Thuế giảm, ô tô nhập khẩu tăng đột biến
Từ đầu năm đến nay, lượng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập khẩu về Việt Nam tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, giá trung bình nhập khẩu loại xe này cũng giảm khoảng 50%.
Giá chưa đến 200 triệu đồng
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu (NK) về Việt Nam chỉ trong nửa đầu tháng 3 vừa qua đạt 6.348 xe, trong đó chủ yếu là ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống có 4.802 xe với tổng trị giá 41,42 triệu USD (tương đương hơn 944,45 tỉ đồng).
Như vậy so với cùng kỳ năm trước, lượng ô tô nguyên chiếc NK đã tăng gần gấp 2 và riêng loại xe dưới 9 chỗ tăng gần gấp 3 lần. Nếu tính trung bình, giá ô tô dưới 9 chỗ ngồi được NK về Việt Nam hiện chỉ khoảng 197 triệu đồng/chiếc (chưa bao gồm các loại thuế), giảm gần 200 triệu đồng so với giá nhập trung bình của năm trước.
Thậm chí, nếu so với mức giá NK về trong tháng 2 vừa qua thì mức giá này cũng đã giảm đi gần 60 triệu đồng/xe. Tổng cộng chỉ chưa đầy 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã NK 21.715 ô tô các loại với tổng trị giá 382,56 triệu USD. Trong đó có 14.410 ô tô dưới 9 chỗ ngồi, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước về lượng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan trước đó, chỉ riêng trong tháng đầu tiên của năm 2017, lượng ô tô dưới 9 chỗ ngồi NK từ khu vực ASEAN tăng mạnh 233,8% so với tháng đầu tiên của năm 2016 và đã bằng 45% lượng nhập của cả năm 2016. Trong đó, Thái Lan là thị trường cung cấp ô tô nguyên chiếc các loại lớn nhất của Việt Nam, tiếp theo là Indonesia.
Nguyên do một phần từ đầu năm nay thuế suất thuế NK ô tô dưới 9 chỗ ngồi có xuất xứ từ khu vực ASEAN được điều chỉnh giảm từ 40% xuống 30%. Rõ ràng thuế giảm đã tác động mạnh làm gia tăng lượng NK ô tô nguyên chiếc vào Việt Nam. Điều này mang đến cho người tiêu dùng có cơ hội sử dụng ô tô nhiều hơn. Thậm chí, một số chuyên gia kinh tế dự báo đến năm 2018 thuế NK ô tô trong khu vực ASEAN giảm về 0% sẽ tiếp tục làm lượng xe nhập về Việt Nam tăng hơn.
Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cũng nhận định việc thuế NK ô tô nguyên chiếc trong ASEAN giảm xuống 0% từ ngày 1/1/2018 rõ ràng sẽ tác động mạnh đến thị trường ô tô Việt Nam. Bản thân các hãng ô tô có mặt ở Việt Nam cũng đã tính đến việc cắt giảm số dòng xe sản xuất, lắp ráp tại chỗ và thay vào đó là nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia.
Có nên tiếp tục bảo hộ ?
Lượng NK ô tô tăng nhanh được đánh giá là nguy cơ cho ngành công nghiệp ô tô và thách thức không nhỏ cho hạ tầng giao thông, môi trường của Việt Nam. Mới đây, trong Kết luận về tình hình nhập khẩu ô tô, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thành lập tổ công tác liên ngành đánh giá toàn diện thị trường ô tô Việt Nam trong mối tương quan với thị trường khu vực và thế giới, tập trung vào đánh giá cơ hội và khó khăn, thách thức đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam từ thời điểm năm 2018 trở đi (đặc biệt là khi thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt ATIGA giảm về 0% đối với ô tô nguyên chiếc).
Bên cạnh đó, đánh giá năng lực thực tế, tiềm năng phát triển sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước để xác định rõ kế hoạch phát triển của từng doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn 2018 - 2020. Tổng hợp các khó khăn, kiến nghị của DN đề xuất giải pháp tháo gỡ. Đồng thời Bộ Công thương khẩn trương nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi ô tô nguyên chiếc NK gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước...
Trong kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nêu rõ ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức: tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, chưa đạt như mong muốn, giá thành sản xuất, lắp ráp ô tô còn cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở cửa, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực...
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam thực chất chỉ là lắp ráp với những công đoạn, thao tác đơn giản nhất. Vì vậy, nếu áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với ô tô nguyên chiếc thì chỉ làm lợi cho một vài DN sản xuất ô tô trong nước. Trong khi ngược lại khiến hàng triệu người dân bị thiệt hại. Điều đó không đúng với bản chất phát triển kinh tế.
Đồng quan điểm, chuyên gia Ngô Trí Long khẳng định không thể kéo dài việc bảo hộ cho ngành ô tô vì tạo ra sức ì cho các DN. Bởi chính sách bảo hộ của Việt Nam cho ngành này đã quá lâu nhưng kết quả lại hoàn toàn không được gì, ngay cả tỷ lệ nội địa hóa cũng rất thấp. Hơn nữa, chính sách phòng vệ thương mại là một giải pháp ngắn hạn và hãn hữu, không thể tùy tiện áp dụng, đặc biệt đối với ô tô là một hàng hóa bình thường như hiện nay.
Còn theo TS. Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế, ở đây là câu chuyện lớn hơn về phát triển ngành. Đó là chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam chưa thành công. Liệu có nên tiếp tục thực hiện hay không và có làm được không vẫn là câu hỏi lớn. Điều đó sẽ gắn liền với những tính toán sắp tới xoay quanh vấn đề này.
TS. Võ Trí Thành đặt vấn đề: “Giả sử vẫn lựa chọn phát triển ngành công nghiệp ô tô thì chọn phát triển cái gì? Loại nào và đi kèm các chính sách gì? Khi đó quan trọng nhất là vấn đề minh bạch, giải trình công khai vấn đề được thực hiện hay không? Và liệu bảo hộ có phải là một chính sách cần thiết để phát triển ngành công nghiệp này hay không? Trả lời được những vấn đề đó thì sẽ có các chính sách liên quan như NK ô tô nguyên chiếc đồng bộ...”.