Thực trạng dịch vụ du lịch đối với khách du lịch tại TP. Hà Nội

TS. Nguyễn Đức Dương - Học viện Ngân hàng TS. Nguyễn Minh Tuấn - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nộ

Hà Nội là Thủ đô, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước. Hà Nội có di tích lịch sử hình thành và phát triển hơn 1000 năm văn hiến và là nơi quy tụ nhiều di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng; là đầu mối giao thông nối với các tỉnh, các nước trong khu vực và toàn cầu. Với những lợi thế tự nhiên, Hà Nội đã thực sự là trung tâm thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Thời gian qua, du lịch Hà Nội đã có sự tăng trưởng đều đặn. Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Bài viết này nghiên cứu thực trạng dịch vụ du lịch đối với khách du lịch tại TP. Hà Nội, từ đó, tìm ra giải pháp góp phần nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn.

Thực trạng phát triển du lịch trên địa bàn TP. Hà Nội

Với lợi thế là Thủ đô “ngàn năm văn hiến”, lượng khách du lịch nội địa đến Hà Nội luôn ở vị trí hàng đầu cả nước. Hà Nội là trung tâm tiếp nhận và phân phối khách du lịch đến các vùng du lịch phía Bắc và các vùng, miền khác trên lãnh thổ Việt Nam cũng như tới các nước trong khu vực. Thực trạng phát triển du lịch trên địa bàn TP. Hà Nội thời gian qua có một số đặc điểm sau:

Khách du lịch đến Hà Nội

Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2023, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24,72 triệu lượt khách, tăng 31,0% so với năm 2022 (tăng 11,7% so với kế hoạch). Trong đó gồm: 4,72 triệu lượt khách quốc tế (có 3,33 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng 2,8 lần so với năm 2022 (tăng 57,5% so với kế hoạch) và 20 triệu lượt khách nội địa, tăng 16,3% so với năm 2022 (tăng 5,3% so với kế hoạch).

Điểm đến du lịch trên địa bàn TP. Hà Nội

TP. Hà Nội có khoảng 136 điểm tham quan du lịch, trong đó có 35 khu, điểm du lịch đã được UBND Thành phố công nhận. Bên cạnh các điểm đến di tích, di sản do các cơ quan, đơn vị nhà nước quản lý như: khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò… các điểm do các doanh nghiệp quản lý, vận hành như: khu vui chơi giải trí Tuần Châu (huyện Quốc Oai), điểm du lịch Thiên Đường Bảo Sơn, khu du lịch Ao Vua cũng đang phát triển, mở rộng quy mô và đa dạng các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Chỉ tiêu hoạt động của các cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch

Theo Sở Du lịch Hà Nội, đối với hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, Hà Nội có 3.759 cơ sở lưu trú du lịch với 71.050 phòng, trong đó có 606 khách sạn, căn hộ đã được xếp hạng từ 1-5 sao với 26.445 phòng (chiếm 16,1% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 37% tổng số phòng). Năm 2023, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt khoảng 59,4%, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 30 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 37 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 07 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 02 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phục vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến thăm quan và mua sắm.

Công tác quản lý hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên

Theo sở Du lịch Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội có 1.779 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; 351 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; 32 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch, 07 văn phòng đại diện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài; 5.393 hướng dẫn viên du lịch quốc tế; 2.230 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 103 hướng dẫn viên du lịch tại điểm đang hoạt động.

Đánh giá xếp hạng của các tổ chức về du lịch Hà Nội

Những năm qua, du lịch Hà Nội được vinh danh với nhiều giải thưởng quốc tế, khẳng định vị trí, vai trò của Du lịch Thủ đô trong nước, khu vực và quốc tế. Đặc biệt, năm 2023, du lịch Hà Nội đã nhận được rất nhiều giải thưởng và đánh giá của xếp hạng của các tổ chức về du lịch trên thế giới như: Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (Word Travel Awards) trao cho Hà Nội 02 giải thưởng thế giới và 03 giải thưởng châu Á gồm: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới cho kỳ nghỉ ngắn ngày - World’s Leading City Break Destination 2023; Điểm đến thành phố Golf tốt nhất thế giới năm 2023 - World’s Best Golf City Destination 2023 từ Tổ chức Giải thưởng Golf thế giới; Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2023 - Asia’s Leading City Destination 2023; Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày năm 2023 - Asia’s Leading City Break Destination 2023; Cơ quan quản lý du lịch Thành phố hàng đầu châu Á - Asia’s Leading City Tourist Board.

Bên cạnh đó, Hà Nội có 48/103 nhà hàng được Michelin Guide - Cẩm nang ẩm thực danh giá nhất thế giới tuyển chọn; trong đó có 03 nhà hàng đạt 1 sao Michelin (Nhà hàng Gia, Nhà hàng Hibana by Koki của Khách sạn Capella Hanoi và Nhà hàng Tầm Vị);

Giải thưởng Ẩm thực thế giới vinh danh Hà Nội là “Điểm đến thành phố ẩm thực mới nổi tốt nhất châu Á năm 2023”; Hà Nội được độc giả trên nền tảng du lịch lớn nhất thế giới Tripadvisor bình chọn là một trong 20 điểm đến (đứng 3/20) ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2023, đứng thứ 17/25 trong danh sách 25 địa danh nổi tiếng để đi du lịch; Tạp chí The Travel bình chọn TP. Hà Nội lọt vào Top 10 điểm đến đẹp nhất Đông Nam Á…

Tuy nhiên, bên cạnh những thế mạnh, du lịch Hà Nội còn có những mặt hạn chế. Cụ thể, chất lượng sản phẩm du lịch chưa đồng đều, chưa đa dạng, còn thiếu tính sáng tạo, thiếu những sản phẩm du lịch cốt lõi, chủ lực mang đậm bản sắc của Hà Nội. Hà Nội còn thiếu các khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng có quy mô lớn, chất lượng cao và đẳng cấp đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách. Bên cạnh đó, quy mô doanh nghiệp du lịch còn nhỏ, sức cạnh tranh yếu, chưa hình thành được doanh nghiệp du lịch mạnh có thương hiệu tầm cỡ quốc tế. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch chưa đồng bộ, phân bổ phân tán, thiếu về số lượng, chất lượng không đồng đều, thiếu cơ sở lưu trú có chất lượng cao (4-5 sao).

Giải pháp phát triển dịch vụ du lịch ở Hà Nội

Bảng 1: Số lượng khách du lịch đến Hà Nội

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2023/2022

Chênh lệch

Tỷ lệ (%)

Tổng lượng khách

Lượt khách

5.611.702

18.876.977

24.726.235

5.849.258

131,0

1

Khách quốc tế

Lượt khách

1.361.702

1.676.977

4.726.235

3.049.258

281,8

2

Khách Nội địa

Lượt khách

4.250.000

17.200.000

20.000.000

2.800.000

116,3

Nguồn: Sở Du lịch Hà Nội

Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ trên địa bàn TP. Hà Nội, thời gian tới, Thành phố cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ sau:

Thứ nhất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với môi trường. Phát triển đa dạng các loại hình cơ sở lưu trú, từ hệ thống cơ sở lưu trú cao cấp (khách sạn từ 4-5 sao, căn hộ du lịch cao cấp, biệt thự du lịch) đến hệ thống khách sạn xếp hạng từ 1-3 sao, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), làng du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch...

Thứ hai, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.

Đẩy mạnh phát triển du lịch đa dạng, độc đáo, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và xu hướng thế giới. Bên cạnh những loại hình du lịch truyền thống mà Hà Nội đang triển khai như: du lịch di sản văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, mô hình du lịch cộng đồng - hình thức kinh doanh du lịch dựa trên tài nguyên thiên nhiên, đặc điểm văn hóa địa phương để phát triển du lịch. Mô hình du lịch cộng đồng điển hình là làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) với khoảng 10% số hộ dân trên địa bàn xã Đường Lâm tham gia cung cấp dịch vụ du lịch cộng đồng. Họ cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan, giúp du khách trải nghiệm cảm giác “được làm nông dân”. Bên cạnh đó, trên địa bàn Thành phố còn có nhiều điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn khác như: Làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), làng rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh), làng nhiếp ảnh Lai Xá (huyện Hoài Ðức), làng thuốc nam người Dao (huyện Ba Vì)… Bên cạnh đó chọn một số làng nghề tiêu biểu để nâng cấp; nâng cấp chất lượng các tuyến phố đi bộ; nâng cấp hạ tầng du lịch, chỉnh trang cảnh quan chung của thành phố, đặc biệt các quận nội thành và tuyến phố cổ…

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ phát triển du lịch. Chú trọng đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, môi trường, bưu chính viễn thông, hạ tầng các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến phát triển du lịch như ngân hàng, tài chính, tín dụng, y tế. Trong đó, các công trình kết cấu hạ tầng then chốt như: giao thông, điện, cấp thoát nước và xử lý môi trường có ý nghĩa nền tảng cho sự phát triển của du lịch nói riêng cũng như của tất cả các ngành khác trong Thành phố nói chung.

TP. Hà Nội cần chú trọng các cơ chế, chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn để thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở vật chất ngành Du lịch, đầu tư vào các dự án du lịch trọng điểm. Thu hút nguồn vốn từ dân cư, cộng đồng địa phương cho đầu tư phát triển du lịch, tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo môi trường tài chính tin cậy và hành chính thuận lợi; đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, các hình thức tạo vốn, huy động tiền vay, mở rộng các nguồn thu. Đẩy mạnh xã hội hóa và khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia các hoạt động đầu tư phát triển du lịch.

Thứ tư, đẩy mạnh các hình thức xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển thị trường. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch và phát triển thị trường của du lịch Hà Nội những năm tới cần đẩy mạnh để phục vụ tốt hơn cho sự phát triển du lịch. Thành phố cần triển khai tích cực chiến lược, các chương trình, kế hoạch dài hạn và hằng năm về xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh các nội dung xúc tiến, quảng bá riêng của thành phố, đồng thời gắn với xúc tiến, quảng bá du lịch khu vực và cả nước để tạo hiệu quả tổng hợp trong xúc tiến, quảng bá. Tăng cường cung cấp thông tin, hướng dẫn cho khách du lịch; đầu tư đổi mới thiết kế, hình thức các ấn phẩm du lịch Hà Nội, như: bản đồ du lịch, cẩm nang du lịch, bản tin du lịch... để tăng tính hấp dẫn và phong phú.

Cần xây dựng hệ thống điểm hướng dẫn và cung cấp thông tin cho khách du lịch ở những đầu mối giao thông quan trọng và đặc biệt là ở các khu điểm du lịch, các trung tâm lữ hành. Phát triển các hoạt động E-marketing, mở rộng nội dung thông tin trên các trang web của thành phố, cập nhật đầy đủ các thông tin du lịch của thành phố, hoàn chỉnh hơn các công cụ tra cứu du lịch và xây dựng các ấn phẩm giới thiệu, quảng cáo điện tử trên trang web với giao diện và cách thức thể hiện hấp dẫn hơn. Đây là giải pháp phù hợp với xu thế của xã hội hiện đại, tiện lợi, để nhanh chóng đưa thông tin cập nhật về du lịch Hà Nội đến với các thị trường khách du lịch trong nước và toàn thế giới.

* Bài báo được thực hiện dưới sự hỗ trợ nghiên cứu của đề tài: “Nghiên cứu sự hài lòng của khách du lịch đối với chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn TP. Hà Nội” Mã số: 13.01.24.F.23 do Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì.

Tài liệu tham khảo:

  1. Chính phủ (2020), Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020, phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030;
  2. Sở Du lịch Hà Nội (2022), Báo cáo tình hình phát triển cơ sở lưu trú tại Hà Nội giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021;
  3. Sở Du lịch Hà Nội (2022), Báo cáo tổng kết kết quả công tác quản lý và phát triển du lịch, năm 2020, 2021;
  4. Sở Du lịch Hà Nội (2021), Báo cáo tổng kết kết quả khảo sát khách du lịch năm 2021;
  5. Hair, J.F. Jr. , Anderson, R.E., Tatham, R.L., & Black, W.C. (1998), Multivariate Data Analysis, (5th Edition). Upper Saddle River, NJ: Prentice Hall.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 11/2024