Thương mại điện tử: Hướng đi cần thiết
Dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, mua bán hàng hóa, quảng bá sản phẩm trên cả nước nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng. Điều kiện khó khăn càng thôi thúc các địa phương và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tìm kiếm những hướng đi mới để đa dạng cách thức quảng bá và tiêu thụ sản phẩm bên cạnh những cách làm truyền thống.
Đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm
Dịch COVID-19 diễn ra làm thay đổi thói quen sản xuất lẫn tiêu dùng, khi nhiều doanh nghiệp trước đây chưa từng bán trực tuyến nay bắt đầu tham gia cuộc chơi, nhiều người tiêu dùng chưa mua hàng trực tuyến nay vì hạn chế ra ngoài nên mua hàng trực tuyến trở thành một kênh mua sắm chính.
Tuy sức mua thị trường nhìn chung vẫn bị tác động khá mạnh bởi dịch bệnh, nhưng từ nay đến khi nền kinh tế dần hồi phục, thương mại điện tử (TMĐT) vẫn được đánh giá là sẽ góp phần không nhỏ thúc đẩy và khơi thông dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, hỗ trợ những doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường.
Là một trong số 14 chủ cơ sở kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được hướng dẫn đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, bà Nguyễn Ánh Nguyệt, chủ cơ sở sản xuất trà mãng cầu Ánh Nguyệt, ở phường 4, thành phố Vị Thanh, không khỏi bỡ ngỡ khi tạo trang bán hàng online.
Bà Nguyệt chia sẻ: “Nếu các năm trước, thời gian này trong năm tôi tất bật chuẩn bị cho nhiều sự kiện xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ trong và ngoài tỉnh, nhưng khi dịch bệnh bùng phát và kéo dài thì các hoạt động này tạm ngưng. Thời gian ở nhà, tôi chịu khó lên học kinh nghiệm quản lý bán hàng online. Do chưa quen với môi trường mạng, thao tác trên điện thoại thông minh nên tôi nhờ con cháu chỉ dẫn thêm để cập nhật thông tin sản phẩm và chăm chút cho trang bán hàng của mình tại các sàn TMĐT. Đây là cách làm rất hay và kịp thời của ngành chức năng, vừa có thể tiếp cận khách hàng từ xa vừa giúp cơ sở đa dạng các hình thức bán hàng không bị động khi kênh truyền thống tạm ngưng.
Bà Nguyễn Thị Diễm Phượng, cơ sở sản xuất trà mãng cầu Diễm Phượng, ở xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ thì cho biết trước đây mỗi tháng cơ sở tiêu thụ khoảng 500kg trà mãng cầu, nhưng vì ảnh hưởng dịch bệnh nên số lượng này đã giảm mạnh, bản thân bà khá hào hứng khi bước đầu đưa các sản phẩm “lên sàn”: “Tôi cũng là một khách hàng thường xuyên của các trang TMĐT nên biết rõ nhiều tiện lợi của nó. Nhất là trong 1-2 năm trở lại đây, người tiêu dùng càng ít đi các sự kiện đông người mà giao dịch online nhiều hơn, đối tác ở xa cũng chủ yếu liên hệ qua điện thoại, giao hàng qua các dịch vụ hoặc đường bưu điện. Không giống với khi giới thiệu trực tiếp, trên trang TMĐT thì các thông tin, hình ảnh sản phẩm cần có sự đầu tư nhất định và dành thời gian quản lý, tư vấn, đây là điều chủ cơ sở cần phải học hỏi thêm rất nhiều”.
Còn ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc Hợp tác xã Tân Long, huyện Vị Thủy, lại có định hướng rất rõ: TMĐT là một kênh quan trọng để giới thiệu sản phẩm của hợp tác xã không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh mà cả trong thời gian tới khi tình hình được kiểm soát. Do đó, ngay từ khi mở thêm trang bán hàng, hợp tác xã giao riêng một nhân sự phụ trách kênh này, vừa lo khâu hình ảnh, thông tin sản phẩm trên các trang TMĐT vừa làm đầu mối tiếp nhận đơn hàng để chuyên nghiệp hóa khâu bán hàng trực tuyến.
Cần hỗ trợ để nhập cuộc “chuyên nghiệp”
Ông Nguyễn Vũ Trường - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, thông tin: TMĐT là một trong những kênh quan trọng nhằm quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm của tỉnh. Trong năm 2021, Sở Công thương đã hướng dẫn 14 đơn vị đăng ký bán hàng qua các trang thương mại điện tử lớn như: Shopee, Lazada, Tiki, Postmart và Voso. Có tổ hỗ trợ để các cơ sở còn bỡ ngỡ học quản lý bán hàng, cập nhật thông tin sản phẩm đầy đủ.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 gây ra, có khả năng còn kéo dài, hoạt động kinh doanh truyền thống cũng chậm lại nên việc hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai TMĐT, chuyển đổi số doanh nghiệp, phát triển kinh tế số là rất cần thiết. Sở Công thương đã đề nghị các địa phương rà soát các doanh nghiệp có hoạt động TMĐT trên địa bàn quản lý để có cơ sở hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang cũng xây dựng kế hoạch hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tham gia sàn TMĐT và hướng dẫn, trang bị các kỹ năng số cần thiết để các hộ sản xuất quen với kinh doanh và tương tác trên môi trường số.
Bán hàng qua sàn TMĐT khá tiện lợi và dễ sử dụng, khách hàng có thể đặt mọi lúc mọi nơi, nhưng để khách từ vào xem sản phẩm đến bước “chốt đơn” cũng cần nhiều yêu cầu khác. Ngoài thông tin minh bạch, rõ ràng, hình ảnh thu hút, chất lượng sản phẩm là điều quan trọng nhất để giữ chân khách hàng lựa chọn sản phẩm ở những lần tiếp theo.
Tại các trang bán hàng còn có cả phần đánh giá, nhận xét trải nghiệm mua hàng cũng như sản phẩm vừa mua. Do đó nếu nắm bắt tốt cơ hội, TMĐT là cơ hội để các cơ sở thu thập nhiều thông tin quan trọng, cải thiện và nâng tầm sản phẩm cũng như dịch vụ.
Theo báo cáo về tình hình phát triển TMĐT tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020, có khoảng 30% người dân trên địa bàn thường xuyên sử dụng mua sắm trực tuyến thông qua các ứng dụng trên các thiết bị di động như: Lazada, Shopee, Sendo… và các trang TMĐT bán hàng. Doanh số giao dịch TMĐT của các doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang tăng khoảng 20% mỗi năm. Trong thời gian có dịch COVID-19 đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cách thức tiếp cận thị trường và mua sắm của người dân. Một bộ phận người dân đã thường xuyên truy cập các mạng xã hội, các công cụ bán hàng trực tuyến, các doanh nghiệp cũng thường xuyên giao dịch và tương tác trên môi trường mạng.