Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng: Thực tiễn thi hành và một số khuyến nghị
Trong thời gian qua, sự thay đổi của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu thể hiện định hướng của Nhà nước đối với mặt hàng này theo hướng khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xăng sinh học, thúc đẩy sản xuất trong nước và góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành, các quy định pháp luật thuế đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập cần tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ thuế.
Những thay đổi trong chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng
Thứ nhất, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đã có sự thay đổi, thể hiện định hướng của Quốc hội, Chính phủ trong việc khuyến khích tiêu dùng đối với mặt hàng xăng sinh học nhằm góp phần bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, góp phần thay đổi hành vi của người tiêu dùng theo định hướng giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện môi trường. Do vậy, mặt hàng xăng khoáng áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB cao hơn mặt hàng xăng sinh học.
- Xăng sinh học E5, E10 được pha chế theo tỷ lệ tương ứng 95%, 90% xăng khoáng RON92 với 5%, 10% cồn sinh học etanol. Để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, góp phần bảo vệ môi trường, bắt đầu từ năm 2014, theo quy định tại Luật số 70/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB thì thuế suất thuế TTĐB đối với xăng sinh học được quy định thấp hơn mức thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng khoáng, cụ thể: thuế suất thuế TTĐB đối với xăng E5 là 8%, xăng E10 là 7%, trong khi thuế suất thuế TTĐB đối với xăng khoáng là 10%.
- Theo nguyên tắc không đánh thuế trùng, Luật Thuế TTĐB quy định người nộp thuế (NNT) được khấu trừ số thuế TTĐB đã trả hoặc đã nộp tương ứng với số thuế TTĐB của nguyên liệu đầu vào dùng để sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB. Xăng khoáng RON92 được sử dụng để pha chế thành xăng sinh học, do vậy, khi xác định số thuế TTĐB phải nộp của mặt hàng xăng sinh học sẽ được tính khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp hoặc đã trả tại khâu sản xuất hoặc nhập khẩu xăng RON92.
- Do thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng sinh học thấp hơn thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng khoáng dùng làm nguyên liệu sản xuất xăng sinh học, trong khi giá bán tương đương nhau (hoặc chênh lệch không đáng kể), nên số thuế TTĐB đầu vào tương ứng luôn lớn hơn số thuế TTĐB đầu ra của xăng sinh học. Vì vậy, NNT luôn còn số thuế TTĐB đầu vào được khấu trừ của nguyên liệu xăng khoáng chưa khấu trừ hết trong kỳ.
- Khắc phục tình trạng này, tại Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế TTĐB và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB và Thông tư số 195/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 108/2015/NĐ-CP hướng dẫn số thuế TTĐB của nguyên liệu đầu vào chưa được khấu trừ hết trong kỳ của xăng E5, E10 được phép bù trừ với số thuế TTĐB phải nộp của hàng hóa, dịch vụ khác. Trường hợp sau khi bù trừ vẫn còn số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết trong kỳ thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.
- Trong giai đoạn từ 01/01/2015 đến hết ngày 31/12/2017, quy định nêu trên không phát sinh vướng mắc, do các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu chủ yếu bán xăng khoáng RON92, RON95 và lượng xăng sinh học E5 chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng xăng bán ra, nên sau khi bù trừ với số thuế TTĐB phải nộp khác, DN kinh doanh xăng dầu vẫn phát sinh số thuế TTĐB phải nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, khi Nhà nước thay đổi chính sách quản lý, cũng như có chủ trương, định hướng mới về chất lượng môi trường làm thay đổi cơ cấu tiêu dùng nhiên liệu xăng, dầu thì nảy sinh khá nhiều vấn đề về thuế.
Thứ hai, thay đổi trong quy định về giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng nhập khẩu.
Theo quy định tại Nghị định số 108/2015/NĐ-CP, thì đối với mặt hàng xăng loại nhập khẩu (NK), DN khai nộp thuế TTĐB một lần duy nhất tại khâu NK, giá tính thuế đối với xăng NK là giá tính thuế NK cộng với thuế NK. Xăng sản xuất trong nước nộp thuế TTĐB theo giá tính thuế trừ lùi (Giá tính thuế TTĐB là giá ra chưa có thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế bảo vệ môi trường (BVMT), thuế TTĐB).
Kể từ ngày 01/7/2016, theo quy định tại Nghị định số 100/2016/NĐ-CP, cũng giống như các hàng hóa NK thuộc đối tượng chịu TTĐB khác, mặt hàng xăng NK phải tạm khai, nộp thuế TTĐB tại khâu NK với giá tính thuế là giá tính thuế NK cộng với thuế NK. Khi xăng NK được cơ sở NK bán ra tại thị trường trong nước thì xác định chính thức số thuế phải nộp theo giá tại khâu bán ra (như cách tính đối với xăng sản xuất trong nước) và phải nộp tiếp thuế TTĐB nếu số thuế đầu ra cao hơn số thuế đã tạm nộp tại khâu NK. Ngược lại, nếu số thuế TTĐB khâu bán ra mà thấp hơn số tạm nộp khâu NK thì cơ sở NK phải tự chịu mà không được hoàn lại.
Trong khi đó, đối với xăng sản xuất trong nước, quy định về giá tính thuế TTĐB không có sự thay đổi, theo đó, giá tính thuế TTĐB đối với xăng sản xuất trong nước là giá do các cơ sở sản xuất bán ra. Các nhà máy sản xuất xăng trong nước khi bán xăng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để phân phối ra thị trường, giá tính thuế TTĐB là giá do các nhà máy lọc dầu bán cho các thương nhân đầu mối (chưa có thuế GTGT, thuế BVMT và thuế TTĐB). Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu khi bán xăng dầu mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước thì không phải khai, nộp thuế TTĐB.
Như vậy, hiện đang có sự khác nhau về giá tính thuế TTĐB đối với xăng NK và xăng sản xuất trong nước. Đối với xăng NK là giá bán ra của thương nhân đầu mối, tức là đã bao gồm chi phí lưu thông thương mại của thương nhân đầu mối, trong khi giá tính thuế TTĐB đối với xăng sản xuất trong nước được tính trên giá mua vào của thương nhân đầu mối, không tính đến chi phí lưu thông thương mại.
Việc sửa đổi quy định nêu trên nhằm đảm bảo thống nhất cách tính thuế TTĐB với các hàng hóa NK khác và góp phần điều tiết nguồn thu NSNN trong bối cảnh mức thuế suất thuế NK đối với mặt hàng xăng đang trong lộ trình giảm dần theo cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Đồng thời, trong thời gian đầu, khi các nhà máy lọc dầu trong nước mới bước đầu đi vào hoạt động, việc áp dụng quy định này sẽ giúp giảm giá xăng sản xuất trong nước xuống thấp hơn so với xăng NK. Điều này phần nào khuyến khích việc tiêu dùng sản phẩm xăng sản xuất trong nước.
Những bất cập, vướng mắc của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng
Bên cạnh những thay đổi trong việc áp dụng chính sách thuế TTĐB đối với xăng, quá trình triển khai chính sách này còn gặp phải những bất cập, vướng mắc sau:
Thứ nhất, trên thực tế, nảy sinh từ việc thực hiện chủ trương chung của Nhà nước về tiêu dùng xăng dầu để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, theo đó từ năm 2018 chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng xăng RON92 và thay bằng mặt hàng xăng sinh học E5 trên phạm vi toàn quốc. Sản phẩm xăng do các doanh nghiệp cung cấp ra thị trường chỉ còn xăng sinh học E5 và xăng khoáng RON 95, nên lượng xăng sinh học E5 tiêu thụ của các doanh nghiệp tăng mạnh.
Bản chất xăng sinh học E5 được tạo thành từ việc pha chế xăng RON92 trộn với 5% cồn sinh học và khi bán ra, DN được khấu trừ số thuế TTĐB của nguyên liệu RON92 sử dụng để pha chế xăng sinh học. Bất cập xảy ra là số thuế TTĐB của nguyên liệu đầu vào RON92 (chịu thuế 10%) luôn cao hơn thuế TTĐB đầu ra (xăng E5 chịu thuế suất 8%), trong khi giá tương đương nhau, dẫn đến tình trạng DN luôn còn số thuế TTĐB chưa khấu trừ rất lớn (kể cả sau khi đã bù trừ với số thuế TTĐB của các mặt hàng khác). Việc thâm hụt dòng tiền của đơn vị do thuế đầu vào luôn cao hơn thuế đầu ra và không được bù trừ hết đã gây khó khăn về vốn cho sản xuất kinh doanh của DN.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN và phù hợp với chủ trương khuyến khích sử dụng mặt hàng xăng sinh học, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 sửa đổi Nghị định số 108/2015/NĐ-CP bổ sung quy định về việc hoàn thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng sinh học. Theo đó, đối với các DN được phép sản xuất, pha chế xăng sinh học, việc kê khai nộp thuế, khấu trừ thuế TTĐB được thực hiện tại cơ quan thuế địa phương nơi DN đóng trụ sở chính.
Số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết của xăng khoáng nguyên liệu dùng để sản xuất, pha chế xăng sinh học (bao gồm cả số thuế chưa được khấu trừ hết phát sinh kể từ kỳ khai thuế tháng 1/2016) được bù trừ với số thuế TTĐB phải nộp của hàng hóa, dịch vụ khác phát sinh trong kỳ. Trường hợp sau khi bù trừ, còn số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết của xăng khoáng nguyên liệu dùng để sản xuất, pha chế xăng sinh học thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo hoặc được hoàn trả.
Thứ hai, sự khác nhau trong việc xác định giá tính thuế TTĐB đối với xăng NK và xăng sản xuất trong nước gây khó khăn cho người nộp thuế trong việc xác định đối tượng phải kê khai, nộp thuế TTĐB.
Thực tế là thương nhân kinh doanh xăng dầu vừa nhập khẩu xăng, vừa mua xăng của các nhà máy lọc dầu trong nước tùy theo nhu cầu của thị trường và khả năng có lãi tại từng thời điểm. Theo quy định, mặt hàng xăng từ nguồn NK thuộc đối tượng phải khai, nộp thuế TTĐB khi bán ra, trong khi xăng mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước không phải khai, nộp thuế TTĐB khi bán ra (vì nhà máy lọc dầu đã khai nộp thuế TTĐB). Mặt khác, do đặc tính của mặt hàng xăng là chất lỏng, công tác tồn chứa của các DN kinh doanh xăng dầu được thực hiện trong cùng bể chứa mà không thể tách biệt, phân biệt được lít xăng nào từ nguồn NK và lít xăng nào được mua trong nước để kiểm đếm, kê khai nộp thuế TTĐB.
Vì vậy, có thể thực hiện được việc bóc tách xác định số lượng xăng được bán ra từ nguồn NK để khai nộp thuế TTĐB và số lượng xăng từ nguồn mua trong nước là phải dựa vào số liệu trên sổ sách kế toán. Cần căn cứ vào phương pháp hạch toán kế toán hàng tồn kho của DN để xác định mặt hàng xăng thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB tại khâu bán ra (không thể xác định trên cơ sở thực tế kiểm đếm hàng hóa xuất kho).
Tuy nhiên, việc xác định đối tượng chịu thuế TTĐB theo phương pháp hạch toán kế toán của DN chưa được pháp quy hóa tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế TTĐB nên tiềm ẩn rủi ro pháp lý cho cả NNT và cơ quan quản lý thuế trong trường hợp được chất vấn theo cách “vặn vẹo, chẻ chữ” đòi văn bản.
Thứ ba, việc xác định thuế TTĐB được khấu trừ còn phức tạp, gây khó khăn cho NNT và cơ quan quản lý.
Thực tế hiện nay, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu ngoài hoạt động pha chế xăng sinh học E5 từ nguyên liệu xăng RON92, còn có hoạt động pha chế xăng RON95 từ nguyên liệu xăng RON92. Theo quy định, các thương nhân đầu mối được khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp (đối với xăng RON92 nguyên liệu NK) hoặc đã trả (đối với xăng RON92 nguyên liệu mua trong nước) khi xác định số thuế TTĐB phải nộp của xăng sinh học E5 và xăng RON95 tự pha chế khi bán ra.
Giá xăng dầu luôn biến động thường xuyên theo diễn biến của thị trường, nên mỗi lô xăng nhập khẩu hoặc mua từ nhà máy lọc dầu trong nước luôn có mức giá khác nhau, vì vậy thuế TTĐB được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) cũng có sự khác nhau theo từng lô hàng. Tuy nhiên, các lô xăng nguyên liệu RON92 nhập khẩu hoặc mua trong nước được chứa chung trong cùng một bể chứa nên việc xác định số thuế TTĐB được khấu trừ cũng chỉ được thực hiện trên sổ sách kế toán.
Pháp luật thuế TTĐB và các văn bản hướng dẫn quy định, NNT được khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp hoặc đã trả đối với nguyên liệu đầu vào chịu thuế TTĐB khi xác định số thuế TTĐB phải nộp của xăng sinh học E5 và xăng RON95 tự pha chế khi bán ra. Tuy nhiên, để xác định được số thuế TTĐB được khấu trừ cần căn cứ trên cơ sở sản lượng sản phẩm bán ra trong kỳ, đơn giá khấu trừ và tỷ lệ phối trộn.
Tại các văn bản quy định về thuế TTĐB chỉ có quy định về số thuế TTĐB được khấu trừ đối với xăng sinh học căn cứ vào số thuế TTĐB đã nộp hoặc đã trả trên một đơn vị nguyên liệu mua vào của kỳ khai thuế trước liền kề của nguyên liệu xăng khoáng, chưa có hướng dẫn cụ thể về tỷ lệ phối trộn áp dụng trong kỳ bán ra hay kỳ trước liền kề.
Tương tự, hoạt động pha chế xăng RON 95 từ nguyên liệu xăng RON 92 hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về cách xác định đơn giá khấu trừ và tỷ lệ phối trộn áp dụng kỳ trước liền kề hay kỳ bán ra để xác định số thuế TTĐB được khấu trừ. Điều này dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau trong áp dụng chính sách thuế...
Một số kiến nghị về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng
Xăng dầu là một trong những mặt hàng kinh doanh có điều kiện, chịu sự quản lý và điều tiết của Nhà nước. Chính sách thuế là một trong những công cụ được Nhà nước sử dụng để quản lý, điều tiết hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Trong thời gian qua, sự thay đổi của chính sách thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng đã góp phần thể hiện định hướng của Nhà nước đối với mặt hàng này theo hướng khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xăng sinh học, thúc đẩy sản xuất trong nước và góp phần tăng thu cho NSNN. Tuy nhiên, cần có sự nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung về chính sách thuế TTĐB theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, giảm thủ tục hành chính cho NNT và cơ quan thuế. Cụ thể:
Thứ nhất, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung tại cấp nghị định hoặc thông tư hướng dẫn cụ thể về cách xác định số thuế TTĐB được khấu trừ đối với nguyên liệu đầu vào thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB được sử dụng để pha chế thành xăng E5, xăng RON 95 theo hướng quy định cụ thể việc xác định đơn giá khấu trừ thuế TTĐB và tỷ lệ phối trộn theo kỳ trước liền kề hay theo kỳ xuất bán sản phẩm xăng E5 và RON95 để thống nhất thực hiện. Lấy số liệu theo kỳ nào cũng được nhưng phải thống nhất; đồng thời, cùng 1 kỳ cho cả tỷ lệ phối trộn và đơn giá tính khấu trừ.
Thứ hai, việc quy định mặt hàng xăng NK chịu thuế TTĐB ở khâu NK và tiếp tục khai, nộp thuế TTĐB khi bán ra trong nước trong khi mặt hàng xăng sản xuất trong nước chỉ chịu thuế TTĐB một lần ở khâu sản xuất bán ra, dẫn đến phức tạp trong quản lý, tăng thủ tục hành chính và khối lượng công việc trong việc xác định nghĩa vụ thuế TTĐB phải nộp, số thuế TTĐB được khấu trừ của DN và cả cơ quan thuế trong thực hiện công tác quản lý thuế.
Theo quy định về quản lý kinh doanh xăng dầu thì mặt hàng xăng dầu do Nhà nước thực hiện quản lý giá thông qua việc điều hành giá cơ sở, trong đó có quy định một số chỉ tiêu về lợi nhuận định mức, chi phí định mức. Các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu phải căn cứ quy định này để thực hiện hoạt động kinh doanh của mình.
Theo đó, để việc xác định nghĩa vụ thuế TTĐB phải nộp đối với mặt hàng xăng đơn giản, minh bạch, dễ thực hiện, giảm thủ tục hành chính cho DN, nên xem xét, nghiên cứu sửa đổi chính sách thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng theo hướng thực hiện thống nhất về thời điểm tính thuế TTĐB và cách xác định giá tính thuế TTĐB đối với xăng NK và xăng sản xuất trong nước, bởi vì xăng dầu trong nước luôn bám sát theo giá trên thị trường quốc tế, khác với giá và tính đa dạng của các mặt hàng NK khác như ô tô, mô tô phân khối lớn, rượu bia...
Theo đó, thuế TTĐB đối với xăng NK và xăng sản xuất trong nước chỉ nên thu tại một khâu NK khi thương nhân đầu mối NK và thu khi nhà máy lọc dầu trong nước xuất bán. Khi đó, DN sẽ không phải phân tách nguồn hàng khi bán ra và không phải khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp tại khâu NK, đơn giản hóa trong việc xác định nghĩa vụ thuế, giảm thủ tục hành chính và khối lượng công việc cho NNT.
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, không phản ánh quan điểm của cơ quan nơi người viết đang công tác. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin, số liệu, nguồn trích dẫn và tài liệu tham khảo.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2008), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12;
2. Quốc hội (2014), Luật Thuế số 70/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt;
3. Quốc hội (2016), Luật Thuế số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế;
4. Chính phủ (2015), Nghị định số 108/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt;
5. Chính phủ (2019), Nghị định số 14/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt;
6. Bộ Tài chính (2015), Thông tư số 195/2015/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 108/2015/NĐ-CP Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt;
7. Một số website:tapchitaichinh.vn, vanbanphapluat.vn.