Thuế tối thiểu toàn cầu: Những vấn đề đặt ra và giải pháp ứng phó

Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do các nước G20 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng với mục tiêu phân chia quyền đánh thuế giữa các nước, thực hiện đánh giá việc phân bổ phần lợi nhuận của các doanh nghiệp (DN) và xây dựng các nguyên tắc phân bổ lợi nhuận toàn cầu; đảm bảo rằng tất cả các DN hoạt động đầu tư quốc tế đều phải nộp mức thuế tối thiểu. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần chủ động thực hiện ban hành chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu để các DN đầu tư nước ngoài đang được hưởng ưu đãi thuế tại Việt Nam nộp phần chênh lệch giữa thuế TNDN thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Các chuyên gia tham gia thảo luận tại Hội nghị Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức.
Các chuyên gia tham gia thảo luận tại Hội nghị Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức.

Hiện nay, Chính phủ nhiều nước đầu tư và tiếp nhận đầu tư đã và đang có những động thái quyết liệt trong việc cân nhắc và đưa ra các chính sách liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu. Gần đây, vào ngày 15/12/2022, Liên minh Châu Âu (EU) đã chính thức thông qua kế hoạch áp dụng thuế suất tối thiểu 15% từ 2024.

Quốc hội Hàn Quốc cũng đã thông qua Đạo luật điều chỉnh Thuế trong đó sẽ áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu từ 2024. Chính phủ Nhật Bản cũng đã thông báo Dự thảo cải cách thuế, tiến tới việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm tài chính 2024. Có thể thấy, đây là các quốc gia có nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam. Do đó, việc chính thức áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có nhiều tác động tới các DN có vốn đầu tư ngoài (FDI) tại Việt Nam, và tác động đã rất cận kề với thời gian áp dụng của các quốc gia khác dự kiến từ năm tài chính 2024. Nếu các DN đầu tư nước ngoài đã đầu tư tại Việt Nam tiếp tục được hưởng ưu đãi về thuế TNDN theo quy định hiện hành thì các nước có công ty mẹ sẽ thu thêm phần thuế TNDN chênh lệch từ mức thuế thực tế đang nộp so với Thuế tối thiểu toàn cầu (15%).

Hiện trạng hệ thống ưu đãi đầu tư tại Việt Nam

Chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN tại Việt Nam

Hiện tại, Việt Nam đang áp dụng Luật thuế TNDN năm 2008 và các luật sửa đổi, bổ sung, các nghị định quy định chi tiết và các thông tư hướng dẫn về thuế TNDN. Thuế suất thuế TNDN phổ thông là 20%, tuy nhiên, để thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài, trong những năm qua Việt Nam đã thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư, trong đó có chính sách ưu đãi về thuế TNDN.

Kể từ ngày 1/1/2014, Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi đối tượng ưu đãi từ pháp nhân (DN mới thành lập từ dự án đầu tư) sang dự án đầu tư mới (thu nhập của DN từ dự án đầu tư mới). Theo đó, chính sách ưu đãi thuế TNDN hiện hành có quy định:

- Thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động:

Quy định này áp dụng đối với thu nhập từ hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa như: giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường; thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư – kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng quy định tại Điều 53 Luật Nhà ở; thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in theo quy định của Luật báo chí; thu nhập của cơ quan xuất bản từ hoạt động xuất bản theo quy định của Luật xuất bản; thu nhập của doanh nghiệp từ: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng nông, lâm, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn…

- Thuế suất 10% trong 15 năm kể từ khi phát sinh doanh thu, miễn thuế TNDN trong 4 năm kể từ khi có thu nhập và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo:

Quy định này áp dụng với các lĩnh vực sau: ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học; bảo vệ môi trường…

- Thuế suất ưu đãi 15% trong suốt thời gian hoạt động:

Quy định này áp dụng với thu nhập của DN trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

- Thuế suất ưu đãi 17% trong thời gian 10 năm, miễn thuế TNDN 2 năm, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 4 năm tiếp theo:

Quy định này áp dụng đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 124/2008/NĐ-CP tại một số lĩnh vực sau: sản xuất thép cao cấp; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; sản xuất thiết bị tưới tiêu; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ sản; phát triển ngành nghề truyền thống (bao gồm xây dựng và phát triển các ngành nghề truyền thống về sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm, các sản phẩm văn hóa).

- Miễn thuế 2 năm, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 4 năm tiếp theo:

Quy định này áp dụng đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại Khu công nghiệp (trừ Khu công nghiệp nằm trên địa bàn các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc Trung ương và khu công nghiệp nằm trên địa bàn các đô thị loại I trực thuộc tỉnh).

- Ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng (ĐTMR):

Quy định này áp dụng với DN đang hoạt động có dự án ĐTMR vào lĩnh vực và địa bàn ưu đãi thuế nếu đáp ứng tiêu chí quy định của Luật thì được lựa chọn hưởng ưu đãi thuế theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại (nếu có) hoặc được miễn thuế, giảm thuế đối với phần thu nhập tăng thêm do ĐTMR mang lại. Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với thu nhập tăng thêm do ĐTMR bằng với thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với dự án đầu tư mới trên cùng địa bàn, lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN.

Đặc biệt, Luật Đầu tư năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung về mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án được áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với mức cao hơn. Theo đó, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 29/2021/QĐ- TTg quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt với các chính sách ưu đãi về thuế TNDN cao hơn Luật Thuế TNDN hiện hành (thuế suất 9% trong 30 năm, miễn thuế thu nhập DN trong 5 năm đầu, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 10 năm tiếp theo; thuế suất 7% trong 33 năm, miễn thuế TNDN trong 6 năm đầu, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 12 năm tiếp theo; thuế suất 5% trong 37 năm, miễn thuế TNDN trong 6 năm đầu, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 13 năm tiếp theo).

Như vậy, với thuế suất thuế TNDN phổ thông là 20% về cơ bản đã đảm bảo quy định thuế tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, do áp dụng ưu đãi thuế suất thấp và được ưu đãi miễn, giảm thuế trong khoảng thời gian nhất định (theo pháp luật đầu tư nước ngoài trước đây có cả trường hợp áp dụng thuế suất 10% suốt đời dự án) nên trên thực tế thuế suất đối với các dự án đầu tư của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có ưu đãi sẽ có thuế suất thực tế (bình quân 6% đến 8%) trong thời gian được hưởng ưu đãi, thấp hơn mức thuế suất tối thiểu là 15%. Như vậy, trường hợp áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu thì chính sách ưu đãi thuế TNDN không còn tác dụng.

Chính sách ưu đãi đầu tư khác tại Việt Nam, trong đó có đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Theo quy định của Luật Đầu tư, ngoài ưu đãi về thuế TNDN, các dự án đầu tư đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Cụ thể: Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất.

Bên cạnh đó là các hình thức hỗ trợ đầu tư như: Hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào dự án đầu tư; Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ tín dụng…

Những vấn đề đặt ra trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu

Phần lớn các nước chủ yếu có vốn đầu tư ra nước ngoài sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%), trong đó có các nước có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông và Singapore.

Trong khi đó, các nước chủ yếu nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, tương tự như Việt Nam đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó có việc áp dụng quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) để tránh việc các tập đoàn đa quốc gia phải nộp thuế bổ sung đối với phần thu nhập của công ty con có thuế suất thấp hơn mức tối thiểu về các nước có công ty mẹ đóng trụ sở chính, đồng thời cũng nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ về tài chính để giữ chân các công ty thuộc đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút các công ty mới.

Tình hình đầu tư tại Việt Nam

Tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Theo số liệu tổng hợp từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đến nay, Việt Nam đã thu hút đầu tư nước ngoài từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực Đông Á, cụ thể: Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore là những nước dẫn đầu danh sách. Trong tương quan chung, Việt Nam vẫn là quốc gia nhập khẩu vốn đầu tư nước ngoài.

Về số thu ngân sách nhà nước (NSNN), trong 3 năm 2020-2022, số thu thuế TNDN từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài trên tổng số thu thuế TNDN như sau: Tổng số thu thuế TNDN chiếm 18% - 21% tổng số thu ngân sách nội địa. Số thu thuế TNDN từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 7,5% - 8,5% tổng số thu ngân sách nội địa. Số thu thuế TNDN từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 39% - 41% tổng số thu thuế TNDN.

Nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì số thu NSNN về thuế TNDN không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những DN FDI đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu NSNN. Trường hợp Việt Nam không thu thuế TNDN bổ sung thì toàn bộ số thu được ưu đãi cho các DN hiện tại sẽ được các nước phát triển có DN đầu tư tại Việt Nam thu về ngân sách của các nước đó. Mặt khác, khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đối với những DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu và có công ty con ở nước khác có số thuế TNDN thực tế thấp hơn mức tối thiểu thì sẽ thu thêm được thuế TNDN từ những doanh nghiệp này, từ đó tăng thu NSNN.

Về tác động của thuế tối thiểu toàn cầu tới doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, theo dữ liệu, thông tin thống kê sơ bộ từ cơ sở dữ liệu DN toàn cầu thì hiện có khoảng 1.017 DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Tổng cục Thuế, dựa trên hướng dẫn của OECD, tính toán sơ bộ căn cứ số liệu khai thác trên hệ thống quản lý thuế tập trung TMS:

+ Phân chia thành 2 nhóm: (i) Nhóm tập đoàn công ty đa quốc gia có 1 công ty con tại Việt Nam, (ii) Nhóm Tập đoàn công ty đa quốc gia có nhiều công ty con tại Việt Nam;

+ Căn cứ thu nhập trước thuế theo Báo cáo tài chính trung bình của Tập đoàn công ty đa quốc gia tại Việt Nam trong 3 năm (2020 – 2022) loại trừ các đối tượng không đạt ngưỡng doanh thu và thu nhập;

+ Tính thuế suất thực tế, thuế suất bổ sung của các tập đoàn đa quốc gia;

+ Tính thu nhập tính thuế bổ sung trên cơ sở thu nhập trước thuế theo Báo cáo tài chính trừ 10% chi phí tiền lương, trừ 8% giá trị tài sản hữu hình;

+ Tính thuế bổ sung = Thu nhập tính thuế bổ sung * Thuế suất bổ sung;

Tính toán theo nguyên tắc nêu trên với dữ liệu về thuế theo quyết toán thuế TNDN năm 2022 của các DN (dữ liệu mới nhất theo quy định quyết toán thuế TNDN) thì có khoảng 90 Tập đoàn có khả năng chịu ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu nếu áp dụng từ năm 2024; nếu các quốc gia khác đều áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng 10.000 – 20.000 tỷ đồng.

Tình hình Việt Nam đầu tư ra nước ngoài

Không chỉ là nước nhận đầu tư, Việt Nam cũng có các nhà đầu tư ra nước ngoài như Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, Tập đoàn Vingroup, Tổng công ty Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các Ngân hàng thương mại

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến 20/3/2023, Việt Nam đã có 1.625 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 21,9 tỷ USD. Trong đó, có 141 dự án của các DN có vốn nhà nước với tổng vốn đầu tư gần 11,67 tỷ USD, chiếm gần 53,3% tổng vốn đầu tư cả nước. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,8%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,7%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là: Lào (24,5%), Campuchia (13,5%), Venezuela (8,3%)...

Như vậy, Thuế tối thiểu toàn cầu cũng tạo ra cơ hội đánh thuế khi Việt Nam áp dụng quy định chung về Thuế tối thiểu. Theo đó, Việt Nam có quyền đánh thuế bổ sung đối với các DN Việt Nam nếu thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu đầu tư ra nước ngoài, và đang được hưởng thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu 15% tại các nước khác.

Giải pháp ứng phó của Việt Nam trước tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu

Với thực tế nêu trên, Việt Nam cần chủ động thực hiện theo chương trình Thuế tối thiểu toàn cầu, theo đó ban hành chính sách về thuế thu nhập DN theo quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu để các DN đầu tư nước ngoài đang được hưởng ưu đãi thuế tại Việt Nam nộp phần chênh lệch giữa thuế thu nhập DN thực tế so với Thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Trước mắt có khoảng 90 Tập đoàn nước ngoài chịu tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu. Vì vậy, cần bổ sung quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng tại Việt Nam như sau:

(i) Cần quy định về thuế TNDN bổ sung đối với các DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam theo quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu (đạt chuẩn 15% - theo quy định QDMTT của OECD) để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu của các nước có đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024).

(ii) Quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu, bao gồm quy định tổng hợp thu nhập (IIR) và quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR), để áp dụng đối với các DN Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài và các DN khác thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu để thu phần chênh lệch (nếu có).

Việc bổ sung quy định này sẽ thể chế hóa được nội dung của Nghị quyết số 07- NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị là: “Hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng tỉ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường;...”.

Cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về Thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư.

Các giải pháp hỗ trợ cần được nghiên cứu ban hành có thể bao gồm việc hỗ trợ các DN trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho sản xuất, đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động, hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường. Để thực hiện được chương trình hỗ trợ Nhà nước cũng cần bố trí các nguồn lực tài chính, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực để duy trì sức hấp dẫn và ổn định môi trường đầu tư.

Tài liệu tham khảo:

  1. Luật số 32/2013/QH13 của Quốc hội: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN
  2. Luật Đầu tư năm 2020
  3. Nghị quyết số 07-NQ/TW về "Chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững"