Thương mại biên giới Việt - Trung: Xây dựng định hướng dài hạn

Theo Thu Phương/congthuong.vn

Dù có những đóng góp tích cực vào phát triển chung của nền kinh tế nhưng hoạt động thương mại qua biên giới Việt – Trung vẫn còn gặp không ít khó khăn: Xuất khẩu nông sản còn nhiều vướng mắc, cơ sở hạ tầng bến bãi hạn chế...

Sôi động giao thương. Nguồn: Internet.
Sôi động giao thương. Nguồn: Internet.

Chưa ổn định

Hoạt động thương mại biên giới nói chung, hoạt động thương mại biên giới qua cửa khẩu phụ, lối mở nói riêng đã góp phần tích cực thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Số liệu tổng hợp cho thấy, kim ngạch thương mại biên giới phía Bắc với Trung Quốc luôn chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng kim ngạch thương mại song phương (khoảng 25-30%). Năm 2018, kim ngạch thương mại biên giới Việt - Trung đạt 25,636 tỷ USD. Cụ thể, xuất nhập khẩu đạt 7,108 tỷ USD. Các phương thức tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan đạt 17,468 tỷ USD; mua bán, trao đổi hàng hóa cư dân biên giới đạt 1,06 tỷ USD.

Dù vậy, qua tìm hiểu thực tế của phóng viên, hoạt động thương mại biên giới, nhất là xuất khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở nhìn chung chưa thực sự ổn định, hiệu quả hạn chế. Một số thời điểm, việc xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa khó khăn, bị động khi phía Trung Quốc siết chặt quản lý hoạt động biên mậu. Hiện tượng buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến biên giới phía Bắc tại một số khu vực, địa bàn, thời điểm tiếp tục diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại tại nhiều cửa khẩu phụ, lối mở, chợ biên giới còn thiếu và yếu, chậm phát triển, chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng sản phẩm hàng hóa không được kiểm soát tốt, có thể ảnh hưởng không có lợi tới định hướng xuất khẩu ổn định, bền vững của Việt Nam.

Thống nhất quản lý

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân của tình trạng trên do địa bàn hoạt động thương mại trên tuyến biên giới phía Bắc chủ yếu là vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở gây khó khăn, rủi ro, tăng chi phí, ảnh hưởng bất lợi cho hoạt động kinh doanh của thương nhân, cũng như công tác quản lý, giám sát...

Tại một số cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, lực lượng chuyên ngành bố trí thường trực quản lý còn thiếu. Ngoài ra, việc nắm bắt thông tin thị trường của doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc yếu; cách thức tổ chức kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm xuất khẩu còn hạn chế.

Để thúc đẩy thương mại biên giới Việt - Trung phát triển theo hướng ổn định, bền vững, hiệu quả, thời gian tới, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương liên quan sẽ tăng cường thực thi quy định pháp luật về quản lý hoạt động thương mại biên giới đã được ban hành, đặc biệt là Nghị định số 14/2018/NĐ-CP. Thống nhất quan điểm, định hướng trong công tác quản lý, điều hành hoạt động thương mại biên giới theo quy định của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP và Hiệp định Thương mại biên giới Việt-Trung năm 2016.

Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng định hướng phát triển thương mại biên giới giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới nói chung và với Trung Quốc nói riêng cả trong dài hạn và trung hạn theo hướng ổn định, bền vững. Đồng thời, rà soát, đánh giá thực trạng, thực thi các giải pháp cụ thể nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phối hợp quản lý giữa các lực lượng chức năng; đẩy mạnh cải cách hành chính trong hoạt động thương mại biên giới, đơn giản hóa các thủ tục quản lý xuất nhập khẩu, giảm thiểu thủ tục không cần thiết.

Để phát triển hệ thống kho bãi đồng bộ, tích hợp dịch vụ logistics kèm theo, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1093/QĐ-BCT về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển kho hàng hóa tại các cửa khẩu khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.