Thực tiễn quy định pháp lý về đăng ký kinh doanh đối với cá nhân kinh doanh
Theo quy định hiện hành, cá nhân nhân kinh doanh là cá nhân có phát sinh hoạt động thương mại, kinh doanh những ngành nghề được pháp luật cho phép nhưng không có đăng ký kinh doanh. Như vậy, cá nhân kinh doanh cũng là một thành phần kinh tế trong xã hội nhưng không cần phải đăng ký kinh doanh.
Khái niệm và đặc điểm cá nhân kinh doanh
Theo quy định hiện hành, cá nhân nhân kinh doanh là cá nhân có phát sinh hoạt động thương mại, kinh doanh những ngành nghề được pháp luật cho phép, nhưng không có đăng ký kinh doanh. Như vậy, cá nhân kinh doanh cũng là một thành phần kinh tế trong xã hội nhưng không cần phải đăng ký kinh doanh.
Hiện nay, một cá nhân muốn thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ tự mình hoặc tham gia cùng các cá nhân khác tổ chức các mô hình kinh doanh theo một trong các hình thức sau: doanh nghiệp (được thành lập theo Luật Doanh nghiệp); các loại hình kinh doanh (được thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành); tổ hợp tác; hợp tác xã; liên hiệp hợp tác xã; hộ kinh doanh (được thành lập theo Luật Hợp tác xã).
Tuy vậy, trên thực tế vẫn có những trường hợp cá nhân không có nhu cầu thành lập hộ kinh doanh, chỉ đăng ký với cơ quan thuế, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế với cơ quan Nhà nước và không đăng ký kinh doanh, nhưng vẫn có thể tiến hành hoạt động kinh doanh bình thường (do pháp luật về đăng ký kinh doanh hiện nay chỉ quy định quyền được đăng ký kinh doanh, không quy định nghĩa vụ bắt buộc phải đăng ký kinh doanh).
Trước đây, Bộ Luật Dân sự của vẫn duy trì tư cách chủ thể của hộ gia đình và tổ hợp tác, độc lập với tư cách chủ thể của cá nhân và pháp nhân. Tuy nhiên, Điều 101 và Điều 104 của Bộ Luật Dân sự năm 2015 đã bỏ tư cách chủ thể của hộ gia đình và tổ hợp tác, chỉ còn duy trì tư cách chủ thể của cá nhân và pháp nhân. Theo đó, tư cách chủ thể của hộ gia đình và tổ hợp tác sẽ được quy về cá nhân và quan hệ đại diện giữa các cá nhân đó.
Cùng xuất phát từ quy định này, các quy định pháp luật trong các lĩnh vực như tài chính, tín dụng, ngân hàng, hợp đồng… cũng không còn công nhận tư cách chủ thể của hộ gia đình là một bên trong hợp đồng dân sự. Các giao dịch giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính cũng được quy về quan hệ với cá nhân là chủ hộ kinh doanh.
Do vậy, các hộ kinh doanh không được vay vốn dưới chủ thể là hộ kinh doanh, và gặp nhiều khó khăn khi giao kết hợp đồng dân sự dưới tên hộ kinh doanh. Để vay vốn, hộ kinh doanh thực hiện vay vốn dưới hình thức hợp đồng tín dụng giữa tổ chức tín dụng và chủ hộ kinh doanh với tư cách cá nhân.
Các cá nhân và thành viên gia đình đăng ký thành lập hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm vô hạn về nghĩa vụ tài sản phát sinh từ hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Bản chất này của chủ hộ kinh doanh tương tự như trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân: nếu tài sản kinh doanh không đủ để trả nợ thì chủ doanh nghiệp phải dùng chính tài sản của mình để hoàn trả nghĩa vụ tài sản đã phát sinh.
Từ góc độ này, hộ kinh doanh có tính chất rất giống như loại hình doanh nghiệp tư nhân được quy định trong Luật Doanh nghiệp, hay hình thức doanh nghiệp một chủ (sole proprietorship hay sole trader) ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Quy phạm pháp luật về cá nhân kinh doanh tại Việt Nam
Theo chuyên gia ở Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Thương mại 2005 quy định hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Hoạt động kinh doanh theo định nghĩa tại Luật Doanh nghiệp 2020 “là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận” cũng mang bản chất là hoạt động thương mại.
Điều 6 Luật Thương mại 2005 quy định thương nhân (các chủ thể tiến hành hoạt động thương mại) bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Như vậy, pháp luật thương mại quy định rõ về 2 nhóm chủ thể kinh doanh là tổ chức kinh tế và cá nhân, hai nhóm này đều phải có đăng ký kinh doanh để được ghi nhận tư cách thương nhân. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có khung khổ pháp lý về đăng ký kinh doanh đối với nhóm chủ thể kinh doanh là tổ chức kinh tế, chưa có đầy đủ quy định về đăng ký kinh doanh đối với cá nhân kinh doanh.
Các nội dung về đăng ký kinh doanh được xây dựng và ban hành gắn với quá trình xây dựng và phát triển khung pháp lý về các chủ thể kinh doanh thuộc thành phần kinh tế tư nhân nhằm cụ thể hóa chủ trương “Đổi mới” của Đảng và Nhà nước, trong đó có các văn bản pháp luật quy định về thương mại/thương nhân và doanh nghiệp. Luật Công ty 1990 và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990 là những văn bản pháp lý đầu tiên quy định về việc thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp, công ty, trong đó có các quy định về đăng ký kinh doanh (không có quy định về đăng ký kinh doanh của cá nhân kinh doanh). Các quy định đăng ký kinh doanh được kế thừa tại các Luật Doanh nghiệp các năm 1999, 2005, 2014 và 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này (Nghị định và Thông tư hướng dẫn về đăng ký kinh doanh/đăng ký doanh nghiệp). Luật Thương mại 1997 đưa ra các quy định về đăng ký kinh doanh đối với thương nhân (trong đó bao gồm cả thương nhân là cá nhân).
Nhưng sau đó, kể từ năm 2005, các nội dung đăng ký kinh doanh không còn được quy định tại Luật Thương mại. Kể từ năm 2005, chỉ còn quy định về đăng ký kinh doanh tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành – các văn bản vốn chỉ quy định về đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, không quy định về cá nhân kinh doanh.
Như vậy, quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh hiện nay mới chỉ ghi nhận việc đăng ký của thương nhân dưới dạng tổ chức kinh tế, chưa có quy định về đăng ký thương nhân theo hình thức cá nhân kinh doanh (Hiện chỉ có quy định về các trường hợp hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và không phải đăng ký kinh doanh).