Thực trạng phát triển nền tảng số tại Việt Nam
Nền tảng số hiện diện trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế số và là tác nhân quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mức độ phát triển các nền tảng số trong sản xuất, thương mại, thanh toán, quản lý kinh tế quyết định mức độ số hoá nền kinh tế và nó có thể quyết định trình độ phát triển kinh tế số mỗi quốc gia.
Là một nước đi sau nhưng Việt Nam đã và đang có nhiều điều kiện thuận lợi trong thu hút và phát triển các nền tảng số. Bài viết phân tích các điều kiện và thực trạng phát triển nền tảng số tại Việt Nam, từ đó đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển nền tảng số.
Các điều kiện cho phát triển nền tảng số tại Việt Nam
Hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông
Hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông là yếu tố quyết định tới khả năng chuyển đổi số và khả năng mở rộng các ứng dụng dịch vụ số tới toàn bộ hoạt động kinh tế truyền thống. Theo báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung -CSIRO (2019), Việt Nam đang có ưu thế ở một số lĩnh vực hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng 5G cũng như mức độ phổ cập internet và smartphone.
Mạng 5G được nhận định là một thế hệ công nghệ mới mở ra thời kỳ của kết nối và tiến bộ công nghệ chưa từng có. Với dung lượng và tốc độ cao hơn, mạng 5G thúc đẩy sự đổi mới mà các tiêu chuẩn 4G LTE không thể thực hiện. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên thử nghiệm triển khai mạng 5G từ năm 2020. Đến nay, cả ba nhà mạng lớn tại Việt Nam gồm: Viettel, Vinaphone, Mobifone triển khai mạng 5G tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phố lớn,.
Bên cạnh mạng internet tốc độ cao, giá cước internet thấp là yếu tố thuận lợi cho phát triển nền tảng số tại mỗi quốc gia, đặc biệt đối với những nước có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam. Theo dữ liệu khảo sát của Cable.co.uk, tính đến hết tháng 12/2020, Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia có giá cước dịch vụ internet rẻ nhất thế giới.
Trong khu vực, Việt Nam đứng thứ 6 tại châu Á và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về mức giá cước internet thấp. Giá cước internet thấp giúp cho tỷ lệ dân số sử dụng dịch vụ internet và các dịch vụ băng thông rộng có sự gia tăng mạnh mẽ trong giai đoạn 2010 – 2018 tại Việt Nam. Số người sử dụng internet từ 30,65% năm 2010 đã lên tới 70,35% năm 2018, vượt xa các nước trong khu vực Đông Á và các nước thu nhập trung bình thấp (Hình 1).
Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF, chỉ số hấp thụ công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam đã có sự bứt phá đáng ghi nhận, từ thứ hạng 95 năm 2018 lên thứ hạng 41 năm 2019.
Tuy nhiên, bên cạnh những phát triển vượt bậc trong thời gian qua, hạ tầng công nghệ cần tiếp tục được quan tâm và triển khai các biện pháp đồng bộ để tiếp tục cải thiện vị trí trong xếp hạng thế giới.
Khung pháp lý
Việt Nam đang từng bước xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý hoạt động kinh tế số như Luật Giao dịch điện tử (2005), Luật Sở hữu trí tuệ (2005), Luật Công nghệ thông tin (2006), Luật Công nghệ cao (2008), Luật Viễn thông (2009), Luật Tần số vô tuyến điện (2009), mới đây nhất là Luật chuyển giao công nghệ (2018) và Luật an ninh mạng (2018) và một loạt nghị định, quyết định về thương mại điện tử, ngân hàng điện tử và phát triển công nghệ số. Khung pháp lý sẽ tiếp tục được tăng cường và hoàn thiện hơn nữa cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, đặc biệt từ các FTA thế hệ mới.
Nhận thức được tầm quan trọng của công cuộc chuyển đổi số, tháng 6/2020, Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế số và phát triển xã hội số. Trong khu vực quản lý nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Uỷ ban Chính phủ điện tử theo Quyết định số 1072/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm xúc tiến thành lập Chính phủ điện tử, phục vụ cho mục tiêu quản lý vĩ mô trong điều kiện phát triển kinh tế số nói chung và nền tảng số nói riêng.
Để phát triển nền tảng số trong khu vực Chính phủ, dữ liệu và chia sẻ dữ liệu số là nhân tố trung tâm. Ngày 9/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước. Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên đặt trọng tâm vào vấn đề dữ liệu trong Chính phủ điện tử, thể hiện tinh thần dữ liệu số là nền tảng để phát triển tới Chính phủ số. Một trong những điểm mới trong Nghị định số 47/2020/NĐ-CP là phát triển dịch vụ chia sẻ dữ liệu, sử dụng công nghệ mới trong bối cảnh hiện nay – đây là tiền đề để triển khai các giải pháp dữ liệu đám mây của Chính phủ số trong tương lai.
Dân trí và kỹ năng số
Nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực luôn là mục tiêu được Chính phủ Việt Nam quan tâm sâu sát. Chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho giáo dục trong giai đoạn 2010 – 2019 dao động từ 14,7%- 18,7% tổng chi NSNN, chiếm từ 4%-5% GDP. So với các nước trong khu vực, tỷ trọng chi ngân sách đầu tư cho giáo dục trong tổng chi NSNN của Việt Nam hiện cao hơn Brunei (9-11%), Campuchia (7-9%), Lào (7-12%), Myanmar (5-10%). Việt Nam cũng triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phổ cập giáo dục và xóa mù chữ. Tính đến tháng 12/2018, tỷ lệ biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi từ 15-60 tuổi, đạt 97,35% - gần hoàn thành mục tiêu 98% vào năm 2020.
Không chỉ thực hiện phổ cập giáo dục và xoá mù chữ, các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đào tạo trình độ cao cùng truyền thống hiếu học của người Việt Nam đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Theo thống kê của World Bank, tỷ lệ người lao động có trình độ đại học trở lên giai đoạn 2010 – 2019 dao động từ mức 86-88% tổng lực lượng lao động tại Việt Nam, thuộc top đầu trong khu vực ASEAN
Mặc dù đã có nhiều cải thiện trong đào tạo nguồn nhân lực và có những thành tích đáng ghi nhận về số lượng người lao động có bằng cấp thì chất lượng đào tạo là vấn đề nổi cộm cần chú trọng cải thiện kịp thời. Kỹ năng của người lao động Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn còn khá yếu so với mặt bằng chung thế giới thể hiện qua báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018, kỹ năng lao động của Việt Nam giai đoạn 2010 – 2018 chỉ nằm trong các thứ hạng từ 83-93/137 quốc gia.
Thực trạng phát triển các nền tảng số tại Việt Nam
Sự phát triển kinh tế số không thể thiếu các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số trong khu vực kinh tế chia sẻ, tài chính, thương mại, giao thông vận tải, y tế… Nền tảng số là tác nhân trung tâm của nền kinh tế số, cho phép người dùng và nhà sản xuất tương tác với nhau. Nền tảng số bao gồm: nền tảng giao dịch, nền tảng đổi mới và nền tảng tích hợp.
Trong đó, nền tảng giao dịch cung cấp hạ tầng và tài nguyên trực tuyến hỗ trợ giao dịch, trao đổi giữa các bên với mục đích giúp các đại lý tìm đến nhau dễ dàng hơn. Nền tảng giao dịch phổ biến trong lĩnh vực thương mại, tài chính, truyền thông xã hội, kinh tế chia sẻ như: Amazon, Airbnb, Momo, Facebook, Whatsapp… Nền tảng đổi mới được hình thành từ các khối công nghệ, tạo cơ sở phát triển dịch vụ sản phẩm, tạo thuận lợi cho quá trình đổi mới. Nền tảng tích hợp là sự kết hợp các khía cạnh của 2 loại nền tảng trên.
Các nền tảng số và khu vực kinh tế chia sẻ mới du nhập vào Việt Nam nhưng đã nhanh chóng phát triển mạnh mẽ. Tại Việt Nam, các nền tảng số phát triển trên nhiều lĩnh vực: giao thông vận tải, du lịch, đặt phòng, thanh toán, dịch vụ như giúp việc, sửa chữa nhà cửa… Cụ thể là:
- Lĩnh vực tài chính: Một trong những mô hình thu hút sự quan tâm và nhiều tiềm năng nhất tại Việt Nam là nền tảng cung cấp sản phẩm và dịch vụ công nghệ tài chính (Fintech). Tính đến hết năm 2017, Việt Nam mới có 48 công ty công nghệ tài chính nhưng đến tháng 6/2019 con số này đã lên 154 công ty tính.
Nhiều mô hình và sản phẩm tài chính số hoá đã xuất hiện như ví điện tử, chuyển tiền ngang hàng, thanh toán di động, ngân hàng di động, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng, ngân hàng chuỗi khối, ngân hàng số. Tại Việt Nam, các dịch vụ công nghệ tài chính hiện nay chủ yếu hoạt động trong mảng thanh toán, cho vay ngang hàng và gọi vốn cộng đồng, trong đó, thanh toán vẫn là loại hình sản phẩm dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất (Hình 2).
Tính đến tháng 10/2020, Việt Nam có 39 nhà cung cấp dịch vụ phi ngân hàng được cấp phép, với 5 ví điện tử lớn nhất là Momo, Payoo, Moca, Zalo pay và Viettelpay. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến năm 2019, có 4,2% dân số sử dụng ví điện tử và đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là do tác động của Covid-19.
Lĩnh vực Fintech tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào mô hình B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng) nhằm hướng tới các dịch vụ bán lẻ. Cho vay ngang hàng cũng là một nền tảng Fintech có xu hướng phát triển tại Việt Nam. Timma, Vaymuon và Mofin cung cấp các khoản vay cá nhân, còn Lendbiz cung cấp khoản vay cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các công ty trong lĩnh vực Fintech cũng bắt đầu mở rộng thêm các mảng kinh doanh về công nghệ bảo hiểm, công nghệ quản lý tài sản, tư vấn tài chính tự động… tuy nhiên các dịch vụ này vẫn ở giai đoạn sơ khai.
- Trong lĩnh vực vận tải và lưu trú: Việt Nam là quốc gia châu Á đầu tiên thu hút Uber, sau đó là một loạt công ty vận tải sử dụng nền tảng số như: Grab, Now, Bee, Goviet, Go-Jet… Trong lĩnh vực vận tải ở Việt Nam, các nền tảng dịch vụ vận tải đã thu hút được một lượng lao động lớn. Thống kê của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, giai đoạn 2016-2018, có 866 đơn vị vận tải với 36.809 phương tiện chuyên chở và hàng chục ngàn lao động tham gia vận tải hành khác theo hợp đồng Grab. Báo cáo của Google, Temasek (2020) cho thấy, quy mô thị trường gọi xe và đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam năm 2019 tăng gấp 5 lần so với năm 2015 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.
Tiếp nối mô hình kinh doanh vận tải, nhiều nền tảng số trong các dịch vụ du lịch lưu trú (trip.me, agoda, airbnb..) cũng phát triển mạnh mẽ. Tính đến đầu năm 2019, có 18.230 cơ sở lưu trú tham gia nền tảng Airbnb. Ngoài Airbnb, một số nền tảng của Việt Nam cũng được ưa chuộng và phát triển mạnh mẽ.
- Nội dung và truyền thông số: Với tỷ lệ hơn 70% dân số sử dụng internet như hiện nay, truyền thông số là mảnh đất nhiều tiềm năng đối với doanh nghiệp CNTT tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp phần cứng và phần mềm, ngành sản xuất truyền thông số (bao gồm nội dung số và các dịch vụ số) tuy chiếm tỷ trọng chưa cao trong tổng doanh thu ngành CNTT và truyền thông nhưng đang có xu hướng tăng trưởng liên tục trong thời gian qua.
Ngành sản xuất nội dung số gồm phát triển game trực tuyến, âm nhạc, phim và truyền hình trực tuyến. Năm 2016, doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam đạt 390 triệu USD thì năm 2018, con số này đạt 663 triệu USD, đứng thứ 35 thế giới với thị phần chủ yếu qua các công cụ quảng cáo qua mạng xã hội, chủ yếu là Google và Facebook (chiếm hơn 70% thị phần). Bên cạnh quảng cáo trực tuyến, trò chơi trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ. Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường trò chơi trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á và đứng thứ 25/100 quốc gia có tổng doanh thu trò chơi điện tử lớn nhất thế giới.
- Lĩnh vực quản lý hành chính: Khu vực Chính phủ điện tử trong những năm qua đã ghi dấu sự chuyển mình mạnh mẽ. Khắc phục hạn chế của giai đoạn trước đây về hạ tầng lạc hậu, thiếu đồng bộ, đến hết năm 2020, hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu đã hình thành trên quy mô quốc gia theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử. Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh, thành phố đã phát triển nhanh chóng và đáp ứng nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu nội bộ với tỷ lệ kết nối đạt 100% góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Báo cáo ICT các năm cho thấy, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã tăng từ 1,42% năm 2016 lên 30,68% năm 2020. Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã triển khai hệ thống thông tin một cửa để tin học hóa quá trình tiếp nhận và quản lý việc xử lý hồ sơ thủ tục hành chính, nâng cao năng suất và tăng cường công khai, minh bạch.
Một số đề xuất
Để đẩy mạnh phát triển nền tảng số tại Việt Nam trong thời gian tới, một số vấn đề cần tập trung thực hiện gồm:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến khu vực kinh tế số: Quy định rõ trách nhiệm giữa các bên trong các mô hình kinh tế số, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý đối với mô hình kinh tế số, đặc biệt là các mô hình kinh tế chia sẻ. Ngoài ra, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các chính sách tạo lập môi trường kinh doanh và cạnh tranh cũng như hợp tác giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số tại thị trường Việt Nam.
Thứ hai, để đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh của các nền tảng công nghệ tài chính, cần nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới và khu vực trong xây dựng, ban hành khung khổ pháp lý cho phát triển các công nghệ mới trong ngành ngân hàng như điện toán đám mây, Blockchain, xác thực khách hàng điện tử e-KYC; tiền KTS, Fintech, Bigtech; cho vay ngang hàng (P2P); Nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định liên quan trong đó chú trọng quản lý các mô hình, sản phẩm kinh doanh mới như Fintech, ví điện tử, dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ thanh toán mới không qua tài khoản ngân hàng; hoạt động đại lý thanh toán và đặc biệt là quy định liên quan đến chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào lĩnh vực thanh toán
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện các chính sách hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp ICT, hỗ trợ hoạt động Nghiên cứu và phát triển; khuyến khích phát triển các hệ sinh thái số, nền tảng sổ, có các chính sách ưu đãi cho việc thành lập và phát triển startup công nghệ;
Thứ tư, tăng cường giáo dục đào tạo kỹ năng công nghệ thông tin, từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học; Phát triển chương trình đào tạo hướng đến Xã hội hoá giáo dục công nghệ thông tin; cập nhật giáo trình CNTT gắn với các xu thế công nghệ như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo… tạo điều kiện để học sinh, sinh viên tiếp cận lĩnh vực công nghệ thông tin càng sớm càng tốt; đẩy mạnh mạng lưới liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nhằm xây dựng các thế hệ công dân số trong thời đại mới.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo cáo ICT 2008-2018;
2. Chính phủ, Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử;
3. Chính phủ, Nghị định số 47/2020/ NĐ-CP về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước;
4. CSIRO, 2019, Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045;
5. UN, E- government report, 2018;
6. Unesco, Digital skill for life and work, 2017;
7. Untad, 2019, Value creation and capture: implications for developing countries, Digital economy report;
8. WEF, Global Information Technology Report, 2008-2016.
Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2021.
PGS., TS. Đặng Thị Huyền Anh - Học viện Ngân hàng.