%. Có thể thấy rõ rằng, công tác quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam chưa thực sự trở thành trọng tâm trong quá trình đưa ra quyết định của doanh nghiệp.
Trên thực tế, việc xây dựng được một hệ thống quản trị chuyên nghiệp lại đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự tăng trưởng giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao lợi thế cạnh tranh và hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu. Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), chất lượng của công tác quản trị doanh nghiệp trong nước ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đạt được năng suất lao động bền vững, việc tăng trưởng và khả năng thành công trong việc đạt được các mục tiêu phát triển dài hạn của quốc gia đó. Quản trị doanh nghiệp hiệu quả có chức năng thiết lập các hệ thống nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ mạnh mẽ những thay đổi trong môi trường kinh doanh.
Do vậy, xúc tiến thương mại đầu tư giữa các doanh nghiệp trong bối cảnh mới, đặc biệt là xúc tiến đầu tư giữa Việt Nam với EU, phải làm theo phương thức, chiến lược mới. Theo đó, EVFTA sẽ trở thành động lực thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vươn tới những chuẩn mực về quản trị chuyên nghiệp của châu Âu để có thể kết nối được với các doanh nghiệp châu Âu. Sự minh bạch, sự liêm chính, sự chuyên nghiệp sẽ là những chuẩn kết nối quan trọng. Bởi trước khi nói đến việc mua bán những sản phẩm gì, yếu tố cần tính đến chính là cách thức làm ăn kinh doanh như thế nào. Và doanh nghiệp Việt Nam phải đạt được chuẩn trong kết nối, cách thức quản trị của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới mới có thể thúc đẩy được quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và EU.
Chính vì thế, một cuộc cách mạng, tái cơ cấu về quản trị hướng tới một nền quản trị bài bản, minh bạch hơn, chuyên nghiệp hơn đó là yêu cầu quan trọng nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thời gian thực thi EVFTA đã cận kề. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cũng sẽ là động lực để cuộc cách mạng này được đẩy nhanh hơn.
Trong quá trình hợp tác, các doanh nghiệp trong nước có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trực tiếp, hay tiếp nhận các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật kèm theo khi đặt hàng của các doanh nghiệp châu Âu để có thể cải thiện quản trị, công nghệ và tiếp cận được các chuẩn mực của họ. Và bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành một khung thể chế chi tiết hơn và mạnh mẽ hơn về quản trị doanh nghiệp nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi, hướng đến tạo ra văn hóa quản trị doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với mức độ tuân thủ cao hơn, chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn; đóng vai trò như một tiêu chuẩn trong hoạt động kinh doanh.