Ba nguyên nhân khiến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có dấu hiệu chậm lại


Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2019 đã thâm hụt 1,3 tỷ USD và tính riêng trong tháng 5/2019 Việt Nam nhập siêu khoảng 548 triệu USD.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2019 Việt Nam nhập siêu khoảng 548 triệu USD.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2019 Việt Nam nhập siêu khoảng 548 triệu USD.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm ước tính đạt 202,02 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 100,74 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn nhiều mức tăng 19% và 17,5% của 5 tháng đầu năm 2017 và 2018; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 101,28 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam giảm mạnh về số lượng và giá trị trong 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ các năm trước như: gạo, cao su, cà phê… 

Dấu hiệu tăng trưởng xuất khẩu chậm lại cùng cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt lớn trong tháng 5 và sau 5 tháng đầu năm 2019 xuất phát từ nguyên nhân gì và Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới?

TS. Võ Trí Thành.
TS. Võ Trí Thành.

Trao đổi với báo chí, theo TS. Võ Trí Thành, nói một cách khái quát nhất, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam quý I/2019 và cả 5 tháng đầu năm 2019 thấp hơn nhiều so với các năm gần đây, mặc dù xuất khẩu 5 tháng đã có bước tiến tốt hơn so với quý I/2019.

TS. Võ Trí Thành cũng chỉ ra ba nguyên nhân chính dẫn đến cán cân thương mại thâm hụt trong tháng 5 và cả 5 tháng đầu năm 2019.

Thứ nhất, do bối cảnh suy giảm thương mại chung của thế giới. Số liệu gần đây cho thấy xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm như Nhật Bản, Indonesia, Singapore hoặc tăng nhẹ như Trung Quốc (tăng 1,4%). Trong khi tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng 6,7%, mức tăng này khá thấp so với “thông lệ” của Việt Nam trong rất nhiều năm qua nhưng lại khá tích cực so với nhiều nước ở khu vực.

Rõ ràng, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới bên cạnh tính chu kỳ thì còn chịu tác động của các nhân tố khác, đặc biệt là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới giảm thì tổng cầu giảm, kéo theo việc mức tăng xuất khẩu của Việt Nam không được như mong muốn mặc dù nó vẫn tốt hơn mức tăng trưởng âm của rất nhiều nước trong khu vực.

Thứ hai, là xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào khu vực FDI và trong khu vực FDI thì phụ thuộc nhiều vào một số tập đoàn lớn như Samsung. Rõ ràng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Samsung hiện đã giảm khá nhiều so với các năm trước. 

Trong khi trước doanh nghiệp này tăng trưởng ở mức hai con số thì sang năm 2019, tốc độ tăng trưởng 3 tháng đầu năm rất thấp và đến 5 tháng thì có khá hơn nhưng cũng chỉ ở mức vài phần trăm.

Thứ ba, khác hẳn với hai năm vừa qua, năm nay xuất khẩu nông nghiệp khó khăn hơn rất nhiều, một số mặt hàng sụt giảm cả về lượng và giá còn một số mặt hàng sụt giảm về giá. Trong nhiều ngành hàng, xu hướng tăng trưởng của các mặt hàng lại khác nhau, trong khi xuất khẩu tôm có thể tăng nhẹ thì xuất khẩu cá tra lại giảm. 

Xuất khẩu nông sản Việt Nam có rất nhiều mặt hàng là xuất sang thị trường Trung Quốc. Trong khi bối cảnh chung của nền kinh tế Trung Quốc năm nay là suy giảm, ngoài ra thị trường này lại yêu cầu khắt khe hơn về mặt tiêu chuẩn. Điều này về mặt dài hạn là tốt cho Việt Nam thế nhưng trong ngắn hạn lại hạn chế một phần xuất khẩu nông sản. Tuy nhiển, đây là thách thức lớn, song nếu vượt qua, sẽ mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu nông sản Việt Nam tại thị trường lớn này.