Thực trang phát triển kinh tế hợp tác xã trong thời gian qua

Thục Quyên

Kinh tế hợp tác xã luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Đến nay, cả nước có tổng cộng 29.021 HTX, trong đó, có 19.384 HTX nông nghiệp, chiếm 68,8%, 8.456 HTX phi nông nghiệp, chiếm 29,1%
Đến nay, cả nước có tổng cộng 29.021 HTX, trong đó, có 19.384 HTX nông nghiệp, chiếm 68,8%, 8.456 HTX phi nông nghiệp, chiếm 29,1%

Chính sách phát triển kinh tế hợp tác xã

Kinh tế hợp tác xã (HTX) ở Viêt Nam được hình thành, hoạt động từ lâu, tuy nhiên, bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của loại hình kinh tế này gắn với sự đổi mới, hội nhập, kinh tế thị trường khi Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/03/2002, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT).

Trong đó, đã khẳng định rõ vai trò, vị trí quan trọng nòng cốt của kinh tế HTX trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nghị quyết số 13-NQ/TW đặt ra mục tiêu là sớm đưa kinh tế HTX thoát khỏi yếu kém, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong nền kinh tế quốc dân. 

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, hàng loạt cơ chế, chính sách đối với kinh tế HTX đã được ban hành, tạo động lực cho HTX phát triển, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước đã tạo sự chuyển biến tích cực và thống nhất trong nhận thức về quan điểm phát triển KTTT và bản chất HTX.

Nhận thức của nhân dân về mô hình HTX kiểu mới được nâng cao, từ chỗ chưa nhận thức đầy đủ, thống nhất đã từng bước hiểu rõ bản chất HTX kiểu mới, gắn với lợi ích của từng thành viên, thấy được vai trò, vị trí, tính tất yếu khách quan trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vị trí, vai trò của HTX đối với phát triển kinh tế hộ thành viên, kinh tế địa phương nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung dần được khẳng định.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 13-NQ/TW dần được hoàn thiện. Nhiều văn bản hướng dẫn và bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù được các cấp, các ngành quan tâm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện.

Luật Hợp tác xã năm 2003 và năm 2012 được Quốc hội thông qua đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của khu vực HTX, Liên hiệp HTX. Luật HTX năm 2012 đã thể hiện tư duy mới về mô hình HTX kiểu mới với hạt nhân là “hợp tác”, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Theo đó, các quy định của Luật phù hợp với điều kiện phát triển HTX tại Việt Nam (số lượng thành viên tối thiểu, số vốn góp tối thiểu, tỷ lệ dịch vụ phục vụ thành viên, điều kiện gia nhập và duy trì tư cách thành viên…) và tương đồng với quy định về HTX của Liên minh HTX quốc tế.

Để triển khai Luật HTX, đến nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, Quyết định, Chỉ thị tạo cơ chế, hành lang pháp lý cho HTX phát triển. Cùng với đó, các bộ, ngành trung ương ban hành Thông tư, quyết định, chỉ thị và nhiều văn bản hướng dẫn có liên quan nhằm phát huy vai trò của kinh tế HTX. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều đã ban hành Kế hoạch, chương trình, đề án nhằm phát triển HTX và có chính sách hỗ trợ phát triển HTX theo đặc thù của địa phương...

Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, bộ máy và hoạt động quản lý nhà nước đối với HTX ngày càng được kiện toàn, Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX các cấp được xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định.

Trong năm 2017, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX ở Trung ương được thành lập do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Phó Trưởng ban thường trực, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là Phó trưởng ban, các thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. 

Đến nay, hếu hết các địa phương trên cả nước thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, một số địa phương thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện. Các bộ, ngành trung ương có liên quan đều đã có các đơn vị đầu mối, tham mưu, giúp việc.

Chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, năm 2022, cả nước đã thành lập mới được 2.187 HTX, đạt 109,35% chỉ tiêu kế hoạch năm 2022. Đến nay, cả nước có tổng cộng 29.021 HTX, trong đó có 19.384 HTX nông nghiệp, chiếm 68,8%, 8.456 HTX phi nông nghiệp, chiếm 29,1%; 1.181 Quỹ tín dụng nhân dân, chiếm 4,1%. Các HTX thu hút khoảng 6,4 triệu thành viên với 2,6 triệu lao động. Tổng vốn điều lệ của các HTX khoảng 54,15 nghìn tỷ đồng, bình quân 1,86 tỷ đồng/HTX. Tổng giá trị tài sản của các HTX khoảng 187,75 nghìn tỷ đồng, bình quân 6,5 tỷ đồng.

Cả nước hiện có 125 Liên hiệp HTX (có 17 Liên hiệp HTX được thành lập mới), trung bình có 6 HTX tham gia Liên hiệp HTX, tạo việc làm cho 39.750 lao động. Doanh thu bình quân của các Liên hiệp HTX là 258 tỷ đồng/năm, lãi bình quân 8,9 tỷ đồng/năm.

Một số Liên hiệp HTX có quy mô lớn như: Liên hiệp HTX thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Coop), doanh thu 32.000 tỷ đồng/năm, Liên hiệp HTX nông sản an toàn Sơn La, Liên hiệp HTX dịch vụ nông nghiệp-tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop); Liên hiệp HTX Artermia Vĩnh Châu, Liên hiệp HTX chế biến-xuất khẩu thanh long xuất khẩu Bình Thuận...

Kinh tế HTX phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của đất nước. Số lượng HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác được thành lập mới và hộ cá thể, cá nhân tham gia thành viên tăng khá ở hầu hết các tỉnh, thành phố, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn. Điều này cho thấy, mô hình kinh tế tập thể phù hợp với nhu cầu tổ chức sản xuất của người dân, thực hiện liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác trên địa bàn cả nước phục hồi và phát triển. HTX nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất, liên kết chuỗi giá trị để gia tăng sản lượng, năng suất, giảm chi phí đầu vào, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Các HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác tăng về số lượng và giá trị các dịch vụ cung ứng cho thành viên, tạo việc làm cho thành viên và người lao động, đóng góp tích cực cho xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Doanh thu của các HTX tăng bình quân khoảng 5,6% so với năm 2021.

Nhiều HTX, Liên hiệp HTX thực hiện chuyển đổi số làm thay đổi phương thức quản trị truyền thống, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Kết quả khảo sát của Liên minh HTX cấp tỉnh có tới 83,5% số HTX được khảo sát cho rằng việc chuyển đổi số là cần thiết, 18,9% số HTX đã có kế hoạch chuyển đổi số, 68% HTX sử dụng ít nhất một một phương thức bán hàng trực tuyến.

Một số tồn tại, hạn chế

Mặc dù, có nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng sự phát triển của HTX vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, tồn tại. Sự phục hồi và phát triển của HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác ở các địa phương chưa đồng đều, thậm chí một số HTX bị thua lỗ, giảm sản lượng, quy mô.

Nhiều HTX chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, chưa chú trọng xây dựng liên kết chuỗi giá trị, vẫn còn có sản phẩm chưa đạt chất lượng, chưa truy suất được nguồn gốc, sản xuất của một số HTX vẫn còn nhỏ lẻ, chưa gắn được với thị trường, thiếu đội ngũ nhân lực quản trị và lao động đã qua đào tạo, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, khó tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng...

Bên cạnh đó, Luật HTX năm 2012 quy định, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp được hưởng chính sách “Giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về đất đai”; Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 không quy định giao đất cho tổ chức kinh tế (bao gồm HTX) sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, chỉ quy định cho HTX thuê đất.

Chưa quy định đầy đủ các loại hình tổ chức HTX trong thực tiễn và mối liên hệ, liên kết, hợp tác giữa các tổ chức kinh tế tập thể với nhau còn yếu, dẫn đến suy giảm năng lực cạnh tranh, không tận dụng được “lợi thế theo quy mô” trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh toàn cầu. Tổ hợp tác có cùng bản chất hợp tác, tương trợ và đáp ứng nhu cầu chung của thành viên về kinh tế, văn hóa, xã hội, giống như các HTX.

Tuy nhiên, một số quy định tại Nghị định số 77/2019/NĐ-CP, ngày 10/10/2019 của Chính phủ, về tổ hợp tác hiện nay còn một số bất cập như: Không quy định về đăng ký tổ hợp tác nên nhiều tôt hợp tác có số thành viên lên đến hàng trăm người, có góp vốn, có hoạt động kinh doanh ổn định, nhưng không đăng ký, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trong quan hệ kinh tế trong nội bộ thành viên và với các tổ chức khác; Chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho khu vực kinh tế thể (bao gồm cả HTX), nhưng Nhà nước không quản lý đăng ký tổ hợp tác, gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện; Thiếu các quy định, chính sách mang tính định hướng cho tổ hợp tác phát triển thành HTX, tạo ra mối liên kết giữa các tổ chức.

Mặt khác, Luật HTX chưa có quy định khi góp vốn thì các thành viên phải chuyển quyền sở hữu tài sản được dùng để góp vốn của mình sang HTX nên xuất hiện các tình huống không tách bạch rõ ràng vốn của HTX và vốn của các thành viên.

Ngoài ra, Luật HTX quy định tài sản khác góp vốn của thành viên được quy đổi ra tiền Việt Nam, nhưng chưa liệt kê đầy đủ các loại tài sản dùng để góp vốn vào HTX, như vàng, công nghệ, các tài sản khác có thể định giá được bằng tiền.