Thương mại điện tử: Cần chế tài nặng hơn

Theo Minh Chiến/nld.com.vn

Để nâng cao lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp phải xây dựng được nền tảng tín nhiệm trong thương mại điện tử

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam được đẩy mạnh trong giai đoạn dịch Covid-19. Đây là đánh giá của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, tại hội thảo "Phát triển thương mại điện tử: Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam" diễn ra ở Hà Nội, ngày 2/6.

Theo TS. Võ Trí Thành, việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 một cách nghiêm ngặt và giãn cách xã hội là "đòn bẩy" giúp TMĐT Việt Nam phát triển nhanh hơn. Không chỉ riêng Việt Nam, dịch bệnh trên toàn cầu cũng đã tác động đến xu hướng mua sắm và giao dịch hàng hóa của người dân để bảo đảm sự an toàn. Sợ hãi dịch bệnh của xã hội khiến giao dịch online tăng lên. "Tuy nhiên, TMĐT phát triển không thể nhờ vào sự sợ hãi mà phải phát triển bằng sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng, sự gắn kết của người dân với dịch vụ. Trong thời gian dịch Covid-19 ở Việt Nam, TMĐT đã có những bước đột phá và đây là một xu hướng tất yếu" - ông Thành nhấn mạnh.

Trước những tác động của dịch Covid-19, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng TMĐT sẽ giúp DN nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa thông qua việc tiết kiệm chi phí trong thuê mặt bằng, nhân công, quảng cáo cũng như dịch vụ bán hàng. "DN mở rộng khả năng quảng bá, tiếp thị mà không cần tăng chi phí tương ứng. Đặc biệt, thời gian dành cho thực hiện giao dịch TMĐT không giới hạn đối với khách hàng toàn cầu với tốc độ giao dịch nhanh nhất, hiệu quả nhất, tận dụng được mọi nguồn lực" - ông Sang nhìn nhận.

Trong dịch Covid-19, ông Lê Xuân Sang cho biết doanh số bán hàng của DN cho khách hàng cá nhân tăng đỉnh điểm thông qua hình thức online. Ông dẫn một khảo sát của website tìm kiếm và so sánh giá iPrice Group và Công ty Đo lường Similar Web cho thấy trong quý I/2020, Shopee Việt Nam có 43,16 triệu lượt truy cập, thực hiện giao dịch mua sắm trực tuyến, tăng mạnh so với cùng kỳ, vượt xa các DN thương mại truyền thống đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19.

Về phía DN, đại diện Công ty CP Khóa Việt Tiệp cho biết đã tận dụng sự phát triển của TMĐT để đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng, đặc biệt trong điều kiện hiện nay. "Sản phẩm của công ty không chỉ xuất hiện ở kênh phân phối truyền thống mà người tiêu dùng có thể mua sản phẩm trực tuyến thông qua website, thông qua mạng xã hội Facebook và các sàn TMĐT" - đại diện DN nói.

Niềm tin của người tiêu dùng và những quy định chặt chẽ được xem là điều kiện để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển hơn nữa. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Niềm tin của người tiêu dùng và những quy định chặt chẽ được xem là điều kiện để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển hơn nữa. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tuy nhiên, cũng có những mặt trái đang ảnh hưởng không nhỏ tới khóa Việt Tiệp, như hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan trên kênh bán hàng trực tuyến. DN này cáo buộc các sàn TMĐT đã tạo ra cuộc cạnh tranh không lành mạnh, làm mất uy tín DN, người tiêu dùng mất niềm tin vào sản phẩm. Do đó, để thị trường TMĐT phát triển lành mạnh, đại diện DN kiến nghị cơ quan quản lý có các quy định, điều kiện tham gia vào hệ thống bán hàng trực tuyến chặt chẽ hơn, có chế tài xử phạt nặng với vi phạm nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Dù TMĐT đã mang lại nhiều lợi thế cho DN, ông Lê Xuân Sang vẫn nhấn mạnh để TMĐT thực sự làm tăng sức cạnh tranh, DN cần phải hoàn thiện khung pháp lý, chính sách, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng sự tín nhiệm trên các sàn TMĐT. Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương), cũng đề xuất để nâng cao lợi thế cạnh tranh, DN phải xây dựng được nền tảng tín nhiệm trong TMĐT.

Phân tích rõ hơn, ông Lê Đức Anh cho biết việc xây dựng tín nhiệm có thể thực hiện trên cơ sở sử dụng những nền tảng hỗ trợ giao dịch bảo đảm uy tín, từ xác thực thông tin, xử lý tranh chấp, khiếu nại, chất lượng dịch vụ giao hàng, phát triển sản xuất trong nước, giải pháp thúc đẩy thị trường, phát triển thanh toán bảo đảm... Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện khung pháp lý thanh toán không dùng tiền mặt để khuyến khích thêm nhiều DN tham gia TMĐT, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.