Thuế Thu nhập doanh nghiệp: Mạnh tay ưu đãi


(Tài chính) Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi chính thức có hiệu lực từ 1/1/2014 với nhiều thay đổi rất căn bản như thuế suất giảm từ 25% xuống còn 22%, nới rộng các khoản được tính vào chi phí của DN. Tinh thần của luật đã được cụ thể hóa tại Nghị định 218 được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành từ 15/2/2014.

Chính sách thuế TNDN mới có nhiều điểm thay đổi tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN. Nguồn: internet
Chính sách thuế TNDN mới có nhiều điểm thay đổi tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN. Nguồn: internet
Nhiều điểm mới

Trước hết, đối với các khoản thu nhập được miễn thuế, nghị định đã bổ sung và cụ thể hóa  các khoản thu nhập vào diện miễn thuế và TNDN như thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của hợp tác xã và DN ở địa bàn đặc biệt khó khăn và khó khăn được ưu đãi thuế, sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, phát triển bảo vệ môi trường, đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội...

Đặc biệt, tại nghị định đã sửa đổi bổ sung thời điểm bắt đầu tính thời gian miễn thuế cho thu nhập từ sản phẩm thử nghiệm hoặc được làm từ công nghệ mới lần đầu áp dụng ở Việt Nam là kể từ ngày bắt đầu có doanh thu bán sản phẩm.

Đối với chính sách ưu đãi thuế, nghị định cũng bổ sung nhiều ưu đãi mới như ưu đãi với đầu tư mở rộng, với khu công nghiệp,... theo hướng tạo thêm thuận lợi cho DN, góp phần thu hút đầu tư. Cụ thể, để đảm bảo nguyên tắc ưu đãi, cũng tránh trường hợp DN lợi dụng chính sách hưởng thời gian ưu đãi dài mà vẫn có thể khuyến khích DN trở thành DN công nghệ cao, nghị định quy định rõ DN công nghệ cao, DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được áp dụng thuế ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp.

Trường hợp DN đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì mức ưu đãi được hưởng theo nghị định mới với thời gian trừ đi thời gian đã hưởng. Sửa đổi căn bản khác tại nghị định là đối tượng ưu đãi căn cứ theo “dự án đầu tư” thay vì ưu đãi theo pháp nhân. Theo đánh giá của Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, cơ quan soạn thảo nghị định thì với sửa đổi này của nghị định, diện ưu đãi thuế đã được mở rộng ra khá nhiều. Trước đây, nhiều DN khi muốn hưởng ưu đãi thuế của pháp luật đầu tư thì với dự án mới các DN phải thành lập công ty con để triển khai dự án vì công ty mẹ không phải là pháp nhân được ưu đãi.

Không chỉ bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tại Nghị định 218, cơ quan soạn thảo cũng đã nới rộng các khoản được tính vào chi phí của DN để khấu trừ khi tính thuế. Như trước đây chỉ được tính vào chi phí với các khoản tài trợ cho giáo dục y tế, khắc phục thiên tai bão lụt, làm nhà tình nghĩa cho người nghèo, ... thì nghị định mới đã mở rộng thêm đối với chi phí hỗ trợ cho các địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hay chi cho nghiên cứu khoa học.

“Đặc biệt là chi phí cho quảng cáo, tiếp thị, môi giới trước đây chi phí hợp lý được tính là 10%, còn DN mới là 15% trong 3 năm đầu thì bây giờ đều được 15%” - bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế phân tích thêm.

Vẫn còn vướng mắc

Bên cạnh những quy định mới theo hướng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN thì vẫn còn những điểm chưa thật hợp lý đòi hỏi cơ quan quản lý cần tiếp tục xử lý để Luật thuế TNDN thực sự đi vào cuộc sống. Lấy ví dụ ở việc xác định chi phí được khấu trừ hay không, nghị định quy định đối với dịch vụ hàng hóa mua vào có giá trị 20 triệu đồng trở lên phải thanh toán không dùng tiền mặt mới được chấp nhận là chi phí hợp lý, trừ một số khoản mua trực tiếp của nông thủy sản có bảng kê.

Theo bà Cúc trong thực tế hoạt động của DN có nhiều khoản hàng hóa dịch vụ DN mua của Nhà nước như điện nước. Tuy nhiên, đến ngày nộp tiền DN không thanh toán qua chuyển khoản được do kế toán hay giám đốc không có mặt, để đảm bảo hoạt động bình thường buộc phải thanh toán tiền mặt. Nhưng đến khi tính chi phí không được tính thì DN rất thiệt thòi.

“Tôi nghĩ rằng quy định thanh toán không dùng tiền mặt là phù hợp, nhằm hạn chế DN lợi dụng tăng khống chi phí, trốn thuế. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần có hướng dẫn cụ thể để vừa ngăn chặn trường hợp gian lận thuế những trường hợp đúng, thực tế phát sinh thì cũng tạo thuận lợi cho DN” - bà Cúc đề nghị.

Dù vẫn còn những điểm cần chỉnh sửa nhưng rõ ràng những chính sách thuế đã và sẽ có hiệu lực đều được xây dựng theo hướng cải cách hành chính, giảm chi phí cho người nộp thuế. Như đánh giá của Chủ tịch hội tư vấn thuế thì chiến lược thuế đang được thực hiện sẽ giúp bồi dưỡng nguồn thu trong dài hạn do chi phí thuế giảm giúp DN tăng tích lũy vốn để đầu tư mở rộng sản xuất.